Thái Hà (02.08.2016) – Catholic Herald – Đức Hồng y Raymond Burke nói rằng “chẳng ai nghi ngờ gì nữa về ý muốn thống trị thế giới của Hồi giáo”, và rằng cách phản ứng tốt nhất là xã hội phương Tây nên trở lại với cội nguồn Kitô giáo của mình.
Nói với tờ Religion News Service, Đức Hồng y Burke, người bảo trợ của Hội hiệp sĩ Malta, cho biết người Hồi giáo thì “đáng yêu” khi bản thân họ nói về tôn giáo “một cách rất hòa bình”.
Nhưng, Đức Hồng y cũng nói, có rất it người hiểu được tư tưởng truyền thống của Hồi giáo về vấn đề cai trị: đó là khi người Hồi trở thành đại đa số tại một đất nước thì “họ có bổn phận tôn giáo là cai trị đất nước đó. Nếu đó cũng là những gì mà các công dân quốc gia đó mong muốn thì họ chỉ cần tiếp tục. Nhưng nếu đó không phải là những gì người dân muốn, thì họ sẽ phải tìm cách giải quyết việc đó.”
Đức Hồng y Burke cũng nói rằng, đối với bất kỳ ai “không cảm thấy bình an trước ý tưởng sẽ bị một chính phủ Hồi giáo kiểm soát”, thì thật có lý khi họ “lo sợ” một viễn cảnh như vậy.
Đức Hồng y đưa ra phát biểu trên đây trước khi quyển sách mới của ngài mang tên ‘Hy vọng cho thế giới: Để hợp nhất mọi sự trong Chúa Kitô’ (Hope for the World: To Unite All Things in Christ) được xuất bản. Giống như sách của Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, cũng như cuốn ‘Thiên Chúa hoặc không gì cả’ của Đức Hồng y Robert Sarah, cuốn sách này được trình bày theo dạng phỏng vấn mở rộng. Người phỏng vấn là Guillaume d’Alançon, một nhà văn làm việc cho một giáo phận ở nước Pháp.
Trong cuốn sách, Đức Hồng y Burke nói rằng: “Hồi giáo là một tôn giáo, mà theo quan điểm của riêng họ, cũng phải trở thành một Nhà nước. Kinh Koran, và theo lối giải nghĩa chính thống của nhiều chuyên gia thông thạo luật Koran, được tiền định sẽ cai trị thế giới.
“Chỉ khi nào Hồi giáo không thành công trong việc thiết lập chủ quyền trên các quốc gia và trên toàn thế giới, nếu không trong thực tế, sẽ không có chỗ cho các tôn giáo nào khác, mặc dù họ có thể được tha thứ [trong các quốc gia Hồi giáo].”
Đức Hồng y còn nói rằng Hồi giáo và Kitô giáo là hoàn toàn khác nhau. Trong cuộc phỏng vấn với Gibson, ngài nói rằng các nhà lãnh đạo Giáo Hội sẽ mắc sai lầm nếu họ “chỉ đơn giản nghĩ rằng Hồi giáo là một tôn giáo cũng giống như Công giáo hay Do Thái giáo”, thay vì nhận biết tham vọng cai trị của Hồi giáo.
Đức Hồng y chỉ rõ rằng lòng khoan dung là một điểm đặc trưng của lòng bác ái Kitô giáo, và cách phản ứng thích hợp là “phải giữ vững nguồn gốc Kitô giáo trong các quốc gia của chúng ta, và dĩ nhiên là ở châu Âu, cũng như giữ vững nền tảng Kitô giáo trong các chính phủ và phải củng cố điều đó”.
Đức Hồng y Burke đã có những bình luận tương tự như trên trong quá khứ. Vào năm 2014, ngài nói với tờ Una Voce của Áo rằng “sự hoạt động của Hồi giáo đang tiếp quản được quyển lực ở các nước mà trước đây là Kitô giáo”, một phần nhờ vào tỷ lệ sinh cao.
Trong năm ngoái, Đức Hồng y cũng nói trong một cuộc phỏng vấn với một tờ báo của Pháp rằng: “chúng ta phải nhớ rằng đạo Hồi là một chính thể, chứ không chỉ là một tôn giáo.”
Nguyễn Đức
http://www.catholicherald.co.uk/news/2016/07/22/cardinal-burke-its-reasonable-to-be-afraid-of-islams-desire-to-govern-the-world/