Hỏi: Xin Cha giải thích tại sao có sự dữ, sự đau khổ hoành hành trong trần gian này, và ý nghĩa của những đau khổ và sự dữ đó?
Trả lời:
Sự dữ (evil) và đau khổ là những thực tế hiển nhiên trong cuộc sống con người trên trần thế này. Ở khắp mọi nơi và mọi thời đại, con người luôn gặp phải những tai ương như bệnh tật, nghèo đói, bóc lột, bất công xã hội, oán thù, ghen ghét, đau khổ tinh thần và thể xác, chiến tranh, thiên tai: bão lụt, động đất, sóng thần (Tsunami) và nay là nạn khủng bố gây chết chóc, đau thương cho con người ở những nơi xảy ra tai họa này,…
Có điều nghịch lý và khó hiểu là tại sao những kẻ bất lương gian ác, làm những việc vô đạo, vô luân như bóc lột, lừa đảo, mở sòng bài, nhà điếm, buôn bán phụ nữ và trẻ em để cung cấp cho bọn bất lương hành ghề mãi dâm và ấu dâm rất khốn nạn, sản xuất phim ảnh dâm ô, bạo động, giết người…tất cả lại phát đạt, giầu sang, khoẻ mạnh, trong khi quá nhiều người lương thiện, đạo đức, bác ái lại nghèo khó, bệnh hoạn, và nhiều khi còn gặp những tai họa bất ngờ?
Cụ thể, một xe buýt chở giáo dân Houston đi dự Đại Hội Thánh Mẫu ở Carthage, Missouri tháng 8 năm 2008 đã gặp đại nạn khiến hàng chục người chết và bị thương nặng, gây đau khổ lớn lao cho các gia đình nạn nhân; trong khi các xe bus hoặc phi cơ chở người đi đánh bạc hàng ngày ở Lousiana, Baloxi, Las Vagas, và du hí tội lỗi bên Cancun (Mexico) và Jamaika thì chưa hề gặp tai nạn tương tự !
Đứng trước thực tế này, nhiều người đã tự hỏi: có Thiên Chúa cực tốt cực lành hay không, và nếu có, thì tại sao Người lại để cho những sự dữ đó xẩy ra và làm khổ cho người ngay lành như vậy?
Để trả lời cho vấn nạn này, trước hết, là người tín hữu Chúa Kitô, chúng ta phải tin chắc chắn có Thiên Chúa là tình thương, công bằng và vô cùng tốt lành.
Tuy nhiên, tại sao có sự dữ, có đau khổ trong trần gian này, thì không ai có thể hiểu thấu lý do được.
Thánh Augustinô (354-430) đã cố tìm hiểu lý do tại sao có những sự dữ nói trên, nhưng ngài cũng không tìm được và đành thú nhận như sau:
“Tôi cố tìm xem do đâu mà có sự ác và tôi đã không thấy được câu giải đáp.” (x. Confessions.7:7,11).
Thánh Phaolô cũng phải nhìn nhận sự dữ là một bí nhiệm không ai hiểu được: “Thật vậy bí nhiệm( mystery) của sự gian ác đang hoành hành.” (2 Tx 2,7)
Dầu vậy, dù sự dữ là một bí nhiệm , nhưng qua đức tin và nhờ giáo lý và Kinh Thánh chỉ dẫn, chúng ta có thể tạm hiểu lý do vì sao có sự dữ, sự đau khổ trên trần thế này như sau:
Trước tiên, sự dữ là hậu qủa của tội lỗi, của việc con người tự do chọn lựa đi đường sai trái như Thánh Phaolô đã viết: “Chẳng có ai có lương tri, chẳng có ai kiếm tìm Thiên Chúa. Người người đã lià xa chính lộ chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi; chẳng có một ai làm điều thiện, dẫu một người cũng không.” (Rm 3:11-12).
Giáo lý của Giáo Hội cũng dạy rằng: “Sự thật thì họ (các thiên thần và loài người) đã phạm tội, do đó mà sự dữ về luân lý đã đi vào thế gian, tai hại không thể lường được so với sự ác thể lý. Thiên Chúa không hề là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp của sự dữ này. Tuy nhiên Ngài cho phép xảy ra vì tôn trọng tự do của các tạo vật Ngài đã dựng nên, và một cách bí nhiệm, Ngài biết lấy điều thiện ra từ sự ác.” (x.SGLGHCG, số 311)
Nói rõ hơn, vì con người đã sử dụng lý trí và ý chí tự do (intelligence and free will) của mình để làm điều sai trái nên sự dữ, sự đau khổ phải là hậu quả tất nhiên của ý muốn tự do mà con người đã và đang sử dụng để làm những điều gian ác, nghịch với Chương trình và Ý muốn của Thiên Chúa, Đấng luôn mong muốn cho con người được hạnh phúc. Thiên Chúa biết sự dữ làm khổ mọi người trên trần gian này, nhưng Ngài đã không can thiệp để ngăn cản vì trước hết, Ngài phải tôn trọng ý muốn tự do mà Ngài đã ban cho, khi tạo dựng con người khác biệt với mọi tạo vật khác.
Chính vì con người có lý trí để hiểu biết và có tự do để lựa chọn nên quá nhiều người đã chọn lựa những cách sống đưa lại những hậu quả khốc hại cho mình và cho người khác. Cụ thể, có những người muốn tự do lái xe theo ý riêng của mình, bất chấp luật lệ lưu thông, nên đã gây ra biết bao tai họa cho chính họ và cho bao nhiêu người vô tội khác hàng ngày trên các đường phố, xa lộ ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Việt Nam, nơi xảy ra tai nạn lưu thông nhiều nhất thế giới, vì người lái các loại xe không tôn trọng luật lưu thông để lái xe theo ý muốn của riêng mình !
Trong đời sống gia đình, tự do ly dị và phá thai đã đưa đến hậu quả phá vỡ hạnh phúc gia đình, chấn thương tâm lý cho người mẹ và gây đau khổ cho vợ chồng và con cái. Tự do hút thuốc, sử dụng ma tuý và rượu mạnh đưa đến ung thư và bao bệnh tật liên hệ khác. Tự do cờ bạc đỏ đen đưa đến phá sản, tội lỗi và đau khổ cho biết bao cá nhân và gia đình.
Đặc biệt, vì tham vọng chính trị, quyền hành và muốn vơ vét của cải tiền bạc, nên những thế lực cầm quyền ở khắp nơi đã và đang tạo ra bất công, bóc lột nghèo đói cho người dân, chẳng may rơi vào .ách thống trị của họ…
Như thế , đau khổ và mọi sự dữ là hậu qủa của những chọn lựa sai lầm, mù quáng của con người gây ra cho chính mình và cho người khác là nạn nhân trong đó có biết bao người lành, vô tội.
Dầu vậy, đau khổ và sự khổ cũng được xem như là những phương thế hữu hiệu mà Thiên Chúa đã dùng để thử thách và tôi luyện những tôi tớ trung tín được Người ưu tuyển như Abraham, Tobia và nhất là Gióp, người hiền đức mà phải chịu biết bao đau khổ khi Thiên Chúa tha phép cho Satan hành hạ ông, để mong lôi kéo ông ra khỏi tình yêu của Chúa. Những đau khổ lớn lao mà ông Gióp đã phải chiu là: con cái bỗng chốc bị thiên tai lăn ra chết hết, tài sản kếch xù phút chốc cũng tiêu tan và cuối cùng bản thân ông còn bị chứng ung nhọt đau đớn từ bàn chân lên đến đỉnh đầu. Nhưng ông không một lời than trách Chúa. Ngược lại ông còn ca ngợi Chúa như sau:
“Thân trần truồng sinh ra từ lòng mẹ
Tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng
ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi
Xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA (G 1:21)
Chính vì lòng kiên trung yêu mến Thiên Chúa hết lòng trước moi khốn khó, thử thách lớn lao nên ông Gióp đã được Thiên Chúa khen ngợi, đền bù lại gấp đôi tài sản ông đã mất, lại cho ông sinh được bảy con trai và ba gái xinh đẹp và sống thọ thêm 145 năm nữa! (G 42: 10-16)
Thánh Phêrô cũng dạy rằng những đau khổ mà chúng ta phải chịu trong cuộc sống trên trần thế này là những thử thách nhằm tinh luyện đức tin và lòng mến Chúa của mỗi người tín hữu chúng ta:
“Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là những thứ quý hơn vàng gấp bội. Vàng là của phù vân mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi và đem lại vinh quang, danh dự. Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin…” (1Pr 1: 6-8)
Mặt khác, một điều khó hiểu nữa là tại sao những kẻ gian ác, vô nhân, vô học, vô đạo ở khắp nơi trên thế giới lại có thể chiếm được địa vị cầm quyền để bách hại nhân dân chẳng may rơi vào lưới cai trị khắc nghiệt của họ, trong khi những người tài đức thì không được trọng dụng, không có cơ may để cai trị và phục vụ cho công bình, bác ái tự do và dân chủ thực sự như lòng người mong muốn?
Tại sao Thiên Chúa không tiêu diệt ngay những kẻ gian ác này cho vơi đi nỗi thống khổ của biết bao triệu người không may phải sống dưới ách cai trị độc ác của chúng?
Để trả lời cho câu hỏi này, dụ ngôn cỏ lùng trong Tin Mừng Thánh Matthêu phần nào cho ta biết lý do vì sao Chúa vẫn để cho kẻ dữ, kẻ gian ác sống chung hay cai trị người lành. Những kẻ dữ đó được ví như đám cỏ lùng mọc chen lẫn với những cây lúa tốt tượng trưng cho những người ngay lành, lương thiện ở khắp nơi trên thế giới.
Nhưng đến mùa gặt, tức ngày sau hết, chủ ruộng sẽ bảo thợ gặt: “hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho ta.” (Mt 13 :30)
Sau hết, Kinh Thánh cũng soi sáng thêm cho ta hiểu lý do vì sao có sự dữ, kẻ ác sống lẫn với người lành để từ thực tế này Thiên Chúa có thể biến sự dữ thành sự lành lớn lao hơn. Đó là trường hợp ông Giuse, con Ông Giacóp, bị các anh toan giết rồi bán cho lái buôn đem sang Ai Cập (x St 37). Nhưng Thiên Chúa đã biến sự dữ này thành sự thiện to lớn hơn sau đó, khi Giuse cứu cả gia đình dòng họ sang Ai Cập thoát nạn đói đang hoành hành bên quê hương. Như thế, chính Thiên Chúa đã cứu gia đình ông Giacóp qua tay Giuse nhân sự độc ác của các anh như Giuse đã nói với họ: “Không phải các anh đã gửi em đến đây nhưng là Thiên Chúa. Người đã đặt em làm cha của Pharaôn, làm chúa tất cả triều đình và làm tể tướng trên khắp cõi Ai Cập.” (St 45:8).
Trong tinh thần đó và và quan trọng hơn hết, là chính Chúa Giêsu đã biến sự dữ, những đau khổ mà Người đã vô cớ phải chịu vì âm mưu độc ác của bọn biệt phái, luật sĩ, kỳ mục và trưởng tế Do Thái thành sự lành lớn lao nhất là cứu cho cả nhân loại khỏi chết vì tội và được hy vọng sống hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa trong Nước Trời.
Đây chính là điều mà Giuse đã nói với các anh của ông khi các người này đến xin lỗi ông về tội định ám hại ông trước kia: “Các anh định làm điều ác cho em nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xẩy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo.” (xSt 50:20)
Bọn luật sĩ và trưởng tế Do Thái đánh đập và đóng đanh Chúa Giêsu, Người lành vô tội, nhưng Thiên Chúa đã biến sự dữ, sự bất công này thành “suối ơn cứu chuộc” cho muôn dân, vì “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời.” (Col, 1:20). Như thế, tình thương yêu tha thứ và bản chất thiện hảo của Thiên Chúa vẫn lớn hơn mọi sự dữ, độc ác nhất của con người trên trần gian này.
Tóm lại, sự dữ, sự đau khổ là điều không ai mong muốn, không ai hiểu thấu lý do, nhưng không ai tránh được trong cuộc sống này. Nó quả là một bí nhiệm. Tuy nhiên sự kiện Chúa Giêsu không tránh âm mưu độc ác của con người và vui lòng chịu đau khổ thập giá để cứu chuộc nhân loại đã cho ta thấy giá trị cứu độ của sự đau khổ và khôn ngoan của Thiên Chúa khác với khôn ngoan của loài người.
Chúa Giêsu không tự ý đi tìm thập giá để vác.Trong đêm bị nộp vì Giuđa phản bội, Người đã xin với Chúa Cha: “cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha”. (Lc 22:42).
Như thế, chúng ta cũng không được kiêu căng muốn lập công với Chúa bằng cách đi tìm đau khổ để chịu, như đau ốm không cần thuốc men, lười biếng không muốn đi làm để được nghèo khó, hay không thận trọng khi lái xe để gây ra tai nạn cho mình và cho người khác.v.v. Nếu cố ý làm những việc này thì không những là phạm tội trông cậy Chúa cách mù quáng mà còn không được công phúc gì nữa.
Nói khác đi, chúng ta phải hết sức xa tránh mọi nguy cơ gây đau khổ cho mình và cho người khác, nhất là phải xa tránh tội lỗi vì đây chính là nguyên nhân của mọi sự dữ và đau khổ cho con người.
Nhưng khi những đau khổ, sự dữ, sự khó xẩy ra ngoài ý muốn và đề phòng của ta, thì phải chăng đó là những “thập giá” mà Chúa Giêsu muốn chúng ta vác chung với Chúa như Người đã nói với các môn đệ xưa kia: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16:24)
Không ai muốn vác thập giá, nghĩa là chịu đau khổ như bệnh tật, nghèo nàn , và tai ương bất ngờ xẩy ra, nhưng đó lại là những thập giá mà Chúa muốn chúng ta vác để đi theo Người vào cõi sống vĩnh cửu; như Người đã vui lòng chịu mọi khốn khó, đau khổ và vác thập giá để bị đóng đanh và chết trên đó để cứu chuộc cho chúng ta khỏi chết đời đời vì tội.
Nếu không có công nghiệp cứu chuộc cực trọng này của Chúa Kitô thì tuyệt đối không ai được cứu rỗi để vào Nước Trời vui hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với Chúa, sau khi phải chết đi trong thân xác có ngày phải chết đi này
Như vây ,đau khổ là phương tiện cứu rỗi hữu hiệu mà Thiên Chúa đã thi hành nhờ Chúa Kitô, Đấng đã “hy sinh mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người,”( Mt 20:28) Ước mong những lời giải đáp trên đây thoả mãn phần nào thắc mắc về lý do tồn tại của sự dữ, sự đau khổ và ý nghĩa của những sự dữ này trong đời sống con người trên trần thế
Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn