Thái Hà (07.04.2016) – Catholic Herald – Một tu viện thời trung cổ nằm gần Assisi (Ý) đã mở cửa một lần nữa nhằm cung cấp chỗ cư trú cho người tị nạn.
Với sự hỗ trợ của Dòng Phanxicô (Dòng Anh Em Hèn Mọn) ở Umbria, tổ chức nhân đạo Công giáo Caritas địa phương sẽ trợ giúp về giáo dục, dạy ngôn ngữ cho 13 người đến từ Senegal, Ghana và Nigeria.
Các tu sĩ Dòng Phanxicô ở Assisi đã nỗ lực đóng góp chỗ ở và các khu nhà của họ, chủ yếu là các tu viện, ở Umbria cho các công việc nhân đạo như thế này.
Dòng Phanxicô nói: “Đón tiếp người tị nạn là một công việc thể hiện lòng thương xót. Đó còn là lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và toàn bộ tu sĩ trong tỉnh dòng.”
Những người tị nạn sẽ di chuyển đến tu viện “Santissima Annunziata” – có từ thế kỷ 15 và nằm trên các ngọn đồi phía đông bắc của Assisi – vào ngày 6/4. Họ sẽ cư ngụ tại đó ít nhất một năm.
Những người tị nạn, cùng với các nhân viên Caritas và hai tu sĩ dòng Phanxicô đang sống trong tu viện, sẽ giúp bảo trì tu viện và chuẩn bị các bữa ăn.
Tu viện này hồi năm 2011-2013, cũng đã là nơi cư trú tạm thời cho 16 người Hồi giáo và hai người tỵ nạn Công giáo. Sáng kiến trước đó cũng do sự hợp tác giữa Dòng Phanxicô và Caritas của giáo phận.
Chỉ vài tháng sau khi đắc cử giáo hoàng năm 2013, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói, các tu viện không còn tu sĩ sinh sống nên được dùng làm chỗ trú ngụ cho người tị nạn.
“Những tu viện vắng bóng người, không nên bị Giáo hội biến thành khách sạn để kiếm tiền”, Đức Giáo Hoàng nói như trên khi đến thăm Trung tâm cho người tị nạn Astalli của dòng Tên tại Rôma vào tháng 5/2013. Các tòa nhà ấy “không phải của chúng ta, chúng phải được dùng cho những người tị nạn, là chính thân thể của Chúa Kitô”.
Hai năm sau đó, Đức Giáo Hoàng tiếp tục kêu gọi mỗi giáo xứ và cộng đoàn tu trì ở châu Âu tiếp đón một gia đình tị nạn, để giải quyết làn sóng khổng lồ người di cư, chủ yếu đến từ Syria là nơi bị chiến tranh tàn phá.
Tổ chức Di cư Quốc tế ước tính có hơn 1 triệu người di cư đến biên giới châu Âu trong năm 2015. Tuy nhiên, nhiều người đến châu Âu nhưng không bị giới chức trách phát hiện, nên Frontex ước tính có hơn 1,8 triệu người đến châu Âu năm ngoái.
Vatican gần đây xác nhận Đức Giáo Hoàng đang xem xét khả năng đến Hy Lạp để thăm người tị nạn. Thượng hội đồng Chính Thống giáo Hy Lạp mời cả ĐGH và Thượng phụ Đại kết Bartholomew của Constantinople đến thăm đảo Lesbos, giữa bối cảnh chính phủ Hy Lạp đang chuyển những người tị nạn trở lại Thổ Nhĩ Kỳ theo một thỏa thuận của Liên minh châu Âu.
Đức Hồng Y Antonio Veglio, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về người di cư, nói với đài phát thanh Vatican rằng thỏa thuận này dường như đã phủ nhận sự công nhận quốc tế về quyền của người tị nạn.
Đức Thiện