Thái Hà (26.08.2016) – Văn học Việt Nam từ xa xưa đã tốn bao giấy mực để viết về phẩm giá và thân phận người phụ nữ. Phẩm giá thật cao quý thuộc loại “mai cốt cách, tuyết tinh thần”. Tuy nhiên, thân phận họ thì hẩm hiu, thiệt thòi, thấp mọn, hay lam hay làm. Họ thầm lặng như những cái bóng nhưng đẹp lung linh với các nhân đức cao quí như vị tha, hy sinh, chịu khó…
Phụ nữ Việt Nam ngày xưa là nạn nhân của các tư tưởng phong kiến mang tính cách áp đặt như “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô” (một con trai kể là có, mười con gái có cũng như không), “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Là phụ nữ thì không được học hành, không được tham gia “việc làng, việc nước”, nhưng phải gồng gánh việc gia đình và nuôi chồng, nuôi con ăn học (như bà Tú Xương “nuôi đủ năm con với một chồng”!). Những tư tưởng ấy, nói chung, “trói chân” người phụ nữ trong nhà, không cho chị em ra ngoài xã hội hoạt động.
Phụ nữ ngày nay đã khác. Họ được giải thoát khỏi những tư tưởng phong kiến nói trên, được bình đẳng, bình quyền với nam giới. Họ muốn thể hiện thực lực, tài năng, muốn chứng tỏ mình không thua kém nam giới. Điều đó phù hợp với GHXHCG khi đề cập đến sự bình đẳng nam và nữ về phẩm giá, vì cả hai đều nằm trong chương trình tạo dựng của Thiên Chúa. Thực tế, người phụ nữ thành đạt trên nhiều lãnh vực, từ văn hóa, chính trị, xã hội cho đến kinh tế, nghệ thuật.
Thế nhưng, người phụ nữ hiện đại vẫn phải gánh chịu những “xót xa” với đặc điểm cũng rất hiện đại. Một mặt, xót xa vì ở một khía cạnh nào đó, họ vẫn bị tước đoạt tự do và bị xúc phạm nhân phẩm. Nhưng mặt khác, xót xa là do sử dụng sai tự do của mình, không biết “gìn vàng giữ ngọc cho hay” nghĩa là biết trân trọng phẩm giá và thiên chức của mình.
Xét từ phía tác động của xã hội, trước hết phải kể đến những khía cạnh “tế nhị”: phụ nữ thường bị xâm hại và quấy rối tình dục nơi công sở, bị các sếp nam o ép đổi chác. Nếu làm ở khâu ngoại giao, phụ nữ dù không muốn cũng phải tập uống bia rượu, và lắm lúc đành phải chấp nhận một cách miễn cưỡng để “trôi việc”, chỉ vì miếng cơm manh áo.
Mặt khác, ngày nay cái thiên chức làm mẹ thiêng liêng của phụ nữ cũng bị tổn hại nghiêm trọng: bị chế tài khi sinh con thứ ba; bị lừa dối, thuyết phục phá PHỔ BIẾN GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO 21 thai vì thai nhi não úng thủy, mắc hội chứng Down v.v… nhưng thực ra thai nhi hoàn toàn lành mạnh (nhằm thực hiện chủ trương kế hoạch hóa gia đình, để mỗi gia đình chỉ được có một đến hai con); bị từ chối nhận vào làm việc trong giai đoạn trước và sau khi sinh con vì các công ty ngại nhận nhân viên làm việc kém hiệu quả trong khi phải hỗ trợ phụ nữ mang thai hoặc có con bú. Có những nữ công nhân sợ bị mất việc, đành phải dùng khăn quấn bụng để dấu bào thai, đến ngày “khai hoa nở nhụy” thì nghỉ phép một tuần để “sinh lén” (?) rồi đi làm lại!
Thành kiến trọng nam khinh nữ thực ra vẫn ẩn tàng mạnh mẽ trong xã hội. Người ta dễ dàng chấp nhận và bỏ qua chuyện đàn ông trăng hoa, nhưng không thể tha thứ cho người phụ nữ ngoại tình. Người ta truy bắt, rồi tìm cách sỉ nhục trên các phương tiện truyền thông đại chúng, thậm chí tống giam những phụ nữ bán dâm, nhưng lại không công bố danh tính những người mua dâm vì nhân phẩm và thanh danh gia đình của họ (?!).
Về phía người phụ nữ, việc họ muốn được bình đẳng nhân phẩm là đúng, nhưng thật gay go nếu phụ nữ không nhận ra hoặc không muốn chấp nhận rằng Tạo Hóa đã dựng nên người nam và người nữ với những đặc điểm thể chất và tâm lý khác biệt, có những thiên chức khác nhau để hoàn thành những sứ mệnh thiêng liêng của ơn gọi làm người. Không thể hiểu bình đẳng nam nữ theo kiểu cào bằng, đàn ông làm được, phụ nữ cũng làm được, như kiểu hút thuốc, uống rượu và những cái đại loại như thế. Trong thực tế, cách nghĩ này đã dẫn đến không ít cảnh đổ vỡ nơi nhiều gia đình.
Báo chí gần đây nổi đình nổi đám với mấy vụ “chân dài” hoa hậu, người mẫu làm gái bán dâm cao cấp, bị phanh phui tù tội, mất hết tiền đồ thanh danh, trong khi các “quý ông” thì vẫn “hạ cánh an toàn”! Nghĩ xót xa thay. Với nhan sắc thiên phú cộng với danh tiếng đạt được, bằng “con đường ngay” trong nghệ thuật họ cũng sẽ thăng tiến danh lợi, đâu cần phải “dục tốc” bằng mọi giá để rồi trở thành con mồi cho những kẻ lắm tiền săn đuổi.
Thỉnh thoảng trên đường phố, người đi đường lại giật mình với cái kiểu “marketing” hết sức phản cảm: các “teen girl”mặc đồ gần như hai mảnh, nhảy nhót mời chào khách hàng trước những cửa hiệu. Vì họ túng bấn, ngây ngô, hay vì họ thấy điều đó quá bình thường? Đến đây lại gợi nghĩ đến những cô gái chân quê tội nghiệp, chỉ vì ước mơ thoát nghèo và một viễn cảnh tốt lành nơi chân trời lạ, mà họ xếp thành hàng dài cho các “chú rể” Đài Loan, Hàn Quốc sờ nắn, lật tới, xoay lui để lựa như một món hàng. Thương thay! Phải chăng cảnh bần cùng tăm tối của cuộc sống, cộng với một mớ văn hóa hỗn loạn vô minh của xã hội, đã làm cho con người mất (hay không có?) phương hướng, không còn nhận ra phẩm giá thiêng liêng của mình?
Lại càng xót xa hơn, khi mà những tiếng “thiên chức làm mẹ” hay “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” dường như không còn vang lên thiêng liêng trong lòng người phụ nữ Việt Nam thời hiện đại nữa – nhất là đối với giới trẻ. Nghĩ gì về những hài nhi bị mẹ nó vứt bỏ, nghĩ gì về nhãn hiệu “cường quốc phá thai” và những “bà mẹ teen” mà đã đôi ba lần phá thai, rồi lên “nghĩa trang anh hài online” (nghĩa trang ảo) “than khóc, thắp hương, đốt nến” cho những ngôi mộ ảo, gọi con bằng những cái tên cũng rất… teen?!
Vì đâu nên nỗi?
Phải chăng, đó là sản phẩm được tạo ra từ những hệ lụy của gia đình và xã hội, được dung nạp với ý muốn cá nhân? Hay phải chăng, là do lối sống vừa buông thả theo cái tự do tân trào của thời đại, vừa không chống lại nổi cái cám dỗ mãnh liệt của bản năng xác thịt, của ảo vọng và tiền bạc, cộng thêm những điều kiện chào mời quá thuận tiện của xã hội, mà một bộ phận phụ nữ ngày nay đã để cho những đám mây tội lỗi làm khuất mờ nhân phẩm và thiên chức cao trọng của mình???
Còn nhiều và nhiều điều nữa, không kể hết.
Điểm mặt chỉ tên những xót xa này, người viết không ngụ ý ta thán xã hội hay trách hờn người phụ nữ, mà chỉ mong họ được đón nhận với tâm tình nâng đỡ, công bằng và trân trọng hơn. Bởi còn đó những gian nan khó có thể san bằng một sớm một chiều đang chờ đón người phụ nữ trong xã hội và ngay trong chính đời sống gia đình, mà họ thì lại đang “bơi” trong một dòng lũ mịt mùng, hung tợn của xã hội đương đại với những hình thái méo mó.
Ước gì những bạn nữ trẻ tuổi hôm nay, trong cái tất bật hăng say, hối hả của cuộc sống, cũng dừng lại để ngắm nhìn và suy gẫm những nỗi xót xa của thời đại mà chính các bạn, nếu không ‘tỉnh thức và cầu nguyện’ sẽ trở thành nạn nhân của những gì chúng tôi viết ở trên. Cũng xin bạn hãy biết trân trọng “Công Dung Ngôn Hạnh”, nhiều người cho bốn nét đẹp này là của người xưa, là “cổ lỗ sĩ”, thực ra, chúng đã được chứng thực và có giá trị qua hàng ngàn năm, làm nên phẩm giá người phụ nữ Việt Nam
Mẩu Bút Chì
Nguồn: Tập san Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, số 2