Sáng Chúa Nhật 28.10.1962 Ðức Cha Dell ‘Acqua ở Phủ Quốc Vụ Khanh trình lên Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII bức điện tín của Tổng Thống Mỹ Kennedy: “Xin cám ơn ngài đã can thiệp, Khrushchev đã bằng lòng thương thuyết”. Ðiện tín rất ngắn, nhưng ý nghĩa rất lớn. Ðức Thánh Cha đứng dậy, kéo đức cha Dell’Acqua vào nhà nguyện: “Ta cùng tạ ơn Chúa.” Thế giới vừa thoát khỏi một tình huống cực kỳ hiểm nghèo, mà trong sự thoát hiểm đó có một phần tác động của Ðức Giáo Hoàng.
Ðiều lạ lùng nơi Ðức Gioan XXIII là khi mạng sống ngài tính tháng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, thì cũng là lúc dung mạo ngài đạt đến mức sung mãn trước toàn thể thế giới. Không ai ngờ, và chính ngài cũng không ngờ rằng định mệnh ngài lại như thế. Khi đắc cử lên ngôi Thánh Phêrô, ngài từng nghĩ: “77 tuổi mới làm giáo hoàng, tương lai hẳn là không có bao nhiêu.” Tương lai dành cho ngài là bốn năm tám tháng. Ðúng là không có bao nhiêu. Nhưng trong thời gian hạn định ấy, đã xảy ra điều mà có người gọi là “mầu nhiệm Roncalli”.
Trong suốt nửa thế kỷ hoạt động tông đồ, con người này đã chỉ cúc cung phụng mệnh Tòa Thánh, bất kể những chỉ thị từ trên ban xuống có hợp ý mình hay không. Có điều trong khi thi hành các chỉ thị nhiều khi quá hành chánh, quá đơn phương, quá cứng rắn theo cung cách giáo hội thời đó, cụ Roncalli luôn hòa lẫn vào đấy cái phần thiên bẩm của mình là tinh thần bác ái, bình an, thanh thản và hòa giải. Nhưng chính vì thế mà cụ được tiếng, hay mang tiếng thì đúng hơn, là người xuề xòa ba phải. Nhất là thời kỳ làm Sứ Thần Tòa Thánh ở Pháp, là nơi rất trí thức, văn minh, giáo hội có nhiều con cái rất xuất sắc, mà chính vì trí thức với xuất sắc nên cũng lắm tranh cãi gay gắt đến mức bất bao dung nhau, rồi do đó mà sinh ra phe phái, đưa đến nhiều tố giác và ẩn ức. Có người đã thất vọng coi sứ thần Tòa Thánh như một ông già ù ù cạc cạc. Cái hình ảnh tiêu cực đó chính là bộ áo của con người hòa bình một đàng phải len lỏi giữa bao nhiêu nhu cầu và đòi hỏi tương phản của một môi trường phong phú, đa dạng, đàng khác phải len lỏi giữa trung ương Tòa Thánh đang trong giai đoạn co cụm và Giáo Hội Pháp ở điểm tiền tiêu của tư duy hiện đại, với bao tiềm năng và hệ lụy về thần học. mục vụ, linh đạo, xã hội ..v..v… Hội Thánh Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể là một cuộc hành trình dài tiến đi từng bước giữa thế gian bấp bênh, vấn đề và giải pháp không phải lúc nào cũng rõ ràng, chỉ chín tới chậm chậm theo thời gian.
Phải chăng chính sự len lỏi ấy, ít nhiều có tính cách ngoại giao, nhưng thực sự là cảm hứng từ nguồn nhân ái của Tin Mừng, là chìa khóa giải mã cho “mầu nhiệm Roncalli”?
Chỉ biết rằng đến năm 77 tuổi, con người có phần “ba phải” ấy không vận động cho mình chút nào mà được suy tôn lên Tòa Thánh Phêrô. Những ngày đầu ở Vatican, cái thái độ cúc cung đó vẫn chưa phai hẳn. Có đêm nằm mơ, Ðức Gioan XXIII thấy mình đang phải xử lý một chuyện gì khó khăn và đang nói: “ Việc này hệ trọng lắm, phải trình lên Ðức Giáo Hoàng mới được”. Nói mơ vậy rồi tỉnh giấc, lại nói “Ôi! Mà Giáo Hoàng là mình đây mà! Thôi thế thì phải trình lên Chúa.”
Tới đó thì con người tâm linh xưa nay vẫn nép mình trong khuôn khổ khiêm tốn vâng mệnh bắt đầu phát tiết tinh hoa. Mọi người cảm thấy một luồng gió mát Tin Mừng lan tỏa từ Vatican. Rồi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, không đầy ba tháng sau khi lên ngôi, Ðức Gioan bất ngờ công bố quyết định triệu tập Công Ðồng Chung thứ XXI trong lịch sử Hội Thánh, tức Công Ðồng Vatican II. Toàn thể Giáo Hội ngạc nhiên, không ai dự đoán được hết Công Ðồng sẽ đưa Giáo Hội tới đâu.
Nói là làm. Vị Giáo Hoàng già bất chấp những sự thiếu thông cảm, những hiểu lầm, những dè dặt, đặc biệt trong giáo triều, đã bình thản đi theo cảm hứng của mình, vẫn một tinh thần khoan hòa, nhân ái, vui tươi. Những người cộng sự ở chung quanh, đa số tuổi cao, không theo kịp nhu cầu và tâm lý thời đại, có những nét thủ cựu hẹp hòi. Không sao, cứ chuẩn bị đi; khi nào Hội Thánh toàn thế giới tụ họp về đây, gió Thánh Thần sẽ thổi. Có vẻ như Ðức Thánh Cha luôn nghĩ thời gian dành cho ngài không nhiều. Trước khi qua đời, ngài phải tạo một bước đột phá trong lộ trình của Hội Thánh. Ðó là sứ mạng đặc biệt của ngài. Ngài đã từng khấn nguyện dâng cả sự sống sự chết của mình cho Công Ðồng thành tựu.
Quả nhiên, Ơn Trên đã chan hòa. Tinh thần Gioan XXIII đã mau chóng chinh phục không những Giáo Hội Công Giáo, mà còn lan tỏa đến mọi cộng đồng anh chị em ly cách: Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo …. Những ngăn cách cứ rơi rụng dần, một bầu khí thiện cảm, thấm tình huynh đệ, từng bước thay thế cho sự nghi kỵ, hiềm khích trước kia. Tinh thần ấy lan cả ra ngoài lãnh vực tôn giáo, dư luận va xã hội nói chung cũng chia sẻ một cảm giác hy vọng đổi mới, hy vọng hòa bình phát xuất từ Vatican.
Bốn năm chuẩn bị là một thời gian mau chóng với một biến cố có tầm cỡ thế giới hiện đại như Công Ðồng Chung thứ XXI. Cuối cùng Ðức Gioan XXII đã thấy hoài bão của mình thành sự thực. Tháng 10.1962, toàn thể Hội Thánh hân hoan tề tựu về Rôma. Mọi người còn nhớ những lời ứng khẩu nổi tiếng của ngài về sau được gọi là “Diễn từ dưới ánh trăng” đêm dân Rôma tựu họp để chào mừng Công Ðồng, những lời kêu gọi yêu thương gửi đến mọi người, những tâm tình âu yếm gửi đến từng trẻ thơ … Cũng như mọi người vẫn nhớ bài diễn văn khai mạc Công Ðồng đầy tinh thần lạc quan, cởi mở, hy vọng … vẫn nhớ cuộc gặp gỡ với các quan sát viên các cộng đồng ly cách, khiến cho mọi người có cảm tưởng như hố sâu ngăn cách từ bốn thế kỷ, chín thế kỷ sắp được lấp đầy …
Vậy mà Công Ðồng mới khai mạc được vài ngày, thì nảy ra cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Nếu quả thật thế chiến bùng nổ thì còn gì là thế giới loài người, còn gì để lạc quan, hy vọng. Ơn Trên Quan Phòng lại mở đường cho Ðức Gioan nhận thiên mệnh Sứ Giả Hòa Bình. Chính Chủ Tịch Hội đồng bộ trưởng Liên Xô, ông Khrushchev, nhìn nhận: “Trong tuần lễ khủng hoảng vụ Cuba, lời kêu gọi của Ðức Giáo Hoàng quả thật là một luồng ánh sáng.” Con thuyền hòa bình thế giới sau mấy ngày tròng trành dữ dội đã thoát vòng nguy hiểm. Thế giới còn hòa bình thì sứ mệnh mở đường của Công Ðồng Vatican II vẫn hanh thông.
Ðức Thánh Cha cảm thấy ơn Chúa tác động trong mọi sự. Ngài nối kết cuộc khủng hoảng Cuba và hoạt động hòa bình của ngài với bốn năm đầy tràn hứa hẹn đưa đến Công Ðồng Vatican II. Ngài cảm thấy có một sự phát triển bất ngờ mà rất tự nhiên. Ðã đến lúc tiếng nói của ngài, cũng là tiếng nói của Hội Thánh, lan tỏa ra toàn thế giới. Ý tưởng về một bức thông điệp hòa bình đã nẩy mầm khi cuộc khủng hoảng Cuba kết thúc yên ổn.
Ngài lưu ý chọn người giúp ngài chấp bút bức thông điệp này. Người được chọn là đức ông Pietro Pavan, 58 tuổi, Giáo Sư trường Ðại Học Latêrano của Tòa Thánh. Ðức ông Pavan vừa trình diện, thì Ðức Giáo Hoàng nói: “Chúa đã giữ gìn chúng ta khỏi một thảm họa: chiến tranh. Chúng tôi đã đóng góp vào đấy theo khả năng khiêm tốn của mình. Có vẻ như lúc này khi Giáo Hoàng nói về hòa bình, thì mọi người đều lắng nghe. Liệu chúng ta có thể triển khai thêm chủ đề này chăng?” Rồi Ðức Giáo Hoàng giải thích cho đức ông Pavan rằng ngài muốn công bố một thông điệp về hòa bình khác với các thông điệp khác. Thông điệp này phải dùng lời lẽ đơn sơ và có những khuyến nghị cụ thể. Bản văn phải có tính cách mục vụ, để hướng dẫn người Công Giáo trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình, giữa một xã hội trần thế đa diện. Ngài kết luận: “Thôi xin mời đức ông về suy nghĩ, làm việc, và ngay khi có thể đem đến cho tôi một dự thảo.” Khi đức ông Pavan ra khỏi cửa phòng thì gặp thư ký riêng của Ðức Giáo Hoàng, đức ông Loris Capovilla. Vị giáo sư nổi tiếng không nhịn được phải kêu lên: “Sao cụ sáng suốt lạ lùng như vậy!”
Có một người Thiên Chúa sai đến tên là Gioan
VRNs (06.07.2013) – Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba có thể coi là đã được giải quyết ngày 28.10.1962. Từ đó Ðức Gioan XXIII đã có ý định viết bức Thông Ðiệp Hòa Bình gửi cho toàn thế giới. Ngài đã bắt đầu ghi lên giấy một số ý tưởng chính. Ngài trích dẫn Cựu Ước: Isaia, Jêrêmia, Giảng Viên, và Tân Ước: Thư Thánh Phaolô, rồi những tư tưởng của Thánh Augustinô trong cuốn Ðô Thành Thiên Chúa (De Civitate Dei). Vừa một tháng sau vụ Cuba, Ðức Thánh Cha biết rằng ngài đã bị ung thư, không thể cứu chữa.
Thật ra ngay cả trước khi biết căn bệnh của mình, hình như Ðức Thánh Cha đã linh cảm. Ngày 25.11.1962, mừng sinh nhật thứ 81, trong thánh lễ cử hành ở Trường Truyền Giáo (Propaganda Fide), ngài đã nói trong bài giảng: “Ngày nào cũng tốt để sinh ra, và ngày nào cũng tồt để chết. Bởi sự sống và lòng thương xót đều phát xuất từ cùng một nguồn mạch, vậy thì không có gì có thể làm ta lo lắng. Chúng tôi bước vào tuổi 82. Liệu có tròn được năm nay không?”
Sau khi biết mình mắc bệnh, ngài ghi trong Nhật Ký: “Tôi phải nghiêm chỉnh giáp mặt với điều đang xảy đến và hoàn toàn tuân hành ý Chúa. Có lẽ tôi đã đến thời điểm của những khó khăn nghiêm trọng nhất. Ðã đành là khi nghĩ đến chuyện đó tôi cũng bàng hoàng. Nhưng tôi muốn giữ được càng lâu càng tốt sự thanh thản trước sau vẫn là người bạn tốt nhất của tôi.” Với thư ký riêng của mình, Ðức Ông Capovilla, ngài nói: “Cha đừng lo gì hết, tôi đã sẳn sàng. Và trong thời gian còn lại của đời tôi, tôi sẽ làm tất cả những gì Chúa muốn. Biết đâu những ngày cuối đời này là những ngày quan trọng nhất.”
Và thế là Ðức Giáo Hoàng tiếp tục đưa ra những ý tưởng nòng cốt cho bức thông điệp đang chuẩn bị, và Ðức Ông Pavan thì bận rộn với công việc khởi thảo. Nhưng trong khi ở trung tâm Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng đang dồn hết tâm trí cho hòa bình, thì có lẽ ta cũng đừng nên quên hai người đầu tiên đã cựa quậy để mở đường cho Ðức Gioan XXIII trong vụ Cuba: cha Morlion và nhà báo Norman Cousins. Một ngày cuối tháng 11, Cousins nhận được điện thoại của Ðại Sứ Liên Xô ở Washington. Ông Ðại Sứ nói rằng dự tính do cha Morlion đề xuất ở Andover đã được Liên Xô chấp thuận. Vậy đó là dự tính gì?
Trong bối cảnh lời kêu gọi hòa bình của Ðức Gioan XXIII giữa cuộc khủng hoảng Cuba, cha Morlion vẫn thăm dò ý kiến của các đại biểu Liên Xô: Liệu có nên có thêm những liên lạc giữa Rôma và Matxcơva nhằm tìm kiếm một nền hòa bình thực tiễn. Cha Morlion cũng hiểu rằng chuyện đó nghe ra thật viển vông, xét vì những xung khắc trong tư tưởng giữa Giáo Hội Công Giáo và Chủ Nghĩa Cộng Sản; nhưng mặt khác, cha nhận định rằng nhân loại ngày nay đang đối diện với những nhu cầu cực kỳ to lớn. Cha nói với người Nga rằng Vatican có thể chấp nhận Cousins để thiết lập những mối giao tiếp ban đầu giữa Rôma và Matxcơva. Liệu Liên Xô có chấp nhận Cousins trong cùng một vai trò không? Cousins là một người không có chức năng gì chính thức, cũng không bị ràng buộc với ai. Chính những người như thế phải đảm đương trách nhiệm đưa ra những sáng kiến mà những viên chức chính thức không thể đề xuất được. Nếu những sáng kiến đó đạt kết quả thuận lợi, thì các giới chính thức có thể đi vào con đường đã mở. Còn những sáng kiến không có kết quả gì thực tiễn, thì các vị lãnh đạo cũng không bị liên hệ. Bản thân cha Morlion cũng đưa ra đề xuất này với tính cách sáng kiến tư nhân.
Ðiện thoại của Ðại Sứ Dobrynine chính là câu trả lời của Mátxcơva cho sáng kiến của cha Morlion. Thủ Tướng Khrushchev đề nghị Cousins thăm Mátxcơva ngày 24.12 để dò đường cho Vatican.
Theo luật của Mỹ thì các công dân Mỹ không được phép hội đàm với các người lãnh đạo chính phủ nước ngoài về những vấn đề có liên quan tới chính sách của các nước ấy với Mỹ. Trong trường hợp này, Cousins không làm việc cho Mỹ, mà cho Vatican. Tuy vậy, ông vẫn cẩn thận thông qua Phủ Tổng Thống Mỹ trước. Tổng Thống Mỹ đã mời ông về Washington nói chuyện.
Tổng Thống Kennedy nói rằng trong vụ Cuba, người Nga đã tính toán sai. Họ cho rằng Mỹ có ý xâm lăng Cuba: “Chúng ta không bao giờ có ý nghĩ xâm lăng Cuba. Chắc chắn có những người chủ trương xâm lăng, nhưng tôi đã quyết định ngược lại vì một lý do đơn giản: xâm lăng thì người Cuba sẽ chết nhiều quá. Ðó là lý do vì sao chúng ta không gửi lực lượng tham gia vu Vịnh Con Heo. Dù sao thì người Nga đã sai lầm nghiêm trọng khi họ dự đoán về ý định của chúng ta.” Tổng Thống nói tiếp điều quan trọng bây giờ là tiến hành công cuộc giảm thiểu sự căng thẳng. Một biện pháp tích cực có thể làm ngay là một thỏa thuận để loại trừ những vụ thử hạt nhân. Ông nói thêm: Nhưng các nhà lãnh đạo Nga có vẻ đa nghi quá đáng cho nên họ không chấp nhận cả một mức độ thanh sát tối thiểu về sự cấm thử hạt nhân đó. Nhưng mặt khác Kennedy cũng nhìn nhận: “Chắc anh sẽ nói chuyện với ông Khrushchev về việc cải thiện tình hình tôn giáo bên trong Liên Bang Xô Viết, nên không biết vấn đề quan hệ Xô-Mỹ có được nhắc đến không. Nhưng nếu có, chắc ông ấy sẽ nói kiểu như ông ấy ước muốn giảm thiểu căng thẳng, nhưng ông ấy sẽ làm như phía Mỹ không quan tâm đáp ứng. Cần phải sửa sai ông ấy về điểm này.” Kennedy phân bua: “Tôi không chắc Khrushchev có biết không, nhưng tôi nghĩ ở chính trường Mỹ không ai tha thiết bằng tôi để bỏ lại sau lưng những hiềm khích của Chiến Tranh Lạnh và bắt tay vào công việc khó khăn là xây dựng những tương quan thân hữu.”
Trước khi Cousins ra về, Tổng Thống gửi thiệp mừng Lễ Giáng Sinh và chúc sức khỏe đến Ðức Giáo Hoàng Gioan. Lúc ấy dư luận chưa biết cơn bệnh thực của Ðức Gioan là thế nào, mặc dù trông ngài đã có vẻ mệt mỏi, sút đi thấy rõ. Người ta cho rằng ngài bị cúm, bị cảm lạnh.
Ngày 1.12.1962, Cousins đi Rôma để tiếp xúc trước là với các giới chức Vatican rồi sẽ được gặp Ðức Gioan XXIII …
Norman Cousins đi Vatican
Sau ngày khai mạc Công Ðồng, Ðức Gioan XXIII đã viết những lời tâm sự sau đây: “Tôi cám ơn Chúa, Người đã không xét tôi bất xứng, mà ban cho tôi vinh dự được nhân danh Người khai mở một buổi bình minh những ân sủng lớn lao cho Hội Thánh Người. Người đã muốn tia lửa đầu tiên để chuẩn bị trong ba năm cho biến cố này lại phát xuất từ miệng tôi và lòng tôi. Tôi cũng sẵn lòng hy sinh niềm vui của buổi bình minh này. Vẫn một niềm bình an như vậy tôi xin lặp lại lời fiat voluntas tua (xin ý Chúa thành sự) dù tôi được giữ lại ở vị trí phục vụ đệ nhất này suốt thời gian và suốt mọi hoàn cảnh trong cuộc đời nhỏ hèn của tôi, hoặc tôi phải dừng lại ở một lúc nào đó để công cuộc phát động, theo đuổi và hoàn tất chuyển sang cho người kế vị tôi, fiat voluntas tua, sicut in celo et in terra (xin cho ý Cha thành dưới đất cũng như trên trời)”.
Bây giờ thì đã rõ. Ý Cha trên trời là công trình sẽ phải trao lại cho người kế vị. Ðức Gioan XXIII giống như ông Môsê trong Cựu Ước, chỉ đứng ở xa xa nhìn Miền Ðất Hứa mà không được vào. Ðã có lúc ngài tưởng có thể bế mạc Công Ðồng vào Lễ Giáng Sinh 1962. Nhưng diễn tiến của Công Ðồng cho thấy không thể ngắn gọn như vậy được. Các nghị phụ mới chỉ bàn lược đồ đầu tiên về Phụng Vụ, mà đã lắm ý kiến tranh đua đối lập nhau. Thế thì biết đến bao giờ mới đi hết chương trình nghị sự. Sinh mạng của Ðức Thánh Cha thì chỉ còn tính từng tháng nữa thôi.
Tuy vậy, Ðức Gioan XXIII vẫn giữ kín căn bệnh của mình, chỉ một vài người thân tín được biết; toàn thể Hội Thánh đang vui mừng hy vọng, xã hội bên ngoài cũng đang theo dõi Công Ðồng với nhiều cảm tình. Mà Công Ðồng thì còn đang đi những bước đầu chập chững, và có thể dự đoán tương lai sẽ có nhiều khó khăn phải khắc phục. Ðức Thánh Cha không muốn cơn bệnh của ngài trở nên một tin buồn phá vỡ bầu khí vui vẻ phấn khởi chung. Lại nữa, nếu Ðức Giáo Hoàng qua đời, thì đương nhiên Công Ðồng phải dừng lại, và sau đó có tái tục hay không là hoàn toàn do ý muốn của Ðức Giáo Hoàng kế vị. Dường như Ðức Gioan XXIII muốn có thì giờ cho Công Ðồng tìm ra những định hướng vững chắc, để từ đó Giáo Hội không lùi bước nữa. Ngày 2.12 ngài xuất hiện ở cửa sổ Ðiện Vatican. Dưới Quảng Trường, đám đông tụ họp tung hô ngài. Ngài nói: “Các con à, hôm trước tưởng cha đã mất sức khỏe, hôm nay khỏe lại rồi.”
“Khỏe lại rồi” là so với đêm 26 rạng ngày 27.11 khi ngài bị thổ huyết phải cấp cứu, chứ còn từ nay thì cái sức khỏe tạm thời đó sẽ suy kiệt dần mà thôi. Nhưng, như ngài nói: “có lẽ những ngày cuối cùng của đời tôi sẽ là những ngày quan trọng nhất.” Quan trọng vì phải đảm bảo cho Công Ðồng tiến bước vững chắc. Quan trọng vì sau cuộc khủng hoảng Cuba, Ðức Thanh Cha thấy mở ra trước mắt môi trường hoạt động mới, không chỉ giới hạn trong Giáo Hội Công Giáo, không chỉ giới hạn trong đạo Kitô, mà mở ra với toàn thế giới đang cần và đang khao khát hòa bình. Cuộc đời ngài càng gần ngày kết thúc càng mở ra rộng rãi bao la, như dòng sông càng chảy càng rộng trước khi đổ vào biển cả.
Ðang khi đó thì con người đã có nhân duyên mở đường cho Ðức Gioan XXIII đóng góp xây dựng hòa bình là Norman Cousins sắp bay tới Rôma vào lúc xế chiều. Ðến tối, Cousins gặp Ðức Ông Igino Cardinale, để chuyển thiệp chúc mừng Giáng Sinh của Tổng Thống Kennedy đến Ðức Giáo Hoàng, rồi liền sau đó hai người bàn về sứ mạng của Cousins ở Mátxcơva. Ðức Ông Cardinale nói rằng thời điểm này rất thuận tiện, nên nổ lực bằng mọi cách để triển khai bất cứ nhân tố tích cực nào mới có thể xảy đến ở Liên Xô. Những thay đổi ở Liên Xô trong mấy năm gần đây so với nền chuyên chính cũ đáng được khích lệ bằng mọi cách. Cho nên đức ông nghĩ rằng nên có một mức đại diện nào đó của Giáo Hội Công Giáo ở bên trong Liên Bang Xô Viết, dĩ nhiên với giã định rằng sẽ thật sự có một sự cải thiện tình hình tôn giáo ở Liên Xô. Ðức ông cũng nhấn mạnh phải tuyệt đối giữ bí mật, vì trong hiện trạng thì không bên nào có thể thừa nhận cuộc vận động này là chính thức.
Với Cousins thì Ðức Ông Cardinale không giấu: Ðức Thánh Cha không phải cảm cúm thường như báo chí nói, cơn bệnh của ngài đau đớn và hiểm nghèo. Sự đau yếu đã lộ rõ nhưng ngài vẫn quyết tâm đảm đương sứ mệnh, khiến mọi người chung quanh đều ngạc nhiên về sức ngài chịu đựng dẻo dai.
Sáng hôm sau, Cousins được tham dự một Lễ Phong Thánh do Ðức Giáo Hoàng chủ sự. Ðức Thánh Cha đi qua gần chỗ Cousins đứng. Cousins thấy ngài tươi cười ban phúc lành cho tín hữu hai bên. Sau đó, ông gặp Ðức Tổng Giám Mục Dell’ Acqua, thuộc Phủ Quốc Vụ Khanh. Ðức Cha Dell’Acqua nói rằng: vì tình trạng sức khỏe của Ðức Giáo Hoàng, cho nên lần này Cousins không thể gặp ngài được, nhưng khi ông ở Matxcơva về, chắc sẽ thu xếp để ông được diện kiến Ðức Giáo Hoàng. Ðức cha nói rằng Giáo Hội cảm thấy rất cần phải tính đến những thay đổi mới đây ở Liên Xô dưới thời ông Khrushchev. Nếu những thay đổi đó cho phép cải thiện khả năng tránh được chiến tranh hạt nhân, thì dĩ nhiên những thay đổi đó phải được nhìn nhận và ủng hộ. Và nếu, hơn nữa, những thay đổi đó mở ra hy vọng cải thiện tình hình tôn giáo ở Liên Xô, thì đó là một cơ may không thể bỏ qua. Ðức Cha Dell’Acqua muốn chuyển lời đến Thủ Tướng Khrushchev rằng Ðức Giáo Hoàng đánh giá việc ông rút tên lửa khỏi Cuba vừa qua là một hành động xứng bậc lãnh đạo quốc gia. Ðức cha cũng bàn về ý nghĩa của những bất đồng về ý thức hệ bên trong thế giới cộng sản. Nếu phe chủ trương chiến tranh là tất yếu nắm phần ưu thắng, thì hậu quả rất dễ sợ. Vatican chăm chú theo dõi những diễn biến của tình hình này.
Hôm sau nữa, Cousins đến thăm văn phòng của Ðức Hồng Y Bea. Ông viết: “Tôi thấy ngay đức hồng y nổi tiếng là một người rất dễ mến quả là danh bất hư truyền. Ngài đã hơi gù lưng, nhưng trí tuệ sắc bén không ai ngờ nơi một người 81 tuổi.” Cũng như Ðức Cha Dell’Acqua, Ðức Hồng Y Bea tin rằng miễn là có một chút khả năng để cải thiện đời sống của nhân dân Liên Xô, thì ta đều nên thăm dò. Và nếu ban lãnh đạo Liên Xô thật sự muốn cải thiện quan hệ với phương Tây, thì sẽ có nhiều lợi ích cả cho hòa bình lẫn cho tình hình nội bộ của Liên Xô. Ðàng nào thì cũng là một vấn đề đáng tìm hiểu.
Ðã đành sự quan yếu là phía Liên Xô có tích cực tiếp nhận sự tìm hiểu đó không. Cousins hỏi có vấn đề gì cụ thể mà ông có thể thăm dò thái độ của Liên Xô không? Ðức hồng y nói đã nhiều năm nay, thành viên của các cộng đồng tôn giáo đã bị cầm tù ở Liên Xô. Nếu ít ra một người nào trong số đó được phóng thích thì sẽ là một dấu hiệu tốt.
Cousins hỏi: ngài có nghĩ đến một người nào cụ thể không? Ðức hồng y nói: “Có. Ðức Tổng Giám Mục Josyf Slipyi của Ukraina, ngài đã bị giam cầm 18 năm rồi. Ngài là một người rất tốt lành. Ðức Thánh Cha rất quan tâm đến ngài. Năm nay đức tổng giám mục đã 70 tuổi. Chắc ngài cũng chỉ sống được vài năm nữa thôi. Ðức Thánh Cha mong muốn đức tổng giám mục được sống mấy năm cuối đời bình an trong một viện tu nào đó, giữa những người đồng đạo. Ngài không có ý khai thác việc trả tự do cho đức tổng giám mục vào mục đích tuyên truyền.” Cousins lại hỏi: “Có gì khác tôi có thể hỏi không?” Ðức hồng y đồng ý với Ðức Cha Dell’Acqua và Ðức Ông Cardinale rằng lúc này là lúc thuận tiện để thúc đẩy việc cải thiện tình hình tôn giáo ở Liên Xô. Hiện nay rất khó tìm được Thánh Kinh; việc giáo dục tôn giáo thì bị cấm; các chủng viện bị đóng cửa. Có lẽ những vấn đề đó đáng thăm dò.
Ðức hồng y còn nói: “Chắc Thủ Tướng Khrushchev nghĩ rằng chúng tôi muốn tái lập Giáo Hội như những ngày tiền cách mạng ở bên Nga. Không đúng. Ngày đó có nhiều sự lạm dụng trong giáo hội. Về nhiều mặt, đó là một tình hình kinh khủng. Ý chúng tôi về chức năng của Giáo Hội không phải là như vậy.”
Ðến lượt Cousins bày tỏ một thắc mắc. Ông muốn biết những ý kiến đề ra đó là nhắm đến người Công Giáo thôi hay là hướng đến tín đồ của mọi tôn giáo. Ðức Hống Y Bea nhấn mạnh ngài muốn Cousins bày tỏ sự quan tâm sâu sắc của Ðức Giáo Hoàng Gioan đối với tín đồ mọi tôn giáo ở Liên Xô, bao gồm cả tình cảnh của người Do Thái nữa. Giáo Hội Công Giáo mong muốn xuất bản không chỉ sách Tân Ước, mà cả Cựu Ước, cả kinh Coran và kinh sách của các tôn giáo khác. Ðức Hồng Y Bea bảo: “Ðương nhiên là thế.”
Sáng hôm sau, Cousins lên đường đi Mátxcơva.