Đức cha Justin Saw Min Thide, người dân tộc Karen, dành thời gian trợ giúp người tị nạn và viết sách về các chủ đề như hòa bình, hòa giải

Đức cha Justin Saw Min Thide, 67 tuổi, khiêm tốn và nói năng dịu dàng nhưng giỏi viết lách, ngài đã viết nhiều quyển sách nói về hòa bình, hòa giải và các chủ đề khác thuyết phục độc giả Công giáo.
Vị giám chức người Karen phục vụ trong bang miền núi Kayin nhưng được sinh ra gần thủ phủ thương mại Yangon.
Ngài bắt đầu viết báo khi còn là chủng sinh và từ đó đã xuất bản nhiều sách có nội dung về hòa bình, luân lý, đời sống gia đình và tu trì, được phân phối trên khắp 16 giáo phận trong nước.
Trong cuộc nói chuyện với ucanews.com tại tòa giám mục ở Hpa-an, thủ phủ bang, ngài nói về cuốn ‘Hòa bình’, quyển sách mới nhất của ngài, đề cập các tông thư, đặc biệt là của Đức Thánh cha Piô XII và Đức Thánh cha Gioan Phaolô II, và các văn kiện quan trọng do Giáo hội phát hành.
“Hòa bình rất quan trọng trong đất nước chúng ta, vì thế tôi viết về hòa bình bằng cách kết hợp quan điểm của mình với quan điểm của Giáo hội”, ngài chia sẻ.
“Tôi nghĩ quyển sách này rất phù hợp dựa trên tình hình hiện nay của chúng ta và tôi nghĩ nó phát đi thông điệp quan trọng gần gũi với mọi người”.
Bang Kayin, nơi giáo phận Hpa-an tọa lạc, trải qua 6 thập niên nội chiến giữa quân đội và Liên minh Dân tộc Karen (KNU).
Khoảng 100.000 người tị nạn và người tản cư lưu trú trong 9 trại tị nạn dọc biên giới Myanmar-Thái Lan.
Trong đó gần 80% là người dân tộc Karen đến từ miền đông Myanmar, chạy trốn cuộc xung đột và sự ngược đãi bởi quân đội dưới chế độ quân sự.
“Mọi người ở đây rất mong muốn chiến tranh chấm dứt và mong mỏi hòa bình được khôi phục. Sẽ không thể phát triển kinh tế nếu không có hòa bình”, vị giám chức có bằng cử nhân ở Miến Điện nói.
“Chúng ta cần quên đi quá khứ và tham gia đối thoại hướng đến hòa giải để có thể đạt được mục tiêu hòa bình”.
“Chiến tranh sẽ không giải quyết được vấn đề chính trị của chúng ta vì thế chúng ta cần phải tìm kiếm hòa bình thông qua đàm phán. Chiến tranh chỉ mang lại đau khổ”, ngài nói thêm.
“Các bên liên quan chính như chính phủ, quân đội và các nhóm vũ trang sắc tộc cần phải tăng cường đối thoại dựa trên sự bình đẳng và tin tưởng”.
Đến Rôma và trở về
Đức cha Justin Saw Min Thide chịu chức linh mục ngày 19-3-1984. Ngài phục vụ trong nhiều giáo xứ và làm nhân viên văn phòng đại kết giáo phận từ năm 1984-1989.
Ngài tiếp tục đi học tại Đại học Pontifical Urban ở Rôma từ năm 1990-1992 và làm giáo sư tại Đại Chủng viện Công giáo Thánh Giuse ở Pyin Oo Lwin, một thị xã miền núi có phong cảnh đẹp nằm ngay phía đông Mandalay, từ năm 1992-2003.
Ngài được bổ nhiệm làm giám mục phụ tá của tổng giáo phận Yangon vào tháng 7-2007 và trở thành giám mục của giáo phận Hpa-an ngày 14-1-2009, khi giáo phận được thành lập.
Giáo phận hiện có 24 linh mục, 37 nam nữ tu sĩ và 73 giáo lý viên phục vụ khoảng 20.000 người Công giáo trong bang có 1,5 triệu dân, theo niên giám Giáo hội Myanmar.
Thách thức vẫn dai dẳng ở miền quê
Mặc dù bận rộn với công việc quản lý và mục vụ, ngài cho biết ngài vẫn luôn cố gắng tìm thời gian để viết lách.
“Tôi cố gắng viết mỗi năm một quyển sách”.
Khi miêu tả những thách thức trong việc thực hiện các bổn phận của mình trong vùng đồi núi xa xôi này, ngài cho biết ngài dành nhiều thời gian để chăm lo đời sống tinh thần cho người tị nạn Karen và người lao động di cư trẻ.
“Chúng tôi đang thấy ngày càng ít người đáp lại ơn gọi làm linh mục. Chúng tôi chỉ có 2 chủng sinh trong giáo phận cho đến nay”.
Giáo lý viên đóng vai trò quan trọng ở những nơi linh mục không thể đến được do công việc bận rộn, đặc biệt là vào các ngày Chúa nhật.
“Ngày nay người trẻ thật sự không thích vào chủng viện đi tu làm linh mục, họ mạo hiểm ra nước ngoài để tìm việc làm”, ngài nói.
Hơn 50% người trẻ trong hai bang Karen và Mon ở tuổi lao động làm việc tại Thái Lan và Malaysia, theo khảo sát của Tổ chức Di trú Quốc tế.
“Di cư là một thách thức lớn đối với giáo phận và đất nước”, Đức cha Justin Saw Min Thide phát biểu.
Ngài còn phái linh mục trong giáo phận đến chăm sóc tinh thần cho người tị nạn Karen cộng tác với các giám mục Karen khác đến từ các giáo phận Mawlamyine và Pathein.
“Người tị nạn bị kẹt trong các trại đó nhiều thập niên nay”, ngài nói.
“Họ muốn về nhà nhưng việc họ hồi hương cần phải được an toàn và mang tính tự nguyện”.
Nguồn: vietnam.ucanews