Thái Hà (22.02.2016) – Reuters – Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Thượng Phụ Chính Thống Nga Kirill đã ôm hôn nhau trong cuộc gặp lịch sử ngày 12/2 vừa qua, và cùng hiệp nhất đưa ra lời kêu gọi toàn cầu cùng bảo vệ các Kitô hữu bị tấn công ở Trung Đông.
Gần 1.000 năm sau khi các nhánh Kitô giáo Đông phương và Tây phương chia rẽ, lần đầu tiên một Giáo hoàng Công giáo La Mã và Thượng Phụ Chính Thống Nga gặp nhau tại một nhà ga sân bay ở Cuba.
“Ở nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi, các gia đình, làng mạc và các thành phố của anh chị em chúng ta trong Chúa Kitô đang bị tiêu diệt hoàn toàn,” hai vị lãnh đạo nói trong một tuyên bố chung, và đề cập đến nạn bạo lực bởi các nhóm chiến binh như Nhà nước Hồi giáo IS.
“Các nhà thờ bị cướp của và bị tàn phá một cách man, các đồ thờ phượng thánh thiêng cũng bị xúc phạm, và nhiều lăng mộ bị phá hủy.”
Hai vị cũng nói, cần phải có những viện trợ nhân đạo trên quy mô lớn để chăm sóc những người tị nạn chạy trốn khỏi Syria và Iraq, và cho biết là “xuất hành (cuộc di cư) khổng lồ của các Kitô hữu.”
Chủ tịch Cuba Raul Castro đứng cạnh bên trong suốt buổi lễ, tận hưởng giây phút được trở thành tâm điểm chú ý của quốc tế sau khi đón tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô hồi năm ngoái, và khôi phục quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ gần đây.
Cuba hiện cũng đang tài trợ cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa chính phủ Colombia và phiến quân cánh tả, nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 50 năm.
Đức Thánh Cha Phanxicô nhận định: “Nếu cứ tiếp tục theo đường lối này, Cuba sẽ là thủ đô của sự hợp nhất.”
Tuy nhiên, các nhà đối lập với hệ thống chính trị độc đảng Cuba đã nhận xét rằng, chính phủ nước này sẵn sàng thúc đẩy đối thoại cho người nước ngoài, trong khi đó lại bác bỏ sự đối lập chính trị mà họ coi như là lính đánh thuê của Hoa Kỳ.
“Cuối cùng”
Hai lãnh đạo tôn giáo – những vị khách của chính phủ Cộng Sản – đã gặp nhau chỉ một tuần sau khi thông tin về cuộc gặp được công bố. Những người tiền nhiệm của hai vị đã lảng tránh một cuộc gặp gỡ như thế, nhưng Đức Phanxicô đã đưa ra một lời mời thường trực để gặp gỡ bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào.
Thời điểm đã đến khi Đức Thượng Phụ Kirill có chuyến thăm đảo Caribbean và Đức Giáo Hoàng Phanxicô thêm một chặng nghỉ ngắn vào chuyến bay dài từ Rôma đến Mexico.
“Cuối cùng,” Đức Thánh Cha Phanxicô nói khi ngài và Đức Thượng Phụ Kirill cùng bước vào một căn phòng tại sân bay Havana. “Chúng ta vẫn là anh em.”
Đức Thánh Cha Phanxicô trong trang phục và chiếc mũ trắng, và Đức Thượng Phụ Kirill đội chiếc mũ vòm cao, đã vòng tay ôm nhau và hôn lên má.
“Đây rõ ràng là ý muốn của Thiên Chúa”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói
Cuộc gặp giữa họ cũng đã mang theo những âm hưởng chính trị, khi nó diễn ra vào thời điểm mà Nga bất đồng với phương Tây về Syria và Ukraine.
Giáo hội Chính thống Nga có liên kết chặt chẽ với Điện Kremlin, vốn là một đồng minh của Cuba.
Vị Giáo Hoàng người Argentina thì đã giúp tái lập quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cuba sau hơn năm thập niên ghẻ lạnh.
Đức Thánh Cha, nhà lãnh đạo của 1,2 tỷ người Công giáo trên thế giới, đang tìm cách hàn gắn sự gián đoạn lâu dài. Bởi Chính Thống Đông Phương đã chia rẽ với Rôma vào năm 1054.
Bản tuyên bố giữa hai lãnh đạo còn kêu gọi châu Âu duy trì sự trung thành với gốc rễ Kitô giáo của mình, cũng như tái khẳng định những điểm giáo lý Kitô giáo truyền thống như phản đối việc nạo phá thai, và hôn nhân chỉ được dành cho một người nam và một người nữ.
Giáo hội Chính thống Nga có một lập trường mạnh mẽ hơn về những vấn đề này trước công chúng hơn Đức Thánh Cha Phanxicô, người cũng ủng hộ những điểm giáo lý này, nhưng thường nói về các vấn đề khác như đói nghèo và bảo vệ môi trường, và các điều này cũng đã được đề cập trong bản tuyên bố.
J.L.
Nguồn: http://www.reuters.com/article/us-pope-orthodox-cuba-arrival-idUSKCN0VL26B