Cáo phó: Ông cố Giuse Trần Minh Quang, thân phụ Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT

“Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu,

kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó.” (Ga 12,26)

CÁO PHÓ

ÔNG CỐ GIUSE TRẦN MINH QUANG

sinh ngày 25.12.1938 tại Hà Nội, đã được Chúa gọi về lúc 4g15, Thứ Hai ngày 22.03.2021, hưởng thọ 83 tuổi.

 – Nghi thức tẩn liệm: 15g00 Thứ Hai ngày 22.03.2021 17/185 đường Phùng Khoang, P. Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội – Sau nghi thức tẩn liệm là lễ viếng và cầu nguyện.

 – Thánh lễ an táng: 8g00 Thứ Tư ngày 24.03.2021 tại thánh đường Giáo xứ Phùng Khoang, TGP. Hà Nội.

Kính xin Quý Cha, Quý Thầy, Quý Soeur và anh chị em cầu nguyện cho Ông Cố Giuse sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa.

 T/M Gia Đình

Bà Cố Maria Nguyễn Thị Hường,

Út nam Linh mục Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT.

………………..

 

TIỂU SỬ ÔNG CỐ GIUSE TRẦN MINH QUANG

ÔNG CỐ GIUSE TRẦN MINH QUANG sinh ngày 25/12/1938 tại Hà Nội, trong một gia đình đạo đức, có người anh trai là Giuse Trần Quang Đăng làm linh mục Dòng Chúa Cứu Thế.

TỪ NĂM 1938 ĐẾN NĂM 1945: Ông Cố sinh sống cùng ông bà cụ thân sinh và các anh chị em tại Giáo xứ Chính Tòa Hà Nội.

TỪ NĂM 1946 ĐẾN NĂM 1949: Chiến tranh bùng nổ, Ông Cố được cha mẹ đưa đi tản cư tại Chương Mỹ, Hà Tây.

TỪ NĂM 1949 ĐẾN NĂM 1952: Ông Cố cùng gia đình tản cư tại Thanh Hóa; tại đây Ông Cố học lớp ba theo chương trình giáo dục của Chính phủ VNDCCH.

Năm 1952 Ông Cố được cha mẹ đưa về lại Hà Nội. Tại đây Ông Cố theo học Trung học Đệ nhất cấp tại Trường Dũng Lạc, Nhà Thờ Lớn và Trường Khâm Thiên của DCCT Thái Hà, Hà Nội.

TỪ NĂM 1954 khi Chính phủ VNDCCH tiếp quản Hà Nội, Ông Cố trở lại học Trung học tại Trường Dũng Lạc của Giáo xứ Chính Tòa, nơi Ông Cố có hộ khẩu thường trú. Tại đây, Ông Cố đã cùng các bạn thành lập nhóm “Ban Ca Ngày Xanh” sáng tác và hát nhạc đạo đời. Tuy nhiên, ban ca này đã bị chính quyền áp lực phải giải tán vào năm 1957.

NĂM 1958 Ông Cố học xong chương trình Trung học Đệ nhất cấp. Ông không tìm cách “phấn đấu” để vào đoàn đảng và vào biên chế nhà nước như nhiều người đồng trang lứa. Ông chọn làm nghề tự do để có thể giữ được đức tin, sống đạo cách tự do hơn và nhất là để có thể phục vụ Giáo Hội. Lúc này, khi mới 20 tuổi, Ông Cố đã làm Ca trưởng Ca đoàn Nhà Thờ Chính Tòa Hà Nội và cộng tác phục vụ cả bên Giáo xứ Thái Hà theo lời mời của Cha Giuse Vũ Ngọc Bích.

Vào dịp Lễ Chúa Giáng Sinh năm 1958, chính quyền Hà Nội gia tăng bách hại Giáo Hội và cướp đoạt các tài sản của Giáo Hội. Ông Cố đã cùng các cha các thầy và các bạn học của Trường Dũng Lạc cũng như các giáo dân cố sức tìm cách đòi được quyền tự do sinh hoạt tôn giáo tại Nhà Thờ Chính Tòa và bảo vệ Trường Dũng Lạc. Tuy nhiên, cuối cùng Trường vẫn bị chiếm, các cha và các giáo dân bị bắt bớ và khủng bố. Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn bị tù treo và Cha Gioan Nguyễn Văn Vinh bị đưa đi tù Cổng Trời và “tử đạo” tại đây.

NĂM 1959 Ông Cố được Cha Giuse Vũ Ngọc Bích đã gửi sang Giáo phận Bắc Ninh tu học với một số Chủng sinh Gioan.

NĂM 1962 Lớp Chủng sinh tại Bắc Ninh bị chính quyền giải tán. Ông Cố về lại Hà Nội. Cha Vũ Ngọc Bích muốn Ông Cố ở trong Tu viện Thái Hà nhưng nhà nước không cho nhập hộ khẩu.

Vì vậy ban ngày Ông Cố đến Thái Hà phục vụ các việc khác nhau như tiếp khách, tập hát, giúp lễ, thư từ, liên lạc… và tối thì về lại nhà bên Ngõ Thọ Xương gần Nhà thờ Chính Tòa.

Ông Cố cũng kín đáo tham gia và giao lưu với các nhóm hội đạo đạo đức tự phát của các giáo xứ để gặp gỡ, chia sẻ và nâng đỡ nhau trong hoàn cảnh Giáo Hội đang bị bách hại.

Những giai đoạn quá khó khăn, Ông Cố không thể ở Thái Hà phục vụ, Ông Cố đi lái xe, làm thợ xây, thợ đúc gang, thợ xi mạ đồ gia dụng và các việc khác.

NĂM 1970 thấy mọi ngả đường học tập làm linh mục của Ông Cố đều bị nhà nước ngăn chặn, Cha Vũ Ngọc Bích đã khuyên Ông Cố đi lập gia đình và ngày 04/04/1970, Ông Cố đã thành hôn với Bà Cố Maria Nguyễn Thị Hường. Cùng thời gian này, Ông Cố về sống tại Giáo xứ Phùng Khoang, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

TỪ NĂM 1970-1979: hai Ông Bà Cố đã sinh được 5 năm con là các anh chị:

Chị Maria Trần Ngọc Huyền (1971)

Anh Giuse Trần Ngọc Linh (1972, đã được Chúa gọi về vào năm 2013)

Chị Maria Goretti Trần Hoàng Trà, tự Mai (1974)

Chị Monica Trần Thị Mai Sao, tự Tâm (1976)

Và Linh mục Anphongsô Trần Ngọc Hướng (1979)

TỪ NĂM 1970 ĐẾN 1983: Ông Cố làm xã viên HTX Vĩnh Long. Khi thân phụ của Ông Cố qua đời năm 1983 thì Ông Cố bị Công an cắt hộ khẩu khỏi phường Hàng Trống, Hà Nội.

NĂM 1983 HTX Vĩnh Long hết việc và bị giải tán. Từ đó cho đến khi về già Ông Cố cùng gia đình làm nông nghiệp một vài nghề tự do để lo cho cuộc sống gia đình.

TỪ NĂM 1983 ĐẾN NĂM 1990: mặc dù khó khăn vất vả đói khổ trăm bề, Ông Cố vẫn kiên trì với việc phục vụ Giáo Hội: Ông Cố tiếp tục dạy nhạc và dạy hát cho Ca đoàn Nhà thờ Thái Hà, đồng thời giúp Cha Bề Trên Vũ Ngọc Bích trong những việc khác nhau.

TỪ NĂM 1991 khi một số các bạn trẻ ở Thái Hà đã trưởng thành và không còn sợ phải mất việc hay bị sách nhiễu vì tham gia phục vụ ở nhà thờ nữa, thì Ông Cố dần dần rút khỏi Giáo xứ Thái Hà. Lúc này Ông Cố được Cha Nguyễn Đăng Xuyên, người bạn tu cùng thời đang làm Chính xứ Thạch Bích kiêm Quản xứ Hà Đông mời về giúp Ca đoàn Hà Đông một thời gian, trong khi Ông Cố vẫn đi lại với Thái Hà và tham gia Nhóm Thánh Giuse ở Nhà thờ Thái Hà.

TỪ NĂM 2019 ĐẾN NĂM 2021: Ông Cố nghỉ ngơi để chữa bệnh, không còn tham gia vào bất cứ sinh hoạt đoàn thể nào tại Thái Hà và Phùng Khoang, trừ việc đi dự lễ mỗi khi có thể được.

Vào lúc 4g15 ngày 22 tháng 03 năm 2021 Ông Cố Giuse Trần Minh Quang đã được Chúa gọi về trong vòng tay yêu thương của Chúa và của mọi người thân yêu, sau 83 năm làm con Chúa trên trần gian trong đó có 51 năm sống ơn gọi hôn nhân gia đình.

Ông Cố là người có lòng tin mạnh mẽ, luôn trung tín với Chúa và với Hội Thánh, luôn sẵn sàng sống chết vì Chúa, luôn can đảm làm chứng cho Chúa, nhiệt thành bảo vệ và phục vụ Hội Thánh trong mọi hoàn cảnh bằng tất cả khả năng của mình.

Ông Cố là người chồng, người cha nhân từ, luôn hết lòng yêu thương vợ con và phục vụ vợ con, nhẫn nhục chấp nhận mọi khó khăn thử thách để nuôi dạy các con và mang lại hạnh phúc cho gia đình.

Ông Cố là người công dân rất tốt của Dân Tộc và Đất Nước Việt Nam, trong những hoàn cảnh đáng tuyệt vọng nhất, ông đã luôn luôn tìm cách gieo niềm tin và niềm hy vọng và nêu gương phục vụ cho những người xung quanh.

Trong cuộc đời mình, Ông Cố đặc biệt gắn bó và biết ơn những người đã yêu thương và hướng dẫn, dạy dỗ và giúp đỡ Ông Cố, đặc biệt là Đức Hồng Y Giuse – Maria Trịnh Văn Căn, nghĩa phụ; Cha Giuse Nguyễn Văn Vinh, Đức cha  Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, Đức cha Đaminh Đinh Huy Quảng, cha Giuse Vũ Ngọc Bích, DCCT Hà Nội, quý cha quý thầy đã dạy dỗ Ông Cố khi còn là học sinh tiểu học và trung học, quý cha quý thầy và các bạn tu cùng thời.

Ai phục vụ Thầy, thì hãy theo Thầy; và Thầy ở đâu, kẻ phục vụ Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phục vụ Thầy, Cha của Thầy sẽ quý trọng người ấy.” (Ga 12,26) Đấy là câu Lời Chúa mà Ông Cố đã chọn để làm chỉ nam cho cuộc sống của mình. Hôm nay Ông Cố đã được Chúa gọi về; Ông Cố đã hoàn thành tốt đẹp cuộc sống của mình trong niềm tin vào Chúa và trong tình yêu của Chúa và của mọi người thân yêu. Chúng ta hiệp lời tạ ơn với Ông Cố. Chúng ta cũng cầu nguyện cho Ông Cố Giuse sau một đời phục vụ Chúa giờ đây cũng được nghỉ an cùng Chúa trong Nước Trời.

ĐỒNG LÒNG KÍNH NHỚ VÀ THƯƠNG TIẾC

Bà Cố Maria Nguyễn Thị Hường,

Trưởng nữ Maria Trần Ngọc Huyền cùng chồng,

Thứ nữ Maria Goretti Trần Hoàng Trà,

Thứ nữ Monica Trần Thị Mai Sao cùng chồng và các con,

Út nam Linh mục Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT.