Các nhà hoạt động sẽ kháng cáo phán quyết của tòa án bác đơn kiện thống đốc Anies Baswedan phát biểu gây thù hận

Các nhà hoạt động Công giáo cam kết kháng cáo phán quyết của tòa án bác đơn kiện thống đốc Jakarta Anies Baswedan vì đưa ra những lời bình luận mang tính kích động và kỳ thị trong bài diễn văn nhậm chức vào tháng 10 năm ngoái.
Các nhà hoạt động, thành viên của Nhóm Chủ trương Chống Kỳ thị Chủng tộc và Sắc tộc, nói họ sẽ kiện lên Tòa án Tối cao sau khi Tòa án Jakarta bác bỏ đơn kiện của họ ngày 4-6.
Tòa phán quyết nguyên cáo và bị cáo không có xung đột vì thế trường hợp này không thể được xét xử tại tòa án dân sự.
Trong bài phát biểu gây tranh cãi của mình, ông Baswedan người đánh bại cựu thống đốc Kitô hữu Basuki Tjahaja Purnama trong cuộc bầu cử thống đốc năm ngoái, nói đã đến lúc pribumi, người Indonesia bản xứ, trở lại làm chủ đất đai của mình.
“Chúng ta là những người pribumi bị đàn áp và đánh bại. Giờ đây sau khi độc lập đã đến lúc chúng ta làm chủ trong chính đất nước của mình”, ông được dẫn lời nói trong bài phát biểu.
Bài phát biểu bị chỉ trích gay gắt vì mang tính chia rẽ chủng tộc và được các nhà quan sát cho là nhấn mạnh những vụ chia rẽ tôn giáo và chủng tộc xảy ra trong thời gian vận động tranh cử.
Ông Baswedan phản ứng lại lời chỉ trích đó, nói rằng thuật ngữ này ám chỉ thời thực dân Hà Lan khi pribumi bị xem là thấp kém hơn người châu Âu và những người châu Á khác như Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo các nhà hoạt động Công giáo, phân loại công dân Indonesia thành người bản xứ và người không phải dân bản xứ là sai lầm và nguy hiểm đối với tính đa nguyên của đất nước.
Họ nộp đơn kiện thống đốc vào tháng sau đó, tháng 11, nói rằng bài diễn văn của ông không khác gì là bài phát biểu gây hận thù.
“Đây là một tiền lệ xấu cho nền dân chủ của chúng ta. Một công chức không thể phát biểu những lời như thế”, Hermawi Fransiskus Taslim, thành viên điều phối nhóm này, phát biểu.
“Chúng tôi sẽ kháng cáo lên tòa cao hơn ngay vì chúng tôi không muốn các công chức khác học theo thống đốc Baswedan đưa ra những lời phát biểu mang tính kỳ thị”, ông nói với ucanews.com.
Tại Indonesia, những bài phát biểu mang tính kỳ thị và phân biệt chủng tộc vi phạm đạo luật 2008 chống phân biệt chủng tộc và sắc tộc, cũng như Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.
Thường dân Hồi giáo như Saiful Imam, 41 tuổi, sống và làm việc ở Jakarta, nói cần truy tố ông Baswedan để ngăn chặn các công chức thiếu nhạy cảm với các chủng tộc và tôn giáo khác vì nó đe dọa gây tổn thương cho đất nước.
Petrus Selestinus, thành viên phối Diễn đàn những người bảo vệ dân chủ Indonesia, một tổ chức ủng hộ dân chủ phi lợi nhuận, nói cần áp dụng đạo luật đó trong trường hợp này.
“Gọi người khác là bản địa hay không phải là dân bản địa là trái luật”, Selestinus nói và cổ vũ các nhà hoạt động kháng cáo lên tòa án cao hơn “để dạy cho các công chức biết tôn trọng tính đa dạng”.
Nguồn: vietnam.ucanews