Thái Hà (02.12.2015) – Đài Phát Thanh Vatican cho biết, vị đại diện của Đức Thánh Cha tại hội nghị biến đổi khí hậu COP21 đã nhấn mạnh với lãnh đạo các nước rằng cần có một thỏa thuận “nghiêng về đạo đức” chứ không chỉ thỏa thuận về giới hạn phát thải carbon.
COP21, hay còn được gọi là Hội nghị khí hậu 2015 ở Paris, có mục đích tiến tới một thỏa thuận ràng buộc pháp lý và phổ quát về khí hậu, với mục đích giữ việc nóng lên toàn cầu dưới mức 2°C.
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh tại hội nghị đã liên tục nhắc tới bài phát biểu gần đây của Đức Thánh Cha tại Văn phòng Liên Hợp Quốc ở Nairobi, trong đó ngài bày tỏ hy vọng về một thỏa thuận “toàn cầu và mang tính chuyến biển tích cực”, dựa trên các giá trị đạo đức như “liên đới, công bằng, bình đẳng và sự dự phần”.
Đại diện cho Đức Thánh Cha, Đức Hồng Y nói với các tham dự viên rằng Đức Phanxicô muốn có một tài liệu ràng buộc hướng tới ba mục tiêu cụ thể: “giảm bớt những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, chiến đấu chống lại đói nghèo, và giúp cho nhân phẩm của tất cả mọi người được tôn trọng”.
Đức Hồng Y cũng nhắc tới thông điệp Laudato si gần đây của ĐTC Phanxicô, trong đó nói rằng “Một thách đố lớn lao về văn hoá, tinh thần và giáo dục đang ở trước mắt chúng ta, và thách đố này đòi hỏi rằng chúng ta cần bắt đầu bước đi trên một hành trình dài của sự đổi mới.” (Laudato si, số 202).
Ngài nói tiếp: “tất cả chúng ta đều biết rằng những người dễ bị tổn thương nhất và bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu là những người nghèo và các thế hệ tương lai…”, họ không phải chịu trách nhiệm về sự biến đổi này.
Và vì thế, Đức Hồng Y mạnh mẽ tuyên bố: “không có chỗ cho sự toàn cầu hóa vô tâm [tức không nghĩ đến các mối nguy trong tương lai]”.
Ngài nói tiếp, các nước phát triển phải làm gương cho các khu vực nghèo hơn trên thế giới, đặc biệt trong việc phát triển một nền kinh tế ít thải khí các-bon và một chương trình phát triển bền vững, bên cạnh đó cần thúc đẩy các loại năng lượng hiệu quả và có thể tái tạo.
“Những giải pháp về kỹ thuật là cần thiết nhưng chưa đủ,” Đức Hồng Y nói thêm, việc truyền đạt và hỗ trợ lối sống bền vững mới quan trọng. Người dân cần phải ý thức hơn về trách nhiệm của họ và rằng lối sống dựa trên “nền văn hóa vứt bỏ” hiện nay là không bền vững, và lối sống này không nên có chỗ trong các mô hình giáo dục mới và phát triển.
Đức Thiện