Thái Hà (10.12.2018) – HàNội – Khi tôi học ở Ireland, mỗi tuần chúng tôi đều được nhà trường tổ chức đi tham quan ngoài trời. Lần kia, chúng tôi đi thăm một tòa lâu đài bằng đá nguy nga còn rất đẹp dù được xây từ thế kỷ thứ 8. Khi vào phòng chính của tòa lâu đài, chúng tôi nhận thấy ngay giữa nhà có một cái ghế rất lạ, có chung lưng tựa nhưng có hai phần để ngồi đối diện nhau, trông tựa như hai cái ghế dựa lưng vào nhau. Đặc biệt, ở tấm dựa lưng có khoét hai cái lỗ hai bên, hơi thấp một chút. Chúng tôi không hiểu đó là cái gì, tại sao lại đặt ngay giữa phòng khách của tòa lâu đài. Người hướng dẫn du lịch giải thích rằng đây là “chiếc ghế yêu.” Nghĩa là nếu con cái nhà này có người yêu đến thăm thì đôi bạn trẻ sẽ phải ngồi ở cái ghế này, quay lưng vào nhau. Tất cả những gì họ có thể làm để bày tỏ tình yêu với nhau đó là chạm tay nhau qua hai cái lỗ được khoét sẵn kia, và dĩ nhiên là trước mặt mọi người đang ở phòng khách. Đúng là “bó tay!” cho đôi uyên ương.
Kinh nghiệm trên cho thấy là giữa chúng ta và thế giới người xưa có những rào cản và khoảng cách khiến chúng ta và người xưa khó hiểu nhau. Một bộ phim thiếu nhi tôi đã xem kể về ba chị em gái nhà quý tộc kia sống vào thế kỷ 17 bị chết trong một tai nạn xe ngựa. Vì thương cả ba còn quá trẻ nên một bà tiên đã hóa phép cho cả ba sống lại và cả ba trở về tòa nhà của họ. Thế nhưng bối cảnh của phim là thế kỷ 21 và tòa nhà của ba chị em đang là nhà trường cấp II. Mọi chuyện thú vị hài hước xảy ra khi ba chị em này nhìn thấy đồ đạc và con người thế kỷ 21. Các học sinh cũng cười nhạo ba chị em vì những “ngớ ngẩn” của họ, ví dụ không biết sử dụng computer hoặc internet, thậm chí cô chị lớn còn đội chiếc áo ngực lên đầu như một chiếc … mũ!
Những rào cản và khoảng cách như trên cũng xuất hiện khi chúng ta đọc và giải thích bản văn Kinh Thánh. Dù việc giải thích là chuyện rất thông thường trong đời sống hằng ngày nhưng cũng có những ngành nghề có những tài liệu đòi hỏi sự giải thích chuyên nghiệp. Cụ thể là vì bản chất đặc biệt của tài liệu đó. Do bản chất đặc biệt của bản văn Kinh Thánh, ngành giải thích Kinh Thánh thuộc về phạm trù của ngành giải thích chuyên nghiệp. Đọc và hiểu Kinh Thánh khác với đọc và hiểu lá thư của bạn bè, bài báo ở tạp chí hoặc tiểu thuyết hiện đại hoặc truyện ngắn, hoặc quảng cáo. John H. Hayes và Carl R. Holladay đề ra bảy yếu tố khiến cho tiến trình giải thích trở nên phức tạp và chúng ảnh hưởng đến việc giải thích Kinh Thánh. Trong bài này, chúng ta cùng xem xét ba yếu tố đầu tiên.
“Người thứ ba”
Thông thường, người giải thích bản văn không phải là đối tượng gốc hoặc tiên khởi của sự kiện thông tri. Nghĩa là người giải thích không phải là người gửi cũng chẳng là người nhận mà là “người thứ ba.” Theo nghĩa nào đó, người thứ ba là người ngoài cuộc, người quan sát hoặc thậm chí là “người xâm phạm.” Các lá thư hoặc email chẳng hạn sẽ trở nên khó hiểu hơn đối với người thứ ba. Trong hoàn cảnh đó, những đối tượng của sự kiện thông tri gốc có thể hoàn toàn “bí ẩn” đối với người giải thích. Nhìn chung, các tài liệu sẽ được hiểu tốt hơn nếu người gửi có một số kiến thức trước về người nhận và người nhận có sự thân quen trước với người gửi. Điều này giúp cho người gửi giả thiết cách thức thông tri sẽ được đón nhận và hiểu, từ đó người gửi sẽ biết cách uốn nắn cách cách diễn đạt của mình sao cho việc thông tri được hiệu quả. Tương tự, người nhận cũng có thể có những giả thiết về người gửi để hiểu tốt hơn cả nội dung lẫn hình thức thông tri.
Ví dụ, trước khi viết những bài này, tôi giả thiết người đọc là những người có khái niệm chung chung về Kinh Thánh, chứ không phải là các giáo sư Kinh Thánh hoặc người ngoại đạo. Do đó, tôi tìm cách trình bày thật đơn giản, dễ hiểu, tìm nhiều ví dụ thông thường để giải thích vấn đề. Việc người đọc không có kiến thức về tôi có thể ảnh hưởng đến việc thông tri, nhưng nhìn chung không đáng kể, vì như bài trước đã nói, chúng ta đang chia sẻ chung một thế giới ngôn ngữ là tiếng Việt, các khái niệm chung và các kinh nghiệm chung của thế giới hôm nay. Nếu giải thích bản văn cổ xưa với một thế giới khác thì sẽ khó hiểu hơn nhiều. Còn như các bạn và tôi ở đây thì việc thông tri xảy ra chủ yếu giữa bản văn và người đọc nhìn chung là dễ dàng.
Trở lại “người thứ ba.” Để hiểu việc thông tri giữa người gửi và người nhận, “người thứ ba” phải tìm cách “hóa thân” vào vị trí của cả người gửi lẫn người nhận. Người giải thích phải cố đọc tài liệu đó “như thể” họ vừa là người gửi vừa là người nhận. Điều này đòi người giải thích phải tìm kiếm các thông tin về cả người gửi lẫn người nhận cũng như các hoàn cảnh của họ. Khi nội dung hoặc hình thức của tài liệu càng chuyên môn, độc đáo và không rõ thì tiến trình tìm kiếm này càng đòi hỏi nhiều cố gắng hơn.
Áp dụng vào giải thích Kinh Thánh
Yếu tố “người thứ ba” cũng xuất hiện trong việc giải thích Kinh Thánh. Không có bản văn Kinh Thánh gốc nào được viết để ngỏ lời với người đọc và người giải thích sống trong thời đại hôm nay. Không ai trong chúng ta “có phần” trong những sự kiện thông tri gốc với tư cách người gửi hoặc người nhận. Các thư của thánh Phaolô chẳng hạn, đã được viết cho người sống tại các thành Rôma, Galát, Côrintô,… Người giải thích như chúng ta hôm nay vì vậy đang đọc những lá thư của người khác. Các sách của thánh Luca cũng được viết cho ông Theophilus, chứ không phải trực tiếp cho chúng ta hôm nay. Những minh họa này cho thấy rằng khi chúng ta giải thích Kinh Thánh, chúng ta là những người thứ ba “đột nhập” vào cuộc trao đổi giữa hai người khác và chúng ta mang những quan niệm của người thứ ba, “người ngoài cuộc.”
Rào cản ngôn ngữ
Các tài liệu cổ xưa đã được biên soạn bằng những ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của người giải thích hôm nay. Đây là rào cản ngôn ngữ. Vì mỗi ngôn ngữ có cấu trúc, văn phạm và từ vựng đặc thù, người bên ngoài khó có thể đạt được sự nhuần nhuyễn như người bản xứ. Một bản dịch cũng đã là một một sự giải thích bởi vì một bản dịch không bao giờ chỉ là một sự chuyển ngữ chính xác từng từ một. Sự giải thích của một bản dịch có thể được gọi là “giải thích ở cấp độ thứ hai.” Giải thích cấp độ thứ nhất là giải thích của đối tượng gốc, dù đó là người nói hoặc nghe hoặc những ai có đủ kiến thức về ngôn ngữ gốc. Cái xuất hiện trong bản dịch chính là những gì dịch giả hiểu về bản gốc. Cấp giải thích thứ nhì đi vào bức tranh khi người giải thích tìm kiếm nội dung của bản gốc để dịch. Dù bản dịch giúp nối kết khoảng cách giữa ngôn ngữ này với ngôn ngữ khác nhưng nó không bao giờ có thể nối kết hoàn toàn.
Áp dụng vào giải thích Kinh Thánh
Yếu tố rào cản ngôn ngữ cũng có trong việc giải thích Kinh Thánh. Không có bản văn Kinh Thánh gốc nào được biên soạn bằng các ngôn ngữ hiện đại. Cựu Ước được viết bằng tiếng Hípri và Aram, còn Tân Ước thì tiếng Hy Lạp. Ngay cả người Israel và người Hy Lạp hôm nay dù nói tiếng Hípri và Hy Lạp cũng thừa nhận ngôn ngữ Kinh Thánh không như ngôn ngữ hôm nay họ đang sử dụng. Vì vậy, tất cả các nhà chú giải hiện đại, khi giải thích Kinh Thánh, đều vấp phải vấn đề rào cản ngôn ngữ.
Khoảng cách văn hóa
Các tài liệu cổ đã được biên soạn trong một bối cảnh văn hóa xa xưa và được giải thích trong một bối cảnh văn hóa hôm nay. Điều này gây ra nhiều vấn đề cho người giải thích. Có hai lý do. Trước hết, tài liệu có thể minh nhiên nói về những ý tưởng, phong tục, thực hành mà người đọc của nền văn hóa gốc có thể hiểu dễ dàng và rõ ràng, nhưng người của nền văn hóa khác thì không thể. Thứ hai, việc thông tri trong một nền văn hóa thường có sẵn một khung hiểu biết văn hóa chung. Cái vốn chung về kinh nghiệm, thế giới quan và quan niệm này nằm phía sau bản văn thì người bên ngoài như chúng ta hôm nay không thể nào có chung được. Ngoài ra, cũng có sự khác biệt trong cách nói cách viết về một chuyện nào đó cũng như cách đọc và giải thích quen thuộc sẵn có. Ví dụ có nền văn hóa khi kể chuyện luôn phải kể kẻ ác trước rồi sau đó mới đến anh hùng. Nhìn chung, nền văn hóa trong tài liệu càng xa lạ bao nhiêu thì người giải thích càng gặp phải nhiều khó khăn bấy nhiêu.
Áp dụng vào giải thích Kinh Thánh
Khoảng cách văn hóa xuất hiện rất rõ trong việc giải thích Kinh Thánh. Người đọc Kinh Thánh hôm nay và người đọc Kinh Thánh gốc xa xưa bị phân cách bởi một khoảng cách văn hóa rất lớn. Nền văn hóa của Kinh Thánh là nền văn hóa của thế giới Địa Trung Hải cổ xưa nói chung và xứ Palestine nói riêng. Chúng ta chỉ cần lưu ý một vài đặc tính chung của văn hóa Kinh Thánh để thấy sự khác biệt của nó so với văn hóa hiện đại của chúng ta: Những cấu trúc xã hội tìm thấy trong Kinh Thánh là gia trưởng quyền bính. Hệ thống kinh tế chính là làng xã và nông nghiệp. Y khoa sơ sài. Máy móc lạc hậu. Nô lệ tràn lan. Tử xuất nói chung cao, đặc biệt là trẻ thơ. Giao thông chậm chạp và khó khăn. Cuộc sống nói chung khá đơn giản và ổn định, ít thay đổi. Đời người xoay theo vòng thiên nhiên và khí hậu. Giải trí giới hạn. Chiếu sáng nhân tạo chưa có. Thú vật bị giết và thiêu trên bàn thờ trong nghi lễ thờ phượng. Người ta tin rằng thần linh, tốt lẫn xấu, đều tham dự vào dòng chảy cuộc sống và lịch sử. Nhìn chung, tất cả đều quá xa lạ với cuộc sống hiện đại thời @ của chúng ta hôm nay.
Lm. JM. Mười Một, CSsR
Đọc thêm:
1. Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (1)
2. Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (2): Việc giải thích trong đời sống hằng ngày
3. Tìm hiểu cách đọc Kinh Thánh (3): Việc giải thích trong các ngành chuyên môn