Nhân kỷ niệm 53 năm cha Irénée Marquis, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, thư ký Tòa Khâm sứ qua đời (27/7/1970-27/7/2023), xin gửi đến những ai từng quen biết ngài những nét chấm phá về một vị thư ký Tòa Khâm sứ tài năng. Một lương tri ngay thẳng, tài phán đoán nhạy bén, đầu óc minh mẫn, trái tim đầy nhân hậu, tính cách linh hoạt và quân bình, năng động, không kích động, biết kết hợp tính tự chủ với lòng say mê thích thú đối với những thứ mà ngài quan tâm. Trên tất cả, ngài là một người có tâm hồn nghệ sĩ, đáng kính trọng và có tài ngoại giao:
Cha Marquis sinh tại Van Buren, Maine, vào ngày 06/04/1916, cha mẹ ngài là người Canada gốc Pháp di cư đến Hoa Kỳ, ngay sau ngày cưới của họ. Cha ngài, William Marquis, mẹ ngài: Adèle Castonguay. Ngài là con cả trong một gia đình có 13 người con. Ngài đã học tiểu học tại trường làng. Năm 12 tuổi, ngài xin vào Đệ Tử. Để được chấp nhận, ngài đã học tăng gấp đôi năm lớp sáu, để ngang bằng trình độ với lớp của ngài, về kiến thức tiếng Pháp. Vì vậy, ngài được gọi vào năm 1928. Tháng 07/1936, ngài vào nhà tập tại Sherbrooke. Ngài khấn vào ngày 15/08/1937… Sau khi học xong năm nhất triết học tại học viện Ottawa, năm 1938, ngài được chỉ định tham gia nhóm sinh viên Canada sang học chung với các sinh viên Việt Nam tại Học viện Hà Nội. Nhiệm vụ này đã được đề nghị với ngài từ trước. Ngài chấp nhận và đi đến Đông Dương năm 22 tuổi. Đã học xong triết học, ngài hoàn tất chương trình Thần Học tại Hà Nội, và được thụ phong linh mục ngày 06/06/1942. Năm 1943, ngài tham gia Nhà tập II để chuẩn bị ơn gọi của một nhà thừa sai đại phúc. Tháng 02/1944, ngài bước vào sứ vụ.
Nhật chiếm đóng tại Bắc Kỳ. Chiến tranh xảy ra với tất cả những điều phiền nhiễu của nó. Đối với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, nỗi lo lắng thường xuyên là phải rời nhà để đến các trại tập trung. Thậm chí có ngày họ được lệnh phải đi Mỹ Tho trong vòng 24 giờ. May mắn thay, lệnh đã được rút lại. Sự hiện diện của quân đội Nhật ở Đông Dương đã dẫn đến việc người Mỹ oanh kích hết đợt này tới đợt khác. Chiến tranh gây ra bao nỗi khổ! Những tiếng kêu cứu ập xuống tu viện.
Và phải làm gì? Các thừa sai Canada bị cấm đi lại. Ai quên được nạn đói năm 1945! Rồi dịch bệnh, dịch tả, sốt phát ban… sau hiệp định đình chiến, người Trung Quốc thay thế Nhật? Và Việt Minh của Hồ Chí Minh chiếm đóng Hà Nội?… Không thể tham gia cùng những thừa sai đại phúc giảng đại phúc tại các giáo xứ, cha Marquis đã khiêm tốn và âm thầm một cách trung thành và đôi khi can đảm giúp đỡ những người bất hạnh. Việc làm này đã thu hút sự chú ý của các Bề Trên, và họ bắt đầu giao cho ngài những trọng trách quan trọng.
Mùa hè năm 1946, ngài được bổ nhiệm làm giáo sư Giáo Luật. Đó là, ngài vẫn chưa biết, nhiệm vụ ngài sẽ được giao tại Tòa Khâm Sứ. Nhưng trước đó, ngài có hai năm 47 đến 49 để thực tập Tiếng Việt. Sau đó ngài có thể chuyên tâm rao giảng, nhưng cuộc nội chiến ngày càng nổ ra, ngài bị quản thúc, giống như tất cả các anh em đã bị cưỡng chế quản thúc.
Lúc đó, Đức Cha John Dooley, tân Khâm Sứ Tòa thánh, đã đến Việt Nam. Ngài được sắc phong làm Tổng Giám Mục, hiệu tòa Macra, sau một thời gian hiện diện tại chỗ. Ngài cảm thấy cần phải tìm một thư ký vừa không phải là người Pháp vừa không phải là người Việt Nam. Vị trí này phù hợp với Cha Marquis, người thông thạo hai thứ tiếng. Vừa đúng tuổi 35, cha Marquis đã làm tốt nhiệm vụ của mình, trước sự hài lòng của vị Khâm sứ. Tháng 06/1953, ngài rời Tòa Khâm sứ về nhận nhiệm vụ Bề trên nhà quan trọng của chúng tôi ở Sài Gòn.
Năm 1954, bỗng dưng xảy ra hiệp định Genève. Việt Nam bị chia cắt thành hai: Bắc và Nam, tại vĩ tuyến 17. Cha Marquis, bấy giờ là Bề trên nhà Sài Gòn, ngoài chức năng của mình còn phải đảm nhận một phần lớn việc tiếp nhận những người tị nạn từ miền Bắc đổ vào miền Nam. Giám Mục Dooley quyết định ở lại miền Bắc và cha Marquis được bổ nhiệm làm Khâm sai Tông tòa (pro-délégué), gần như Đại lý Khâm sứ, cho toàn cõi Đông Dương, trong vùng tự do. Đến năm 1956, Cha Marquis sẽ kiêm hết tất cả các trách nhiệm này. Một trong những mục tiêu mà Rôma đặt ra cho Giám Mục Dooley, là việc chuẩn bị cho quyền tự trị về phẩm trật của Giáo Hội Việt Nam. Cha Marquis đã làm trung gian trong việc bổ nhiệm nhiều giám mục Việt Nam.
Hết nhiệm kỳ Bề trên năm 1956, ngài tiếp tục quán xuyến các công việc tại Tòa Khâm sứ cho đến năm 1957. Một số giáo phận mới đã được thành lập vào thời điểm này. Cũng cần phải sát nhập những người tị nạn Kitô giáo từ miền Bắc vào các giáo xứ mới. Vai trò của Cha Marquis là một trong những vai trò tinh tế nhất. Ngài ra đi trong sự ngưỡng mộ của tất cả, có lẽ ngoại trừ, chính quyền dân sự, vào thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Ngài đã gặp một số rắc rối với gia đình họ Ngô và những người ủng hộ, khi đã cương quyết thi hành mệnh lệnh từ Rôma, ngăn không để Đức cha Ngô Đình Thục về cai quản Giáo phận Sài Gòn.
Tháng 05/1957, Đức Cha Caprio được bổ nhiệm làm Khâm sứ Tòa Thánh. Cha Marquis đã có cơ hội được hưởng một kỳ nghỉ xứng đáng ở Canada, vào khoảng mùa thu năm 1960. Bất chấp tất cả, ngài đã có thời gian đảm nhận chức vụ Giám đốc Đệ Tử viện, đã được chuyển về Vũng Tàu từ ba năm nay. Năm 1961, việc thành lập theo giáo luật Tỉnh Dòng Việt Nam sẽ theo sát cách thức thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Việc thành lập này sẽ diễn ra vào năm 1964. Các cha Canada có thể tùy ý lựa chọn thuộc về Tỉnh nào. Nếu họ chọn Việt Nam, họ có thể chọn, hoặc là tạm thời hoặc lâu dài. Cha Marquis đã chọn ở lại Canada, nơi ngài được nhiều không gian tự do để hoạt động và chắc chắn, ngài sẽ có những vị trí quan trọng, tương xứng với những tài năng và nhân đức của ngài. Ngài sẽ giữ chức vụ Quản lý Các sứ vụ trong hai năm, từ 1962 đến 1964. Mùa hè năm 1964, ngài được bổ nhiệm làm Bề trên nhà Ste-Anne, một nhà quan trọng của chúng tôi. Ngài đã giữ chức vụ này cho hai nhiệm kỳ ba năm; ngài cáng đáng nhiệm kỳ thứ ba, thì cái chết bất ngờ ập xuống.
Irénée Marquis là một con người tài năng. Một lương tri ngay thẳng, tài phán đoán nhạy bén, đầu óc minh mẫn, trái tim đầy nhân hậu, tính cách linh hoạt và quân bình, năng động, không kích động, biết kết hợp tính tự chủ với lòng say mê thích thú đối với những thứ mà ngài quan tâm. Trên tất cả, ngài là một người có tâm hồn nghệ sĩ. Đáng kính trọng và có tài ngoại giao, chuyên viên phụng tự, và biết nhiều các chi tiết nghi thức trong các mối tương quan về hành chính, dân sự và giáo hội.
Vì vậy năm đó, ngài đã chủ trì các nghi thức trọng đại của ngày lễ Thánh Anna. Thánh lễ đặc biệt long trọng. Cha Marquis đã phô diễn tất cả những tài năng đặc biệt của mình ở đó. Buổi lễ đã gây ra sự mệt mỏi và căng thẳng thần kinh. “Tôi chưa bao giờ thấy, ngài nói, tất cả đều phấn khởi, với từng anh em, cũng như là với ngày lễ Thánh Anna tuyệt vời này.” Ngài đã cử hành thánh lễ vào buổi tối. Một anh em đã bị đánh động bởi sự biểu hiện lòng sốt sắng đặc biệt của ngài. Chính ngài đã chủ trì cuộc rước nến vào buổi tối của ngày lễ. Ngày hôm đó, ngài đã vượt qua ngưỡng chịu đựng của mình. Một cơn đau tim đã mang ngài đi trong vòng vài giờ.
Hôm đó là ngày 27/7/1970. Ngài mới chỉ 54 tuổi!
(Theo C.Ss.R., 50 ans au Viet Nam, V. XIII: Dans la Tourmente, 1964-1972, P. 216-218).
Bài viết của cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong. DCCT