3 nhà thờ bị dỡ bỏ ở Aceh (Indonesia) và 7 nhà thờ nữa sẽ chung số phận

Thái Hà (26.10.205) – Hãng tin Asianews cho biết, các nhà chức trách ở Singkil, tỉnh Aceh (Indonesia), đã bắt đầu tiến hành dỡ bỏ 10 nhà thờ được cho là “bất hợp pháp” bởi không có giấy phép xây dựng phù hợp.

Các nhóm Hồi giáo cực đoan đã gây áp lực nhằm tìm cách phá hủy các nhà thờ. Sau đó họ quyết định tự tay phá hoại hai nhà thờ và đốt một nhà thờ vào ngày 13/10. Điều này đã khiến hàng trăm gia đình Kitô giáo phải di cư, và chạy trốn khỏi cuộc xung đột giáo phái.

Các viên chức chính phủ đang tiến hành dỡ bỏ các nhà thờ. Ảnh: AFP
Các viên chức chính phủ đang tiến hành dỡ bỏ các nhà thờ. Ảnh: AFP

Đến bây giờ, những căng thẳng tại tỉnh Aceh vẫn ở mức cao. Đây là tỉnh duy nhất của Indonesia buộc thực thi luật Hồi giáo (Sharia). Các nhà chức trách đã triển khai quân đội xung quanh các khu vực đã bị phá hủy để ngăn chặn bạo lực tiếp diễn.

Ba cơ sở tôn giáo đã bị phá huỷ tại làng Siompin. Và thêm bảy cơ sở nữa sẽ bị phá huỷ trong những ngày tới.

Quyết định phá hủy được công bố hôm 10/10, sau khi các nhà chức trách gặp gỡ các lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo và Kitô giáo.

Người Hồi giáo địa phương phàn nàn rằng các Kitô hữu đã xây dựng vượt quá số nhà thờ so với những gì đã được hai bên thống nhất vào năm 1979 (và được nhắc lại vào năm 2001).

Paima Brutu, người giám hộ của một trong những nhà thờ bị phá huỷ, đổ lỗi cho chính phủ vì thiếu thiện chí cấp phép.

Ông nói tiếp: “Chúng tôi đã nộp đơn xin phép xây dựng hàng ngàn lần. Vào thời điểm này, chúng tôi muốn biết liệu chính phủ có bao giờ muốn cấp phép cho chúng tôi hay không?”

Indonesia hiện là quốc gia có số dân theo Hồi giáo đông nhất thế giới. Các nhóm tôn giáo khác chỉ chiếm thiểu số tại đất nước.

Hãng tin UCA News cho biết, những người ủng hộ quyền lợi cho các nhóm tôn giáo thiểu số ở Indonesia nói chính phủ tạo ra những quy định phiền hà về nơi thờ tự, và thường dùng cách này để hạn chế các tôn giáo thiểu số, bao gồm cả các Kitô hữu.

Ví dụ một nghị định năm 2006 quy định rằng, để được xây một nơi thờ phượng, các quan chức phải có được chữ ký của 60 cư dân địa phương và sự đồng ý của trưởng làng. Quy định tại tỉnh Aceh thậm chí còn nghiêm ngặt hơn, và đòi buộc phải có chữ ký của 120 người.

Hoàng Quyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.