
Thái Hà (10.05.2016) – AFP/CNS – Đức Giáo Hoàng Phanxicô hôm thứ Bảy 7/5, đã có buổi nói chuyện với các thành viên của một tổ chức từ thiện y tế của Ý làm việc ở châu Phi, và ngài cũng bày tỏ ước muốn thể hiện sự hợp nhất với những người nghèo.
“Tôi xin các bạn hãy cầu nguyện cho tôi nữa, để Chúa giúp tôi mỗi ngày càng trở nên nghèo hơn.” Đức Giáo Hoàng nói như trên với các thành viên tổ chức “Các bác sĩ với châu Phi”, khi ngài ca ngợi công việc của họ ở 7 quốc gia châu Phi có hệ thống y tế nghèo nàn nhất.
Trước đó, ngài đã vinh danh cha Luigi Mazzucato – giám đốc tổ chức Bác sĩ với châu Phi từ năm 1955 đến năm 2008 – người đã qua đời năm 88 tuổi.
Đức Giáo Hoàng cho biết, cha Mazzucato đã viết: “Sinh ra trong nghèo khó, tôi luôn tìm cách sống với mức tối thiểu cần thiết. Tôi không giữ gì cho riêng tôi và không có gì để lại. Một ít quần áo tôi có, tôi muốn trao chúng cho người nghèo”.
Cũng trong buổi nói chuyện, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh: “Sức khỏe không phải là một mặt hàng mà đó là một quyền phổ quát [cho mọi người], vì thế việc tiếp cận các dịch vụ y tế không thể là một đặc ân.”
Ở nhiều nơi trên thế giới – đặc biệt là ở châu Phi – “rất nhiều người bị từ chối” dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản. “Khiến đó không phải là một quyền cho mọi người, mà là vẫn còn là một đặc ân cho số ít,” cho người giàu.
“Tiếp cận dịch vụ y tế, điều trị và dược phẩm vẫn còn là một ảo tưởng. Ở châu Phi, có quá nhiều bà mẹ chết trong khi sinh con, và cũng có quá nhiều trẻ không thể sống hơn một tháng sau khi sinh do suy dinh dưỡng và bệnh tật.” Đức Giáo Hoàng nói tiếp với 9.000 bác sĩ và tình nguyện viên đang làm việc ở Uganda, Tanzania, Mozambique, Ethiopia, Angola, Nam Sudan và Sierra Leone.
Ngài cũng nhận định, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế ở châu Phi và đào tạo người ở đây để quản lý các trạm y tế khi họ có thể là một cách thức biểu lộ quan trọng của “giáo hội không phải là một siêu phòng khám cho khách VIP, nhưng là một bệnh viện dã chiến. Một giáo hội với trái tim vĩ đại, gần gũi những người bị thương và bị mất phẩm giá của lịch sử, trong sứ mạng phục vụ những người nghèo nhất.”
Tổ chức Các bác sĩ với châu Phi, hay còn được gọi tắt là CUAMM, được thành lập ở Ý cách đây 65 năm, bởi một bác sĩ và một linh mục có sứ mệnh ở Uganda, Tanzania, Mozambique, Etiopia, Angola, Nam Sudan và Sierra Leone.
Đức Thiện