Theo báo cáo lần thứ XVI của tổ chức Trợ giúp các Giáo hội Đau khổ, được trình bày ngày 22/6/2023 tại Toà Đại sứ Ý cạnh Toà Thánh, hơn 60 quốc gia trên thế giới có các hình thức đàn áp hoặc phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo và ở hầu hết các quốc gia này, tình hình vào năm 2022 trở nên tồi tệ hơn so với năm trước. Ước tính có tổng cộng 325 triệu Kitô hữu bị bách hại.
Bách hại ngày càng gia tăng
Quyền tự do tôn giáo cơ bản của con người bị vi phạm ở 1/3 các quốc gia trên thế giới (31%). Tổng cộng, gần 4,9 tỷ người, tương đương 62% dân số thế giới, sống ở các quốc gia mà quyền tự do tôn giáo bị hạn chế nghiêm trọng. Cuộc đàn áp vì lòng căm thù đức tin nói chung đã trở nên tồi tệ hơn, và việc những kẻ bắt bớ không bị trừng phạt ngày càng phổ biến.
Nghiên cứu bao gồm khoảng thời gian từ tháng 1/2021 đến tháng 12/2022. Tại 49 quốc gia nơi các vi phạm được báo cáo, các chính phủ đàn áp công dân của họ vì lý do tôn giáo mà ít có phản ứng từ cộng đồng quốc tế. Trong hàng ngũ những kẻ bách hại chính, ngoài các chính phủ độc tài còn có chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và chủ nghĩa dân tộc tôn giáo sắc tộc.
Các quốc gia nguy hiểm nhất đối với tự do tôn giáo
Trong Báo cáo, 28 quốc gia bị đánh dấu màu đỏ, biểu thị những nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với việc tự do thực hành tôn giáo. 33 quốc gia khác có màu cam, cho thấy mức độ phân biệt đối xử cao.
Châu Phi tiếp tục là lục địa bạo lực nhất, với sự gia tăng các cuộc tấn công của các phần tử thánh chiến khiến tình hình tự do tôn giáo càng trở nên đáng báo động. Gần một nửa số “quốc gia nóng” theo Báo cáo, tức là 13 trên 28, là ở Châu Phi.
Trung Quốc và Bắc Triều Tiên vẫn là hai quốc gia châu Á vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất, bao gồm cả tự do tôn giáo. Nhà nước thực hiện kiểm soát hoàn toàn ở đó thông qua giám sát và các biện pháp đàn áp cực đoan đối với người dân.
Báo cáo cũng rất chú ý đến Ấn Độ, nơi mức độ đàn áp đang gia tăng, thông qua việc áp đặt chủ nghĩa dân tộc tôn giáo nguy hiểm, đặc biệt có hại cho các nhóm tôn giáo thiểu số. Luật chống cải đạo đã được thông qua hoặc đang được xem xét tại 12 trong số 28 bang của Ấn Độ; các quy định này đưa ra các bản án lên đến mười năm tù và bao gồm các lợi ích tài chính cho những người cải đạo hoặc trở lại tôn giáo đa số.
Các vụ ép buộc cải đạo, bắt cóc và bạo lực tình dục (bao gồm cả nô lệ tình dục) không hề giảm trong giai đoạn hai năm được xem xét, ngược lại chúng vẫn bị lực lượng cảnh sát địa phương và các cơ quan tư pháp phớt lờ, như trường hợp ở Pakistan, nơi những người trẻ Kitô giáo và Ấn giáo. Họ thường bị bắt cóc và bị cưỡng ép kết hôn.
Bách hại tư tưởng, lương tâm
Cuối cùng, Báo cáo tố cáo những hạn chế ngày càng tăng đối với quyền tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo ở các quốc gia thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE). (CSR_2459_2023)
Hồng Thủy – Vatican News