Mộ Chúa Giêsu có thể “sụp đổ thê thảm”

Picture of Jesus tomb
Edicule (tiếng Latin nghĩa là “ngôi nhà nhỏ”), là một cấu trúc nhỏ bên trong Nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem, bao lấy một cái hang vốn được tôn kính ít nhất từ thế kỷ thứ 4 được cho là ngôi mộ của Chúa Giêsu Kitô. Ảnh: National Geographic

Thái Hà (29.03.2017) – Các nhà khoa học gần đây phát hiện rằng, địa điểm thiêng liêng nhất của Kitô giáo có “nguy cơ rất lớn” sẽ sụp đổ nếu nền móng bất ổn ở đây không được gia cố.

Một nhóm các nhà khoa học thuộc Đại học Kỹ thuật Quốc gia Athens (NTUA), vừa hoàn thành việc tu sửa nơi mà truyền thống cho là ngôi mộ Chúa Giêsu ở Giêrusalem. Họ cảnh báo cần phải tiếp tục gia cố để ngăn ngôi đền và khu phức hợp xung quanh sụp đổ.

Antonia Moropoulou, giám sát viên khoa học của NTUA nói: “Nó sẽ không sụp từ từ, mà sẽ rất thảm khốc.”

Edicule (tiếng Latin nghĩa là “ngôi nhà nhỏ”), là một cấu trúc nhỏ bên trong Nhà thờ Mộ Thánh ở Jerusalem, bao lấy một cái hang vốn được tôn kính ít nhất từ thế kỷ thứ 4 được cho là ngôi mộ của Chúa Giêsu Kitô.

Picture of Jesus Tomb
Việc tu sửa Edicule cho thấy phần lớn khu vực này được xây dựng trên nền móng không vững, của những tàn tích sụp đổ của các công trình trước đó, và phía dười còn có những đường hầm và mương nước rộng. Ảnh: National Geographic

Việc tu sửa Edicule tiết lộ nhiều điều về nơi này và mái vòm bao quanh nó, vốn thu hút hàng triệu du khách viếng thăm mỗi năm. Dường như phần lớn khu vực này được xây dựng trên nền móng không vững, của những tàn tích sụp đổ của các công trình trước đó, và phía dười còn có những đường hầm và mương nước rộng.

Trong khi lễ mừng việc tu sửa hoàn tất Edicule vốn kéo dài cả năm trời, đang diễn ra ở Jerusalem, thì các nhà khoa học và lãnh giáo hội giờ đây phải đối mặt với bằng chứng mới, cho thấy nơi đây đang gặp nguy hiểm.

Các tầng lớp lịch sử tạo ra nguy cơ cho tương lai

Các nhà khảo cổ tin rằng cách đây 2.000 năm, địa điểm này là khu mộ của tầng lớp thượng lưu Do Thái. Ít nhất có khoảng nửa chục ngôi mộ được xác định trong khuôn viên của nhà thờ, bên cạnh ngôi mộ được tin là của Chúa Giêsu.

Picture of excavator opening tomb
Một người đang lau sạch bề mặt của tấm đá được cho là nơi Chúa Giêsu an nghỉ. Ảnh: National Geographic

Một ngôi đền La Mã được xây dựng trên địa điểm này vào thế kỷ thứ 2 đã bị Constantine – hoàng đế La Mã đầu tiên theo đạo Kitô giáo – phá hủy khoảng năm 324, để tìm ra mộ Chúa Giêsu.

Nhà thờ được Constantine xây xung quanh ngôi mộ, sau đó bị người xâm lược Ba Tư phá hủy một phần vào thế kỷ thứ 7, và bị Fatimids phá hủy một lần nữa vào năm 1009. Nhà thờ được xây dựng lại vào giữa thế kỷ 11. Edicule sau đó được quân Thập tự chinh tu sửa, và tiếp tục được phục hồi vào thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 19. Vì thế, nơi này bao gồm nhiều lối kiến trúc của những lần xây dựng trước đó.

Rotunda (tòa nhà có mái vòm tròn) bao quanh Edicule được cho dấu vết của nhà thờ ban đầu thời Constantinian, và có thể là ngôi đền La Mã trước đó nữa.

Picture of Edicule
Rotunda, tòa nhà tròn có mái vòm, bao quanh Edicule. Ảnh: National Geographic

Các đường hầm dưới mộ Chúa

Máy dò radar mặt đất, camera robot, và các công cụ khác cho thấy một phần móng của Edicule nằm trên đống đổ nát của các khối kiến trúc trước đó. Phần móng còn lại thì nằm ngay trên bờ vực của tầng đá gốc dốc đứng. Nền móng bằng vữa này đã vỡ vụn, bởi hàng thập kỷ tiếp xúc với độ ẩm từ các mương nước chảy nằm sâu dưới nền của rotunda.

Những đường hầm và các lỗ trống khác không thể giải thích được, nằm ngay bên dưới và xung quanh Edicule.

Một số cột trụ đỡ mái vòm nặng 22 tấn nằm trên đống gạch vụn yếu ớt chỉ hơn 4 feet (hơn 1,2 mét).

Picture of Edicule
Một tu sĩ Coptic phủi bụi ngay lối vào của nhà nguyện ở mặt sau Edicule. Ảnh: National Geographic

Tu sửa thành công ‘Ngôi nhà nhỏ’ Edicule

Việc tu sửa Edicule đã được bàn đến từ gần một thế kỷ, nhưng sự bất đồng giữa các hệ phái Kitô giáo đang cùng quản lý nhà thờ Mộ Thánh, cũng như sự thiếu hụt tài chính, đã cản trở ý tưởng này.

Tuy nhiên, sau khi giới chức Israel cho đóng cửa Edicule vào năm 2015 vì lý do an toàn, thì ba hệ phái Kitô giáo chính nắm quyền kiểm soát nơi này, là Chính thống giáo Hy Lạp, Giáo hội Armenian ở Jerusalem và Dòng Phanxicô Đất thánh của Công giáo, đã ký thỏa thuận tu sửa ngôi đền và ngôi mộ vào tháng 3 năm 2016.

Nhóm nghiên cứu đã củng cố bức tường vòm của Edicule, neo lại các cột bằng sào titan và trét vữa các khối đá có hơn một ngàn năm tuổi. Họ cũng lắp đặt thêm hệ thống thông gió.

Tổng chi phí tu sửa mất gần 3,5 triệu euro.

Ngôi mộ cũng được mở ra lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ.

Để giải quyết nguy cơ sụp đổ tại địa điểm linh thiêng nhất của Kitô giáo này, NTUA hiện đề xuất một dự án trị giá 6 triệu euro kéo dài trong 10 tháng, bao gồm việc dỡ bỏ các vết nứt gãy quanh Edicule, đào hơn 1.000 feet vuông (gần 305 m2) dưới nền để lắp hệ thống thoát nước thải và thoát nước mưa mới quanh chu vi của nhà vòm.

Martin Biddle, người đã nghiên cứu lịch sử về Edicule trong gần một thập kỉ, cho biết: “Đây là một trong những địa điểm khảo cổ học phức tạp nhất, tại một trong những nơi linh liêng nhất thế giới.”

Đức Thiện lược dịch từ National Geographic
http://news.nationalgeographic.com/2017/03/jesus-christ-tomb-jerusalem-restored-collapse-tunnels/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.