Các linh mục Sri Lanka tái phát hành tạp chí ủng hộ dân chủ

Tạp chí ‘Social Justice’ hướng đến nâng cao nhận thức về các vấn đề nóng hổi trong khi làn sóng bạo lực tôn giáo càn quét qua hòn đảo

Ngày 17 tháng 7 năm 2018

Cha Rohan Silva (trái), giám đốc Trung tâm Xã hội và Tôn giáo (CSR), trao tạp chí Social Justice cho bề trên giám tỉnh dòng Tận Hiến tại trụ sở chính của CSR ở Colombo hôm 4-7. Ảnh: Photo by Niranjani Roland/ucanews.com

Các linh mục dòng Thừa sai Tận hiến Sri Lanka tái phát hành tờ tạp chí có tên là Social Justice (Công bằng Xã hội) nhằm đẩy mạnh dân chủ, công bằng, hòa hợp dân tộc và bình đẳng khoảng 16 năm sau khi đóng cửa. Tờ tạp chí được tái phát hành trong tháng này với số ra đầu tiên lấy chủ đề liên quan đến “chủ nghĩa cực đoan và quá khích trong tôn giáo”.

“Tờ Social Justice không phải là một bộ sưu tập các bài hát ru, những lời vô vị và những mẫu rập khuôn ru ngủ người khác”, cha Rohan Silva, giám đốc Trung tâm Xã hội và Tôn giáo (CSR), tổ chức chịu trách nhiệm xuất bản tạp chí, phát biểu.

“Nói đúng hơn tờ tạp chí như là chuông báo thức reo vào những lúc bất ngờ để đánh thức những người đang ngủ”, ngài nói với các nhà hoạt động xã hội, linh mục và nữ tu tại lễ khai mạc ở Colombo hôm 4-7.

Tiến sĩ Harini Amarasooriya, một nhà nhân loại học và là giảng viên cao cấp tại Đại học Mở Sri Lanka, nói những vấn đề được tạp chí đang xúc tiến đáng lẽ cần được đưa ra trước công chúng sớm hơn.

“Trong bối cảnh đất nước đang trải qua những khó khăn hiện nay, việc tạp chí này được xuất bản trở lại mang ý nghĩa rất quan trọng”, bà nói. “Tạp chí nhắc nhớ chúng ta rằng có nhiều tổ chức đang gây mất an ninh trong xã hội. Tạp chí là nguồn cảm hứng to lớn trong thời vinh quang trước đây và hiện nay chúng ta cần điều đó hơn bao giờ hết. Ngày nay tôn giáo đang có liên hệ với một số việc không tốt. Tờ Social Justice cho thấy ngay cả tôn giáo cũng có thể bị khai thác phục vụ cho các mục đích xấu xa như thế nào”.

Cha Silva nói tạp chí đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về các vấn đề vẫn đang tiếp tục gây lo lắng và đau khổ cho xã hội Sri Lanka.

“Tờ Social Justice đã can đảm lớn tiếng nói về những vấn đề liên quan đến các thực trạng xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa của đất nước”, vị linh mục, cựu bề trên dòng Thừa sai Tận Hiến Đức Mẹ Vô Nhiễm trông coi Bangladesh, Nhật Bản, Pakistan và Sri Lanka, nói và thêm. “Chúng ta cần phải nỗ lực hết mình để đẩy mạnh dân chủ ở đây”.

Tạp chí ngừng xuất bản năm 2002 lúc Sri Lanka chìm trong cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài 26 năm, cuối cùng đã kết thúc vào năm 2009 khi quân đội đập tan mọi sự kháng cự từ phe Hổ Tamil.

Tuy nhiên quốc đảo đa số Phật giáo này vẫn đang bị ảnh hưởng tình trạng bất khoan dung tôn giáo, nổi bật là một loạt cuộc bạo loạn chống Hồi giáo bùng nổ hồi cuối tháng 2 và đợt cao điểm là hồi đầu tháng 3 tại huyện Kandy, miền trung Sri Lanka.

Các vụ bạo loạn đã khiến ít nhất 2 người thiệt mạng, hơn 10 người bị thương và hơn 80 người bị bắt khi người Phật giáo Sinhal tấn công nhà cửa, doanh nghiệp và các nơi thờ tự của người Hồi giáo.

Nguyên nhân xảy ra bạo loạn do có tin báo một tài xế xe tải người Phật giáo Sinhal bị 4 người Hồi giáo tình nghi say rượu tấn công, và chết do bị thương trong bệnh viện.

“Nhiệm vụ nâng cao nhận thức giúp người dân, những người hoàn toàn hài lòng với hiện trạng, ý thức về những vấn đề chúng ta vẫn đang đối mặt là một nhiệm vụ không hề dễ dàng hay thú vị”, cha Silva phát biểu.

Tạp chí do cha Peter Pillai OMI thành lập năm 1937. Ngài là con trai của một thầy hiệu trưởng và là con út trong 5 anh em sinh ra trong một gia đình Công giáo sùng đạo. Sau đó ngài học tại Cambridge và Đại học London.

Cha Pillai chịu chức linh mục tại Rôma ở tuổi 30. Ngài thành lập Hiệp hội Trường học Công giáo năm 1936 và thành lập tạp chí này chẳng bao lâu sau đó nhằm cổ vũ sự công bằng xã hội và đấu tranh cho quyền lợi của giai cấp lao động.

Quyền kiểm soát tờ Social Justice được chuyển cho cha Tissa Balasuriya OMI năm 1987, và cha Oswald B. Firth OMI và Richard Dias làm biên tập viên của tạp chí từ năm 1996 đến 2002, thì tạp chí đóng cửa do tài chính hạn hẹp.

Cha Ashok Stephen, giám đốc điều hành CSR, chỉ trích các nhà chính trị đang thay đổi đức tin của người dân nhằm phục vụ cho các nghị trình cá nhân của họ và huy động tôn giáo phục vụ lợi ích chính trị.

“Tất cả các tôn giáo ở Sri Lanka, thực ra là trên cả thế giới, đang bắt đầu chấp nhận hay thể hiện các dấu hiệu hiếu chiến và gây hấn”, ngài nói trong thông cáo quảng bá số phát hành tháng 6-7.

ShanthiKumar Hettiararachchi, tân trưởng ban biên tập của tờ Social Justice, cho biết mục tiêu chính của tạp chí là giúp Sri Lanka trở thành một xã hội công bằng và dân chủ hơn bằng cách tôn trọng các vai trò của tất cả các thành viên.

“Về cơ bản chúng tôi đang làm những việc đã làm trước đây, chỉ là nâng cấp cho phù hợp với bối cảnh hiện nay và những vấn đề xã hội – kinh tế phức tạp mà chúng ta đang gặp phải”, ông nói.

nguồn: vietnam.ucanews.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.