Mỗi năm có 15 triệu phụ nữ và cô gái trẻ bị ép vào những cuộc hôn nhân ép buộc. Ảnh: Bublbe.com/
Thái Hà (24.03.2016) – Asianews – Mỗi năm, các tu sĩ dòng Don Bosco đã cứu vớt hàng trăm phụ nữ trẻ và trẻ em gái thoát khỏi những cuộc hôn nhân sớm và khỏi tình trạng nô lệ trong gia đình. Cha MC George Menamparampil, điều phối viên quốc gia các trường của dòng Don Bosco ở Ấn Độ cho biết như trên.
Cha cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nền giáo dục Công giáo ở Ấn Độ, đặc biệt tập trung vào phụ nữ, trẻ em và những bộ lạc nghèo, “những người mà không có chúng ta, sẽ khó có cơ hội để thay đổi cuộc sống.”
Ngài đã chia sẻ với AsiaNews như trên, bên lề hội nghị chuyên đề “Những tiếng nói của Đức tin” do Quỹ Fidel Götz Foundation và Tổ chức cứu trợ người tị nạn Dòng Tên (JRS) tổ chức tại Vatican nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ.
Sinh ra ở Kerala, cha Menamparampil đã cống hiến 48 năm đời mình để phục vụ các sắc tộc có hoàn cảnh khó khăn ở vùng đông bắc Ấn Độ.
Cha nói rằng, mỗi năm có 15 triệu phụ nữ và cô gái trẻ bị ép vào những cuộc hôn nhân ép buộc.
Dù cho điều này bị luật pháp Ấn Độ cấm, nhưng những cô dâu trẻ em được “xem là bình thường” trong truyền thống Ấn Độ giáo. Cha mẹ cũng không biết phải làm gì với những trẻ em gái ở nhà. Cách tốt nhất là cho họ kết hôn. Đối với những bậc làm cha Ấn độ giáo, bổn phận của họ là nhìn thấy con gái kết hôn trước khi họ chết .
Để minh chứng điều này, vị linh mục dòng Don Bosco đề cập đến trường hợp của bốn cô gái được trường dòng Don Bosco cứu vớt, trong số hàng trăm người cầu xin sự giúp đỡ. Tất cả họ đều xuất thân từ các gia đình nghèo hoặc bộ lạc, với hoàn cảnh từng hứng chịu bạo lực, lạm dụng, đau khổ và cuối cùng là được tái sinh.
Rupa Khatun, 18 tuổi, cô mất mẹ khi mới chỉ là một đứa trẻ. Người cha nghiện rượu của cô, thay vì gửi chị em Rupa Khatun đến trường, thì ông lại đốt tiền vào bia rượu. Từ khi vợ ông qua đời, ông đưa Rupa đến một nơi chỉ dành cho đàn ông và để cô ở lại đó. Rupa lúc đó mới có 7 tuổi, và cô đã tìm cách trốn thoát.
Một trường hợp khác về nạn đối xử bạo lực với phụ nữ là Chiquita, ở bang Andhra Pradesh. Cô kết hôn ở tuổi 15 bởi sức ép gia đình. Sau một tháng kết hôn, cô chạy chốn và kể câu chuyện của mình với một tổ chức phi chính phủ. Họ đưa cô tới cơ sở của các nữ tu dòng Don Bosco.
Cha Menamparampil nói: “Ước mơ của cô là được làm việc trong ngân hàng, và chăm sóc người mẹ ốm yếu của mình.”
Trường hợp khác là Kanchan Kumari Sao. Cô có hai ước mơ: mục tiêu đầu tiên là xây một ngôi nhà cho riêng mình, và kế đến là mở một công ty xây dựng. “Nhờ Viện đào tạo nghề của dòng Don Bosco, cô được đào tạo về kỹ thuật xây dựng và có thể làm tốt việc này.” Trong trường hợp của cô, cha cô đóng một vai trò quan trọng. Ông là “vị anh hùng của đời cô”, bởi ông từ chối cho con gái mình kết hôn sớm, và gửi cô đi học.
Trường hợp cuối cùng là Deepika Samkuru (không phải tên thật). Gia đình đã nhiều lần ép cô kết hôn ở tuổi 15 nhưng bất thành. Những người thân cũng ngược đãi cô.
Cha Menamparampil kể, Deepika – năm nay 22 tuổi – đã từng bị giữ tách biệt trong nhà. Cô đã từ chối việc kết hôn ba lần. Chị em của cô không thể hiểu được sự lựa chọn này. Thậm chí, một trong số các chị em cô “đã trở thành bà ngoại khi mới 30 tuổi.”
Vị linh mục giải thích thêm, hiện tại cả bốn cô gái đều sống đang sống trong những hoàn cảnh khác biệt. Sau khi chạy trốn, Rupa gặp một phụ nữ. Bà đưa cô đến đồn cảnh sát, và từ đây cô được đưa đến Nhà tế bần Hy Vọng của dòng Don Bosco. Giờ đây, cô muốn trở thành một giáo viên để kể lại câu chuyện của mình và trở thành “một ví dụ về những gì không nên xảy ra.”
Chiquita hiện đang học lớp 11 ở trường nữ tu, và cô muốn tiếp tục việc học của mình. Còn Kanchan Kumari Sao hiện đang làm việc trong ngành xây dựng.
Cuối cùng, Samkuru Deepika đã rời gia đình – chẳng khác gì nhà tù của mình – và đến ở Navajeevan Bala Bhavan (Nhà Don Bosco dành cho Trẻ em nhằm giúp họ xây dựng cuộc sống mới) ở Vijayawada. Cô đã không gặp người thân trong nhiều năm.
Cát Trắng