Đức Thánh Cha: Sự giàu có và quyền lực chỉ tốt khi được dùng để phục vụ

Pope Francis gives a rosary to a disabled child during his general audience Feb. 24, 2016. Credit: Daniel Ibañez/CNA.
Đức Thánh Cha Phanxicô trao chuỗi kinh Mân Côi cho một đứa trẻ khuyết tật trong buổi triều kiến chung ngày 24/2/2016. Ảnh: Daniel Ibañez/CNA.

Thái Hà (25.02.2016) – CNA – Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Tư 24/2 cảnh báo rằng, trừ khi sự giàu có và quyền lực được dùng để phục vụ xã hội, đặc biệt là người nghèo, nếu không nó có nguy cơ trở thành công cụ của tham nhũng, của lợi ích cá nhân và nhiều hình thức lạm dụng khác.

“Giàu có và quyền lực là những thực tại tốt đẹp và hữu dụng cho công ích, nếu chúng được dùng để phục vụ người nghèo và mọi người thông qua công lý và bác ái.”

Tuy nhiên, khi chúng được sử dụng “như một đặc ân bởi tính ích kỷ và quyền lực, như vẫn thường xuyên xảy ra, thì chúng sẽ trở thành công cụ của tham nhũng và sự chết.”

Đức Thánh Cha đã nói như trên trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư hàng tuần với các khách hành hương ở quảng trường Thánh Phêrô, qua loạt bài giáo lý về lòng thương xót trong Kinh Thánh.

Trong bài phát biểu, Đức Thánh Cha nói rằng xuyên suốt Kinh Thánh là những câu chuyện về các vị vua và tiên tri, những người ở vị trí quyền lực cao nhất nhưng thường phạm phải điều này.

Đề cập đến câu chuyện của Na-bốt trong quyển một sách Các Vua, người bị giết do từ chối bán vườn nho cho vua A-háp, Đức Phanxicô đã dùng đoạn văn này làm trung tâm cho bài suy niệm của mình.

Đức Thánh Cha nói, Na-bốt đã từ chối bán vườn nho cho vua A-háp vì xem mảnh đất của mình là món quà thiêng liêng từ Thiên Chúa.

Sau đó, vua A-háp “cay đắng, giận dữ” và cảm thấy bị xúc phạm bởi “ông là vua, một người quyền lực! Ông thất vọng vì không thể đáp ứng khao khát sở hữu của mình.”

Tiếp đến, vợ A-háp là Jezebel đã gài bẫy để buộc tội Na-bốt là nguyền rủa Thiên Chúa và các vị vua. Cuối cùng Na-bốt bị ném đá.

“Câu chuyện kết thúc với việc Na-bốt chết, và nhà vua chiếm được vườn nho của ông”, Đức Thánh Cha nói và giải thích, “đây không chỉ là câu chuyện của quá khứ, nó còn là câu chuyện của ngày hôm nay.”

Đó là câu chuyện, “về những người quyền lực chuyên khai thác người nghèo để kiếm được nhiều tiền hơn; đó là câu chuyện về nạn buôn người, lao động nô lệ, về những nghèo làm việc với mức lương tối thiểu; là câu chuyện về những chính trị gia tham nhũng luôn muốn nhiều hơn nữa.”

Đức Phanxicô nói tiếp, đó là khi quyền bính được thực thi không công bằng, không có lòng thương xót hay tôn trọng sự sống.

Đức Thánh Cha cho biết thêm, Chúa Giêsu cũng đã nói với các tông đồ trong Tin Mừng Thánh Mátthêu rằng: “Ai làm lớn giữa anh em thì phải làm tôi tớ anh em.”

Ngài cảnh báo, khi quyền lực mất đi chiều kích phục vụ nó “sẽ trở nên kiêu ngạo, thống trị và lạm dụng.”

Tuy nhiên, Thiên Chúa thì cao cả hơn những “trò bẩn thỉu” và sự ác độc của nhân loại. Lòng thương xót của Chúa đã gửi tiên tri Ê-li để giúp A-háp sám hối.

Dù Thiên Chúa thấy tội ác của nhà vua, nhưng “ngài vẫn gõ cửa trái tim A-háp. Và nhà vua đã nhận thức về tội lỗi của mình, ông hạ mình và cầu xin sự tha thứ.”

Đức Thánh Cha nói, sẽ rất tuyệt vời nếu tầng lớp “khai thác đầy quyền lực ngày nay biết” bắt chước cử chỉ sám hối của nhà vua.

Chúa chấp sự sám hối của A-háp, nhưng một người vô tội đã bị giết và hành vi đó sẽ để lại “những hậu quả không thể tránh khỏi.”

Tuy nhiên, Đức Thánh Cha nói lòng thương xót có thể chữa lành vết thương và thay đổi tiến trình lịch sử. Ngài khuyến khích các tín hữu mở tâm hồn ra trước lòng thương xót của Thiên Chúa.

Ngài khẳng định, lòng thương xót của Thiên Chúa “thì mạnh hơn tội lỗi của con người”, và rằng sức mạnh của vị vua chân thật là Chúa Giêsu Kitô, “hoàn toàn khác” với các vị vua trên thế giới.

“Ngai vàng của Chúa Giêsu là Thánh Giá … Việc Ngài đến với mọi người, đặc biệt là những người yếu đuối, đã đánh bại sự cô độc và số phận chết chóc là những thứ mà tội lỗi đưa đến.”

Đức Thiện

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.