
Thái Hà (01.12.2015) – Asianews – Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi đến Thượng Phụ Đại kết Bartholomew I của Giáo hội Chính thống, một thông điệp kèm theo cuộc gặp truyền thống giữa hai đoàn đại biểu trong ngày lễ kính thánh bảo trợ của mỗi bên, lễ thánh Phêrô và Phaolô ngày 29/6 tại Rôma và lễ thánh Anrê vào ngày 30/11 tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ).
Đối với Đức Thánh Cha, “hiện không còn bất kỳ trở ngại nào cho sự hiệp thông Thánh Thể (Eucharistic communion),” và những tiến triển trong việc “hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn” cần liên tục “được lấy cảm hứng từ cử chỉ hòa giải và hòa bình của hai vị tiền nhiệm đáng kính của chúng ta là Đức Phaolô VI và Đức Athenagoras I.”
Năm 1054, hai Giáo hội đã ra vạ tuyệt thông lẫn nhau vì một số xung đột. Đức Thánh Cha Phaolô VI và Đức Athenagoras I đã bỏ án vạ tuyệt thông ấy trong lần gặp tại Giêrusalem năm 1964.
Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Hiệp Nhất Kitô hữu, đã chuyển đi thông điệp của Đức Thánh Cha trong vai trò người dẫn đầu phái đoàn Tòa Thánh. Đức Thánh Cha cũng gửi lời chúc mừng Đức Thượng Phụ từ Bangui, Cộng hòa Trung Phi, nơi ngài vừa có chuyến thăm mục vụ.
Trong thông điệp, Đức Thánh Cha nói: “Tuy không phải mọi điểm khác biệt giữa Giáo Hội Công Giáo và Chính Thống đã kết thúc, nhưng đã có những điều kiện cần thiết để tiến tới việc thiết lập ‘sự hiệp thông trọn vẹn trong đức tin, một hiệp ước huynh đệ và đời sống bí tích đã tồn tại giữa [hai giáo hội] trong suốt một ngàn năm đầu tiên của Giáo Hội.” (Tuyên bố chung giữa Công giáo và Chính thống, ngày 7/12/1965).
“Sau khi khôi phục lại mối quan hệ trong yêu thương và tình huynh đệ, với tinh thần tin cậy lẫn nhau, tôn trọng và bác ái, [tôi thấy] không còn bất kỳ trở ngại nào cho sự hiệp thông Thánh Thể, mà không thể khắc phục được nhờ lời cầu nguyện, sự thanh tẩy tâm hồn, đối thoại và khẳng định chân lý. Thật vậy, nơi đâu có tình yêu trong đời sống Giáo Hội, nơi đó luôn bắt nguồn từ tình yêu Thánh Thể. Vì thế, ngay cả biểu tượng của cái ôm huynh đệ cũng tìm thấy chân lý sâu xa nhất của mình trong cái ôm hòa bình, được trao đổi qua việc cử hành Thánh Thể.
“Để có những tiến triển trên hành trình hướng tới sự hiệp thông trọn vẹn, chúng ta cần liên tục lấy cảm hứng từ những cử chỉ hòa giải và hòa bình của hai vị tiền nhiệm đáng kính là Đức Phaolô VI và Đức Athenagoras I. Ở mọi cấp độ và trong mọi hoàn cảnh của đời sống Giáo Hội, quan hệ giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo phải ngày càng thể hiện được logic của tình yêu, và không có chỗ cho sự đối đầu. Việc đối thoại thần học, thứ được duy trì bởi tình bác ái, phải tiếp tục xem xét cẩn thận các vấn đề gây chia rẽ, với mục đích luôn đào sâu sự hiểu biết giữa chúng ta về chân lý được mạc khải. Được thúc đẩy bởi tình yêu Thiên Chúa, chúng ta phải cùng nhau cho thế giới thấy được những chứng tá đáng tin cậy về sự hòa giải và cứu rỗi mà Chúa Kitô đã rao giảng.”
“Thế giới ngày nay khao khát sự hòa giải, đặc biệt trong bối cảnh đã có quá nhiều máu đổ trong các cuộc khủng bố gần đây. Chúng ta có thể đồng hành cùng các nạn nhân bằng lời cầu nguyện, và làm mới lại lời cam kết duy trì hòa bình lâu dài bằng việc thúc đẩy đối thoại giữa các truyền thống tôn giáo, vì ‘sự thờ ơ và thiếu hiểu biết lẫn nhau chỉ có thể dẫn đến sự mất lòng tin và thậm chí là xung đột.”(Tuyên bố chung tại Giêrusalem năm 2014).”
Đức Thiện