Thái Hà (03.11.2015) – Hãng tin CNA cho biết, Tổng giáo phận Havana của Cuba hôm 22/10 qua một bài viết, đã lên tiếng kêu gọi chính phủ Cuba “dứt khoát loại bỏ các hạn chế đang đè nặng trên tất cả các tổ chức tôn giáo, và cho phép tôn giáo được tự do hoạt động”.
“Tự do tôn giáo không chỉ là tự do thờ phượng,” bài viết trên tạp chí Palabra Nueva của Tổng giáo phận Havana nhận định.
Bài báo nói về công lao của Giáo Hội Công giáo ở Cuba, trong đó có vai trò dàn xếp trong việc phóng thích các tù nhân chính trị bị bỏ tù vào năm 2003, và kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô làm trung gian ngoại giao giữa Cuba và Hoa Kỳ nhằm tiến tới bình thường hóa quan hệ.

Tạp chí Palabra Nueva cũng đề cập đến ba chuyến thăm Cuba quan trọng của ba giáo hoàng gần đây, đầu tiên là Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vào năm 1998.
Bài báo viết: “Trong khi nhiều người đã quan tâm đến thông điệp và lời mời gọi cởi mở với thế giới của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cũng như lời kêu gọi không sợ hãi, mở tâm trí và trái tim trước Chúa Giêsu Kitô, nguồn gốc của sự thật và hy vọng. Tuy nhiên một số khác thì không.”
“Một bộ phận của thế giới đã lắng nghe lời mời của Giáo Hoàng và bắt đầu tiếp cận với (chính phủ Cuba), nhưng giới lãnh đạo Cuba đã không đáp lại bằng những cử chỉ cụ thể. Họ chỉ xem chuyến thăm như một sự kiện thêm vào đời sống của đất nước, mặc dù trong thực tế nó có ý nghĩa nhiều hơn thế.”
Tạp chí lưu ý tiếp, chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI sau đó là “để chứng minh sự ủng hộ ngài vào tiến trình đối thoại mới với hy vọng lâu dài, giữa Giáo hội và chính phủ Cuba, bắt đầu vào năm 2010. Ngài cũng nói rõ rằng Giáo hội mong muốn tham gia vào tiến trình cải cách đã được khởi xướng.”
Chuyến thăm mới đây của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng đã đem lại “một sự trỗi dậy tinh thần lớn”, và những điều ngài nói rằng “Chỉ những bộ óc thiển cận mới không đánh giá đúng sự gần gũi, đơn giản và mong muốn giao tiếp với mọi người dân Cuba của ngài.”
“Cũng vậy, lời nói của ngài cũng đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo giới trẻ. Khi ngài đề xuất để họ không ngừng mơ ước nếu họ thực sự muốn có một thế giới mới, và để không ‘co cụm vào bản thân’ và kiến tạo ‘một xã hội huynh đệ.”
Tờ Palabra Nueva nói rằng sau 17 năm, những hạt giống mà Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gieo đã bắt đầu nảy mầm.
Bài viết khuyến khích giới lãnh đạo đừng làm ngơ trước ước muốn chân thành đáp trả của giới trẻ với lời mời gọi của Đức Phanxicô bằng cách nới rộng không gian tự do hoạt động của giới trẻ,
Và rằng giáo hội cùng với các thành phần như giáo dân, giáo sĩ và tu sĩ rất mong muốn tham gia vào sự đóng góp cho xã hội, nhưng luật pháp và cấu trúc xã hộiđã không hỗ trợ điều này.
Bài viết nhắc lại rằng vào ngày 7/7/2013, Chủ tịch Raul Castro đã nói rằng đây là thời gian để các tổ chức tôn giáo hỗ trợ quốc gia đối mặt với thực trạng “suy thoái nghiêm trọng hay việc mất đi các giá trị dân sự tại đất nước.”
Bởi tự do tôn giáo liên quan đến nhiều thứ hơn là chỉ tự do thờ phượng, “sẽ là một sai lầm nếu muốn Giáo hội chỉ bận rộn với việc của Thiên Chúa, cô lập giáo hội khỏi xã hội, và chỉ chấp nhận vai trò xã hội của giáo hội khi nó phù hợp quan điểm với các chính trị gia. Thái độ đúng không phải phù hợp với giáo hội hay các chính trị gia, nhưng là những gì tốt nhất và hữu ích nhất cho xã hội và người dân.”
Vì thế, “việc thừa nhận quyền thực hành tôn giáo, tín ngưỡng của người dân Cuba, cũng như sự cấp bách khôi phục lại các giá trị của đất nước… đòi hỏi sự hợp tác của tất cả mọi người để tiến trình thay đổi đang diễn ra tại đất nước tránh ‘rơi vào vực thẳm’”
“Một bước rất cần thiết dứt khoát loại bỏ các hạn chế đang đè nặng trên tất cả các tổ chức tôn giáo, và cho phép tôn giáo được tự do hoạt động,” bài xã luận khẳng định.
#QT