Thái Hà (31.07.2016) – Đức Thánh Cha Phanxicô nói với người trẻ rằng, họ không được kêu gọi trở thành những nguời luời vận động, sống một cuộc sống nhàm chán, nhưng họ phải để lại dấu ấn của mình trên lịch sử và không để người khác quyết định tương lai của mình.
Giống như trong một trận đá bóng, “chỉ có chỗ cho những cầu thủ và không có chỗ cho người dự bị.” Đức Thánh Cha nói như trên với hơn một triệu nguời trẻ tại buổi cầu nguyện canh thức hôm 30/7 của Ngày Giới Trẻ Thế Giới ở Ba Lan.
“Thế giới ngày nay đòi hỏi các con trở thành nhân vật chính của lịch sử, bởi vì cuộc sống sẽ luôn tuơi đẹp khi chúng ta quyết định sống một cách trọn vẹn, khi chúng ta quyết để lại một dấu ấn.”
Ban tổ chức uớc tính có tới 1,6 triệu thanh niên từ khắp nơi trên thế giới – nhiều người trong số họ phải đi bộ hơn bốn dặm để đến được Cánh Đồng Thuơng Xót (Field of Mercy) – nhằm tham dự buổi cầu nguyện cùng với Đức Thánh Cha.
Tiến vào với chiếc xe popemobile, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫy tay chào đám đông người trẻ. Ngài dừng lại truớc Cửa Thuơng Xót bằng gỗ, có dòng chữ “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài” bằng năm thứ tiếng. Tay trong tay với Đức Thánh Cha, nhìều bạn trẻ nam va nữ cùng ngài bước qua cánh cửa.
Sau đó ngài mời nguời trẻ lên xe để cùng tiến về khán đài. Tại đây, thanh niên từ các nuớc Ba Lan, Syria và Paraguay đã chia sẻ hành trình đi tìm hy vọng của họ giữa sự hoài nghi, chiến tranh và nghiện ngập.
Natalia, một bạn trẻ Ba Lan trẻ đến từ Łódź, đã nói về kinh nghiệm của việc gặp gỡ tình yêu Thiên Chúa qua Bí tích Hòa giải, sau 20 năm cô xa rời Giáo Hội.
“Khi đi xưng tội, con tin chắc rằng mình đã mất sự sống đời đời. Nhưng thay vào đó, con được nghe và biết rằng Thiên Chúa đã khiến mọi sự ác mà con đã phạm biến mất mãi mãi”.
Rand Mittri – một bạn trẻ 26 tuổi đến từ Aleppo, Syria, vùng đất đang xảy ra chiến tranh – đã chia sẻ nỗi đau khi nhìn thấy thành phố mình sống bị “phá hủy và hủy hoại.”
Mittri tiếp tục nói về việc cô và gia đình đã sống trong sự sợ hãi thường trực như thế nào. “Có lẽ gia đình chúng tôi sẽ bị giết vào một ngày nào đó. Thật đau đớn khi biết rằng mình bị bao quanh bởi cái chết và sự giết chóc, mà không có lối thoát, và không có ai để giúp đỡ”.
Mặc dù hằng ngày phải đối mặt với sự kinh hãi, Mittri nói cô biết rằng niềm tin vào vào Chúa Giêsu “sẽ thay đổi tình thế”, và rằng với mỗi ngày trôi qua, cô tin rằng “Thiên Chúa vẫn hiện hữu bất chấp mọi nỗi đau của chúng ta”.
Cô kết thúc: “Lạy Chúa Giêsu, con tin tưởng vào Ngài,”
Miguel đến từ Asunción, Paraguay là người cuối cùng. Anh kể lại câu chuyện 16 năm đấu tranh với cơn nghiện ma túy. Anh cho biết đã nghiện thuốc từ năm 11 tuổi và bị bỏ tù vì phạm tội năm 15 tuổi, và Miguel tiếp tục phạm tội cho đến khi bị tù sáu năm.
Một linh mục, anh nói, đã đưa anh đến một nhà giáo dưỡng ở Brazil, Fazenda de la Esperanza, nơi anh học sống với mọi người như một gia đình.
Anh cho biết thêm: “Con đã khỏi nghiện từ 10 năm nay và hiện đang quản lý một nhà giáo dưỡng Uruguay trong ba năm qua.”
Sau khi nghe những câu chuyện ấy, Đức Thánh Cha Phanxicô có bài nói chuyện với giới trẻ. Ngài kêu gọi họ trước hết là đừng mải miết với chiến điện thoại và máy tính, nhưng hãy nghĩ về những người như Mittri, đang phải sống trong cảnh bạo lực và chiến tranh hàng ngày.
Ngài cũng cảm ơn lời chứng của Natalia và Miguel, và nói họ là một “dấu hiệu sống động về những gì mà Lòng thương xót của Thiên Chúa muốn thực hiện nơi chúng ta”.
Trong thế giới bị vây quanh bởi xung đột, khủng bố và chết chóc, ngài tiếp tục, tình huynh đệ và hiệp thông vẫn là cách đáp trả thực sự và duy nhất.
Đức Thánh Cha sau đó mời tất cả các bạn trẻ tay nhau và cầu nguyện âm thầm, và “hãy đặt trước Chúa cuộc chiến [trong cuộc sống] của mỗi người, những đấu tranh bên trong mỗi con tim chúng ta.”
Tiếp tục phát biểu sau giây phút cầu nguyện, ngài cảnh báo giới trẻ không để mình “bị tê liệt do lầm tưởng rằng hạnh phúc là sự thoải mái (happiness with a sofa)”. Chiếc ghế sofa này hứa hẹn sự thoải mái, an toàn và thư giãn, nhưng Đức Thánh Cha nói, đó là một “hình thức tê liệt tinh vi”, khiến cho giới trẻ trở nên “đần độn và bị ru ngủ”.
Ngài nhắc nhở những người trẻ hiện diện rằng, họ không được kêu gọi để “sống một cách vô vị” nhưng là để lại một dấu ấn trên thế giới này.
“Khi chúng tôi lựa chọn sự dễ dàng và thuận tiện, vì lầm tưởng hạnh phúc là sự tiêu thụ vật chất, thì cuối cùng chúng ta sẽ phải trả giá, trả giá đắt. Chúng ta mất đi tự do của chính mình.”
Thay vào đó, Đức Thánh Cha mời gọi họ tiến lên trên “con đường ‘điên rồ’ của Chúa chúng ta, con đường thúc giục các Kitô hữu thực hành lòng thương xót ở cả phương diện thể lý lẫn tinh thần.”
Giống như Miguel đã nhận ra Thiên Chúa kêu gọi anh giúp đỡ những người khác tại nhà giáo dưỡng, Đức Thánh Cha nói Thiên Chúa cũng đang kêu gọi người trẻ và khuyến khích họ mơ ước.
“Ngài muốn các con thấy rằng, với các con thế giới sẽ khác đi. Có một thực tế là, nếu các con không trao ban những gì tốt nhất của mình, thế giới sẽ không bao giờ thay đổi”.
Đức Thánh Cha cũng kêu gọi thế hệ lớn hơn dạy cho người trẻ “cách sống trong sự đa dạng, trong đối thoại, và xem sự đa văn hóa không phải là mối đe dọa nhưng là một cơ hội”.
Người trẻ cũng sẽ là người tố cáo “nếu chúng ta chọn lối sống thù hằn, lối sống [đóng mình lại với] những bức tường, lối sống chiến tranh.”
Đức Thiện, dịch từ Catholic Herald