Giáo hội ở Indonesia đồng hành kêu gọi điều tra về cái chết của nhà báo

Kêu gọi điều tra sau khi nhà báo Muhammad Yusuf chết trong trại giam

Một chức sắc Giáo hội cùng các nhà hoạt động kêu gọi chính quyền Indonesia điều tra về vụ nhà báo Muhammad Yusuf chết trong khi bị cảnh sát giam giữ. Ảnh: Romeo Gacad/AFP

Một viên chức cấp cao Công giáo ở Indonesia cùng nhiều người kêu gọi điều tra kỹ về vụ nhà báo chết trong khi bị cảnh sát giam giữ tuần trước.

Nhà báo Muhammad Yusuf làm việc cho cổng tin tức online Kemajuan Rakyat.co.id, chết hôm 10-6 sau khi bị bệnh trong trại giam Kotabaru ở Nam Kalimantan.

Ông bị bắt hồi tháng 4 về tội phỉ báng liên quan đến một loạt bài báo ông viết về công ty dầu cọ Multi Sarana Agro Mandiri (MSAM). Sở cảnh sát Kotabaru còn buộc tội ông vi phạm luật Giao dịch và Thông tin Điện tử.

Được biết ông Yusuf có thông báo với cai ngục ông bị đau ngực và khó thở trước khi được đưa đến bệnh viện, và chết ngay sau đó.

Tuy nhiên, gia đình ông và các nhà hoạt động khẳng định ông chết bất thường và yêu cầu khám nghiệm tử thi vì ông không có tiền sử mắc bệnh mãn tính và trước đó ông đang trong tình trạng sức khỏe tốt.

Azas Tigor Nainggolan, điều phối viên ban đặc trách nhân quyền tại Ủy ban Công lý, Hòa bình và Mục vụ Di dân và Người bất định cư của các giám mục Indonesia, nói cần điều tra kỹ vì cái chết của ông Yusuf hết sức bất thường.

Ông còn nói ông Yusuf bị giam giữ trái phép và rằng cảnh sát và công ty dầu cọ đã vi phạm luật báo chí của Indonesia.

“Đáng lẽ cảnh sát không được bắt giam nhà báo này. Theo trình tự thủ tục (luật báo chí), lẽ ra công ty này nên khiếu nại với hội đồng báo chí hay nơi nhà báo làm việc, chứ không phải với cảnh sát”.

“Tôi nghi ngờ có sự thông đồng giữa cảnh sát và công ty, vì thế cảnh sát phải chịu trách nhiệm”.

Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường cũng kêu gọi điều tra.

Kisworo Dwi Cahyono, từ Diễn đàn vì Môi trường Indonesia, cho biết các bài báo của ông Yusuf nói về những nông dân địa phương báo công ty dầu cọ với Ủy ban Nhân quyền Quốc gia về vụ tranh chấp đất.

Sasongko Tedjo, chủ tịch Hội Nhà báo Indonesia, nói sẽ thành lập một nhóm tìm hiểu sự thật để điều tra về cái chết của nhà báo này.

“Nhóm điều tra sẽ phối hợp với cảnh sát, Hội đồng Báo chí, gia đình và cơ quan của nhà báo”, ông Tedjo cho biết.

Theo tổ chức Phóng viên Không Biên giới, Indonesia xếp thứ 128 trên bảng Tự do Báo chí Thế giới.

Liên minh Nhà báo Độc lập trụ sở ở Jakarta cho biết họ ghi nhận 60 vụ bạo hành nhà báo trong năm 2017, giảm so với 81 vụ trong năm 2016.

Nguồn: vietnam.ucanews

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.