Thái Hà (09.09.2016) – Mẹ Têrêsa đã đến Trung Quốc lần đầu năm 1986, sau đó năm 1993 và lần cuối là tháng Một năm 1994, để thiết lập dòng của mẹ và phục vụ người nghèo tại đây.
Tuy nhiên chính quyền cộng sản Trung Quốc (TQ) đã “không chào đón” ước nguyện của mẹ, và một nhân chứng của sự việc ấy – Li Qiang – đã kể lại với Asianews chuyến đi cuối cùng của mẹ đến TQ.
Mẹ Têrêsa cùng với một nhóm 8 nữ tu trong dòng của mẹ đã đến Hồng Kông vào thứ Sáu ngày 18/3/1994. Vào 8 giờ sáng hôm sau, mẹ có một chuyến bay thẳng đến Haikou, thủ phủ của Hải Nam, miền nam Trung Quốc. Trước chuyến đi này, một vài trợ lý của mẹ đã đến thăm Hải Nam vài lần. Cha John Worthley, một người giúp đỡ mẹ, tại thời điểm đó đang là giáo sư tại Đại học Seton Hall, đã hai hoặc ba lần đến đây để thỉnh giảng. Ngài dạy về hành chính công và quản trị kinh doanh tại Đại học Hải Nam và Trường Ngoại Thương Hải Nam.
Trong những chuyến đi này, cha đã đề cập đến mong ước muốn giúp những người nghèo ở TQ của Mẹ Têrêsa. Và ông đã nhận được phản hồi rất tích cực từ Hội người Khuyết tật của tỉnh Hải Nam, và sự chấp thuận của Bộ Dân chính.
Mẹ Têrêsa đã gửi một số nữ tu của mẹ đến Hải Nam để giúp đỡ những trẻ em khuyết tật và mồ côi ở trung tâm phúc lợi ở Haikou, một tổ chức của chính quyền lúc đó đang nuôi khoảng 150 trẻ: đó là “bước đầu tiên” trong sứ mệnh từ thiện của mẹ tại Hải Nam. Hai nữ tu – sơ Jan Petrie và thầy Bill Petrie – đã vài lần đến thăm Trung tâm này và Hội người khuyết tật để bàn luận chi tiết hơn.
Hội người Khuyết tật tỉnh và Bộ Dân chính sau đó thảo luận về dự án với Hội người Khuyết tật quốc gia – vào thời điểm đó con trai của Chủ tịch TQ Đặng Tiểu Bình là Deng Pufang đang lãnh đạo. Ông Deng tuy ưng thuận, nhưng cũng bày tỏ một số “quan ngại” về sự liên hệ “có thể có” giữa Mẹ Têrêsa và Vatican.
Để giải quyết những mối quan ngại đó, mẹ Têrêsa đã gửi một lá thư cho tỉnh Hải Nam để nhấn mạnh rằng Dòng Thừa Sai Bác Ái của mẹ “không bao giờ so sánh các nền văn hóa hoặc các quốc gia với nhau; và cũng không bao giờ chỉ trích bất kỳ chính phủ nào.” Mẹ cũng nói rõ rằng Hội dòng “tương tự như một tổ chức từ thiện phi chính phủ, giúp đỡ người nghèo trên khắp thế giới, không phân biệt quốc gia hay các tổ chức chính trị “.
Và với sự chấp thuận của Bắc Kinh, chính quyền Hải Nam đã gửi một thư mời tới mẹ. Mẹ và 8 nữ tu trong dòng đã đến Hong Kong, nơi được coi như là “cánh cổng phía nam” của TQ, để chờ chuyến bay vào sáng hôm sau. Nhưng đột nhiên, vào đêm trước chuyến bay, chính quyền Bắc Kinh gửi một lệnh khẩn cấp cho chính quyền địa phương nói rằng: “Mẹ Têrêsa sẽ không được phép thăm hay thiết lập sứ mệnh gì cả. Nếu không thì chính quyền địa phương sẽ phải chịu tất cả hậu quả”. Văn thư không đề cập đến bất kỳ lý do nào cho sự thay đổi này, nhưng tôi (người viết) tin rằng nó thể là do sự liên hệ “có thể có” giữa Mẹ và Vatican.
Các quan chức Hải Nam lúc ấy đã bối rối và sợ hãi, và họ không biết làm thế nào để giải quyết tình hình tồi tệ này. Họ mời khách đến nhà và bây giờ những vị khách ấy đang ở trước cửa nhà, họ đến với những ý hướng thành thật nhất và chỉ muốn giúp đỡ. Nhưng chính quyền Bắc Kinh đã thay đổi quan điểm và đóng cửa lại.
Ngay từ đầu, tôi đã đóng vai trò của một người cố vấn và điều phối viên. Nhưng tôi cũng là người duy nhất tham gia – từ phía chính quyền Hải Nam – mà không có một chức vụ gì trong cơ quan chính phủ để có thể bị cách chức. Chính vì vậy mà Hensen – chủ tịch Hội người Khuyết tật lúc ấy – đã trao cho tôi nhiệm vụ giải quyết vấn đề.
Hy vọng được gặp Mẹ Têrêsa vẫn còn mạnh mẽ trong tôi, vì vậy tôi quyết định gọi cho văn phòng của Deng Pufang để yêu cầu xem xét lại quyết định. Tôi đã cố gắng làm rõ vai trò của Dòng Thừa sai Bác ái, và nhắc nhở ông ta về lá thư của mẹ đảm bảo rằng “họ sẽ không tham gia vào vấn đề chính trị”. Và sau khi nói chuyện với ông chủ của mình, thư ký của Deng Pufang là Sun Junyi đã trả lời rằng: “Chắc chắn là không thể.”
Tôi đã cảm thấy như thể mình đã thất bại hoàn toàn. Tôi gọi cho Mẹ, và tuy rất xấu hổ nhưng tôi phải thông báo những cố gắng đã thất bại của tôi. Mẹ Têrêsa đã an ủi tôi bằng sự bình tĩnh và giọng nói dịu dàng của mẹ: mẹ chỉ lo lắng về việc các quan chức địa phương ở Hải Nam có thể bị trừng phạt mà thôi.
Một số phương tiện truyền thông của Hồng Kông đã đưa tin về toàn bộ câu chuyện, và với sự cố gắng cũng như phẫn nộ, họ muốn cho thế giới biết những gì đã xảy ra và sự không nhất quán của TQ. Họ coi đó thực sự là một vụ bê bối. Mẹ Têrêsa đã đau lòng vì chính điều này và muốn các nhà báo ngưng lại. Mẹ với trợ lý của mình trở về Calcutta, và đằng sau mẹ là một sự hối tiếc mãi mãi cho sứ mệnh giúp người nghèo TQ và cho cả tôi.
Nguyễn Đức