
Thái Hà (13.04.2017) – Đặc sứ của Đức Giáo hoàng Phanxicô tại Mễ Du nói hôm 5/4, địa điểm này có nhiều thực hành đức tin và số ơn gọi đáng ca ngợi. Tuy nhiên, ngài nói thêm, quyết định cuối cùng về tính xác thực của việc Đức Mẹ có hiện ra ở đây hay không vẫn còn được xem xét.
Đức Tổng Giám Mục Henryk Hoser đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử đến đây, để đánh giá tình hình mục vụ cho cư dân và khách hành hương ở Mễ Du (Medjugorje) thuộc nước Bosna và Hercegovina (trước đây là Nam Tư). Ngài nói rõ rằng, ngài không được giao nhiệm vụ khác gì ngoài phạm vi này.
Tổng Giám Mục Henryk Hoser nói tại cuộc họp báo ngày 5/4 tại Mễ Du: “Cũng giống như các bạn, tôi mong chờ quyết định cuối cùng từ ủy ban điều tra, và dĩ nhiên là của Đức Giáo hoàng Phanxicô. Tôi không biết Đức Giáo hoàng nghĩ gì, ngài chưa bao giờ nói với tôi. Đức Giáo hoàng cũng cần xem các kết luận của ủy ban là gì.”
Cuộc hiện ra đang được điều tra bởi Bộ Giáo Lý Đức Tin, nơi sẽ gửi đi tài liệu sau chót để Đức Giáo hoàng đưa ra quyết định cuối cùng.
Sự việc được cho là các cuộc hiện ra bắt đầu từ ngày 24/6/1981, khi 6 trẻ ở Mễ Du, một thị trấn ở Bosnia và Herzegovina, nói rằng họ thấy Đức Mẹ hiện ra.
Theo những người được cho là thị nhân, những cuộc hiện ra đã truyền đạt sứ điệp hòa bình cho thế giới, kêu gọi hoán cải, cầu nguyện và ăn chay, cũng như một số bí mật sẽ xảy ra trong tương lai.
Những cuộc hiện ra này diễn ra hằng ngày, kể từ lần xuất hiện đầu tiên, với ba trong số sáu thị nhân nói họ thấy Đức Mẹ hiện ra vào mỗi buổi chiều, vì các “bí mật” chưa được tiết lộ hoàn toàn cho họ.
Từ khi bắt đầu, những cuộc hiện ra vừa là nguồn gây tranh cãi, vừa là nguồn của ơn hoán cải. Hơn 2.5 triệu người hành hương đến Mễ Du mỗi năm. Một số cho rằng họ nhận được phép lạ nơi đây, trong khi nhiều người khác cho rằng sự kiện là không đáng tin cậy.
Những người hoài nghi có cả Đức Giám Mục Ratko Peric của Giáo phận Mostar-Duvno, khu vực bao gồm Mễ Du. Ngài nói hôm 26/2 rằng “đây không phải là cuộc hiện ra của Đức Trinh Nữ Maria.”
“Người nữ được cho là hiện ra ở Mễ Du cư xử hoàn toàn khác với Mẹ Đồng trinh đích thực của Thiên Chúa, trong những lần hiện ra khác mà Giáo hội công nhận là xác thực. Người nữ ở Mễ Du thường không nói trước, bà cười một cách kỳ lạ, và trước những câu hỏi thì bà biến mất và lại hiện ra một lần nữa. Bà còn tuân lời các ‘thị nhân’ và linh mục, khi họ muốn bà chuyển từ đồi xuống nhà thờ, dù điều đó chống lại ý muốn của bà. Bà không biết chắc chắn sẽ hiện ra bao nhiêu lần nữa, và cho phép những ai hiện diện dẫm lên vạt áo của bà trên mặt đất, chạm vào áo và người bà.”
Đức Tổng giám mục Hoser cho biết ngài cũng đã liên lạc với các thị nhân có uy tín của Mễ Du, nhưng không đi vào chi tiết vấn đề.
Ngài lưu ý một số khác biệt giữa các cuộc hiện ra ở Mễ Du, và các cuộc hiện ra khác của Đức Mẹ. Đó là có người đã đếm được có 47.000 lần hiện ra liên quan tới Mễ Du, trong khi các cuộc hiện ra khác của Đức Mẹ thì số lượng ít hơn.
Trong các cuộc hiện ra khác, Đức Mẹ chỉ xuất hiện ở một địa điểm. Tại Lourdes, Mẹ luôn xuất hiện trong hang động. Ở Fatima, Mẹ luôn xuất hiện trên cây sồi.
Đức Tổng Giám Mục Hoser nói: “Ở đây, theo các thị nhân, thì các cuộc hiện ra đi theo họ, diễn ra tại nơi họ ở. Đó có thể là ở nhà, khi họ đi du lịch, trong nhà thờ.”
Ngài giải thích: “Đây là những chi tiết cụ thể khiến công việc quyết định cuối cùng trở nên khó khăn hơn.”
Tuy nhiên, Đức Tổng Giám mục Hoser đã ca ngợi nhiều thực hành đức tin mà ngài thấy ở Mễ Du: việc xem trọng tính trung tâm của Thánh lễ, sự tôn sùng Lời Chúa, tôn thờ Bí tích Thánh thể, lòng sùng mộ việc lần chuỗi Mân Côi, suy gẫm các mầu nhiệm đức tin và Chặng đàng Thánh giá.
Ngài cũng ca ngợi việc người dân thường xuyên lãnh nhận Bí tích Hòa giải.
Ngài nói: “Nhìn từ khía cạnh tôn giáo, Mễ Du là mảnh đất màu mỡ cho ơn gọi tu sĩ linh mục”. Khoảng 610 linh mục nói Mễ Du là động cơ thúc đẩy họ tiến tới ơn gọi, và số lượng ơn gọi nhiều nhất là từ Ý, Hoa Kỳ và Đức.
Đối với Tổng giám mục Hoser, đây là đóng góp đáng kể cho cuộc khủng hoảng ơn gọi ở một số nước.
Tuy Mễ Du chỉ mới 36 tuổi, ngài quan sát, nhưng nơi này thu hút khoảng 2,5 triệu người hành hương mỗi năm. Để so sánh, Lộ Đức ở Pháp thu hút 6 triệu người viếng thăm mỗi năm, 150 năm sau khi Đức Mẹ hiện ra.
Đức Tổng Giám mục Hoser ghi nhận, số lượng khách hành hương đặt ra “một thách thức lớn” cho các linh mục phục vụ ở Mễ Du, với việc mở rộng cơ sở hạ tầng của giáo hội để đáp ứng được nhu cầu.
Số khách hành hương cũng làm tăng số lượng khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ, tiện nghi khác ở nơi đây.
Tổng Giám mục Hoser nói thêm về Mễ Du: “Người ta nhận thấy ở đây có nhiều thứ mà họ không có ở nhà. Ở nhiều quốc gia Kitô giáo lâu đời, việc xưng tội cá nhân không còn tồn tại nữa. Ở nhiều quốc gia, không còn việc tôn thờ Bí Tích Thánh Thể, không còn đi Đàng thánh giá hay lần chuỗi Mân Côi. Ở Anh và Pháp, họ nói với tôi lần cuối họ đi Đàng Thánh giá là cách đây 30 năm về trước. Sự khô khan về không gian thiêng liêng, rõ ràng dẫn tới cuộc khủng hoảng đức tin.”
Ngài còn ca ngợi việc nhấn mạnh tước hiệu “Nữ Vương Hòa Bình” ở Mễ Du, đặc biệt trong thời đại mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô gọi là “từng phần của cuộc Chiến tranh thế giới lần ba”.
Đức Thiện dịch từ CNA