Các Giám mục Châu Mỹ Latinh và Caribê (CELAM) bày tỏ mối bận tâm sâu sắc của họ đối với các đám cháy tàn phá đang thiêu rụi các khu rừng trên thế giới.

Tính chất nghiêm trọng của các vụ hỏa hoạn hiện đang hoành hành tại Alaska, Siberia, Greenland, Quần đảo Canary, “và đặc biệt là khu vực Amazon”, không chỉ mang tính chất địa phương, theo các Giám mục Mỹ Latinh và Caribbean. “Nó mang tầm cỡ hành tinh”.
Amazon, khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, đang bị thiêu hủy trong hơn hai tuần lễ vừa qua.
Đức Thánh Cha Phanxicô, người đã biến cuộc chiến cho quyền của người dân bản địa trở thành tâm điểm của Triều đại Giáo hoàng của mình, đã kêu gọi một Thượng Hội đồng Giám mục vào tháng Mười về khu vực Pan-Amazonia.
Từ hy vọng đến sự đau khổ
Trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 22 tháng 8, các Giám mục đã viết rằng “thảm kịch tự nhiên dữ dội” hiện đang hoành hành và hủy hoại Amazon đã biến điều mà trước đây gọi là một Thượng Hội đồng Giám mục đầy hy vọng, trở thành một trong những “nỗi buồn sâu thẳm”.
“Đối với các anh chị em bản địa hiện đang sinh sống tại khu rừng nhiệt đới yêu dấu đó, chúng tôi bày tỏ sự gần gũi của mình”, các Giám mục nói, đồng thời cũng cho biết thêm rằng họ tham gia cùng với người dân bản địa kêu gào thế giới “thể hiện tinh thần liên đới và sự chú ý nhanh chóng” đến thảm kịch tàn khốc này.
Một vùng vùng đất phong phú, và cực kỳ quan trọng
Đề cập đến Tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội đồng sắp tới, các Giám mục viết rằng khu rừng nhiệt đới Amazon, vô cùng “phong phú” về mặt đa dạng sinh học, “có tầm quan trọng quan trọng vô cùng thiết yếu” đối với hành tinh.
Giáo hội tuyên bố rằng một khu vực “đa sắc tộc, đa văn hóa và đa tôn giáo… đòi hỏi những thay đổi về mặt cấu trúc và cá nhân của toàn thể nhân loại”.
“Cuộc khủng hoảng sâu sắc này”, theo Tài liệu chuẩn bị, “gây ra bởi sự can thiệp kéo dài của con người, mà trong đó ‘văn hóa lãng phí’, hiện đang chiếm ưu thế”.
Lá phổi của thế giới
Cuối cùng, các Giám mục kêu gọi chính phủ các quốc gia tại khu vực Amazon, Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế giúp đỡ “để cứu lấy phổi của thế giới”.
Trích dẫn những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, các Giám mục yêu cầu tất cả những người nắm giữ trách nhiệm “phải là những người bảo vệ và gìn giữ công trình sáng tạo, bảo vệ sáng kiến của Thiên Chúa được ghi trong tự nhiên, cũng như bảo vệ môi trường”, và đồng thời “không cho phép những dấu hiệu của sự hủy diệt và chết chóc trong thế giới của chúng ta”. Bởi vì, theo các Giám mục, “Nếu như Amazon chịu tổn thất, thế giới cũng không tránh khỏi”.
Minh Tuệ (theo Vatican News)