Thái Hà (24.01.2016) – CNA – Mặc cho trận bão tuyết tồi tệ nhất trong hơn một thế kỷ đang tràn vào nước Mỹ, hàng chục ngàn người đã tràn xuống các con phố của thủ đô hôm thứ Sáu 22/1 để chống phá thai và ủng hộ các giá trị sự sống.
Được tổ chức hàng năm vào ngày 22/1 hay thời điểm gần đó, cuộc ‘Tuần hành vì Sự sống’ ở Washington, DC, đánh dấu quyết định Roe v. Wade năm 1973, cho phép hợp pháp hóa phá thai trên toàn Hoa Kỳ.
Trong những năm gần đây, ước tính số người tham dự tuần hành dao động từ 250.000 đến hơn nửa triệu.
Rosalie Rwamakuba, một phụ nữ 20 tuổi đến từ bang New York, nói cô muốn “diễu hành cho những ai không thể”.
“Tôi đã mong chờ cuộc diễu hành từ rất lâu. Nó thực sự có ý nghĩa quan trọng, bởi giá trị sự sống bị coi thường trong thời đại ngày nay.”
“Mọi sự sống đều có giá trị mặc cho cách thức đứa trẻ được thụ thai như thế nào. Tất cả chúng ta đều độc đáo và là duy nhất.”
Dự báo thời tiết nói sẽ có tuyết rơi lên đến 30 inches khiến một số nhóm hủy tuần hành. Tuy nhiên, vẫn có hàng chục ngàn người đổ ra khu Thương mại Quốc gia (National Mall) – chủ yếu là thanh niên – để ủng hộ giá trị của sự sống bất chấp bão tuyết.
Benjamin Swanson, 18 tuổi đến từ Nebraska, nói anh tham dự cuộc diễu hành bởi anh “không muốn phá thai trở thành chuẩn mực … Mọi người đều xứng đáng có cơ hội được sống.”
Anh cũng lưu ý đến tầm quan trọng, của việc hỗ trợ những người mang thai trong hoàn cảnh khó khăn. Khi chị của anh mang thai vào năm nhất đại học, người dì đã đuổi cô ra khỏi nhà. Và nếu không được hỗ trợ thì có lẽ “cô đã không thể giữ lại được đứa bé, và tôi đã không có một cháu trai.”
Trong khi đó Yohanka, một phụ nữ Cuba hiện đang sống ở Florida, nói với CNA: cô bị cha dượng ở Cuba cưỡng hiếp nhiều lần, và bị buộc phải phá thai khi còn là một thiếu niên. Một năm sau, cô lại mang thai vì bị cưỡng bức và đã sinh ra một người con trai.
Cô nói: “Đó là một người con tuyệt vời. Nó là cuộc sống, và là người con duy nhất của tôi. Bởi sau đó tôi đã không bao giờ có thể mang thai nữa”.
“Giờ đây nó đã 25 tuổi. Chồng tôi coi nó như con trai riêng của mình.”
Yohanka nói cô diễu hành, để lên tiếng cho những trường hợp mang thai được gọi là “ngoại lệ”. Khi người khác nói phá thai là được phép trong trường hợp bị cưỡng bức và loạn luân, cô cho rằng điều đó giống như họ nói con trai cô chết đi thì tốt hơn.
“Tại sao con trai tôi phải trả giá cho tội lỗi của người khác? Tại sao nó phải bị giết? Nó là con của tôi và không có tội gì”.
Đức Thiện