Alexandre de Rhodes và chữ Quốc Ngữ
Bài phát biểu của GS Nguyễn Lý-Tưởng trong Đại Lễ Văn Hóa Tạ Ơn.
Kính thưa quý vị,
Trước hết, tôi xin cám ơn nhà truyền thông Quốc Nam và Ban Tổ Chức cho phép tôi được phát biểu về đề tài “Alexandre de Rhodes và chữ Quốc Ngữ” trước quý vị trong Hội Trường này, ngày hôm nay.
Đề tài của tôi trình bày có hai phần:
(1) Về cuộc đời hoạt động của Alexandre de Rhodes, người được xem là có công trong việc hình thành chữ Quốc Ngữ mà chúng ta sử dụng ngày hôm nay
(2) Tiến trình hình thành chữ Quốc Ngữ theo mẫu tự la tinh…
Thời gian trinh bày trong vòng 15 phut nên nội dung chỉ giới hạn trong phạm vi Alexandre de Rhodes và chữ Quốc Ngữ (thời khai sinh) chứ không nói rộng ra về nhiều lãnh vực khác liên quan đến chữ quốc ngữ (trong phạm vi văn học cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20)
Kính thưa quý vị,
Trước khi giới thiệu phần tài liệu có liên quan đến hai vấn đề nêu trên, chúng tôi xin đặt câu hỏi: Chữ Quốc Ngữ là gì? Chúng ta hiểu “chữ Quốc Ngữ” như thế nào?
Thi sĩ Tản Đà, được xem là thi bá vào những năm đầu thế kỷ 20, đã hô hào người Việt Nam chúng ta phải học “Chữ Quốc Ngữ” và ông đã gọi Chữ Quốc Ngữ theo mẫu tự la tinh mà ngày nay chúng ta đang sử dụng là “chữ nước ta” nghĩa là chữ của người Việt Nam chúng ta để phân biệt với chữ Hán là chữ của người Tàu (người Hoa) mà tổ tiên chúng ta hàng ngàn năm đã sử dụng. Tản Đà gọi chữ Quốc Ngữ hiện nay là “chữ nước ta”, là “chữ của người Việt Nam” và tất nhiên “chữ Hán” không phải là chữ của người Việt Nam, đó là chữ của người Hoa, người phương Bắc, người Tàu, mà ai cũng biết.
Vậy, trước khi có chữ Quốc Ngữ theo mẫu tự la tinh mà chúng ta đang sử dụng thì tổ tiên chúng ta có một thứ chữ nào khác (không phải là chữ Hán) hay không?
Tôi xin trả lời dứt khoát là không có (hay nói cách khác là chúng ta chưa tìm ra được bằng chứng chắc chắn đã có một thứ chữ nào khác ngoài chữ Hán được gọi là “chữ nước ta”). Chữ Nôm xuất hiện thời nhà Trần là một thứ chữ được mượn từ chữ Hán, một thứ chữ do nhiều chữ Hán ghép lại, rất rắc rối và chưa được thống nhất. Muốn đọc được chữ Nôm thì phải học chữ Hán trước. Các triều đại Việt Nam đã dùng chữ Hán là văn tự chính thức để dạy cho dân, để thi cử, để viết sách vở, ghi chép lịch sử và văn tự có giá trị luật pháp (nghĩa là văn tự viết bằng chữ Hán mới có giá trị luật pháp: ví dụ viết một giấy vay nợ, viết một giấy bán nhà cửa, đất ruộng, bán trâu bò,v.v…đều phải viết bằng chữ Hán…Các công văn, giấy tờ, thông báo,v.v. nói chung là giấy tờ hành chánh từ vua quan phổ biến cho dân hay từ dân trình bày lên vua quan,v.v…đều viết bằng chữ Hán. Dân học chữ Hán, thi cử bằng chữ Hán…Nhà nước tuyển chọn nhân tài ra làm việc trong bộ máy hành chánh của quốc gia (xưa gọi là làm quan giúp dân, giúp nước) đều căn cứ theo trình độ chữ Hán của người đó.
Ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) là một nhà Nho, học chữ Hán, viết văn, làm thơ bằng chữ Hán, lều chõng đi thi, bài thi phải viết bằng chữ Hán…Khoa thi cuối cùng tại Miền Bắc vào những thập niên đầu của thế kỷ 20 , ông không đậu được cử nhân. Lúc đó phong trào học chữ quốc ngữ, nhà nước mở trường dạy chữ Quốc Ngữ, ông học chữ Quốc Ngữ (theo mẫu tự la tinh), ông bắt đầu viết văn, làm thơ bằng chữ Quốc Ngữ, (bút hiệu Tản Đà 1916) ông hô hào học chữ Quốc Ngữ. Người chịu khó học, chỉ vài tuần là đọc được; đọc được thì viết được, chữ gì cũng viết được, viết theo lối phiên âm, đồng âm mà khác nghĩa. Nhưng người Việt Nam chúng ta đều hiểu được hết. Nó khác với chữ Hán mà ông Tản Đà đã bỏ ra cả chục năm mới đọc được, viết được, hiểu được, vì mỗi chứ viết khác nhau, đồng âm mà dị nghĩa. Công phu học chữ Hán đến ngoài 20 tuổi mà đi thi không đậu. Bây giờ, ông học chữ Quốc Ngữ, thấy học quá nhanh, quá tiện lợi cho người Việt Nam chúng ta, nên ông hô hào:
“Chữ Quốc Ngữ,
Chữ Nước ta
Con cái nhà
Đều phải học…”
Kính thưa quý vị,
Vừa rồi, tôi đã nói về ý nghĩa chữ Quốc Ngữ theo định nghĩa của Ông Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu mà ai cũng đồng ý đó là chữ nước ta, chữ của người Việt Nam. Vậy ai là người đã đặt ra chữ Quốc Ngữ mà chúng ta đang sử dụng hiện nay?
I. Cuộc đời hoạt động của Alexandre de Rhodes:
Nhiều người cho rằng chính Alexandre e Rhodes là người đặt ra chữ Quốc Ngữ Việt Nam vì họ căn cứ vào hai tác phẩm đầu tiên xuất bản tại Roma vào năm 1651 tác giả là Alexandre de Rhodes: đó là cuốn Từ Điển Việt-Bồ-La và cuốn Phép Giảng Tám Ngày Cho Kẻ Muốn Chịu Phép Rửa Tội Mà Vào Đạo Thánh Đức Chúa Trời.
Xin nhắc lại, trước Alexandre de Rhodes, chưa có tác giả nào viết thành sách vở bằng thứ tiếng Việt theo mẫu tự la tinh, do đó, người ta tin rằng Alexandre de Rhodes chính là người đã sáng chế ra chữ Quốc Ngữ Việt Nam, cũng có người tin rằng ông là người đầu tiên làm việc này. Trước khi đặt vấn đề có phải Alexandre de Rhodes là người đầu tiên đặt ra chữ Quốc Ngữ hay không? Trước tiên, xin hãy tìm hiểu về cuộc đời (hay cuộc đời hoạt động) của ông này…
Alexandre de Rhodes sinh tại Avignon năm 1591, Avigon là lãnh thổ thuộc Giáo Hoàng, không phải là nước Pháp. Năm 1612, khoảng 20 tuổi, ông vào tu Dòng Jesuiste (tức dòng tên Đức Chúa Giêsu, sách vở tiếng Việt thường gọi là Dòng Tên). Năm 1619, từ Lisbonne ông lên đường đi đến xứ Đông Dương (Indochina), sau khi ghé nơi này, nơi khác, ông đến trụ sở Dòng Tên tại Macao năm 1623 và năm 1624, ông được sai đến xứ Đàng Trong (ở tại trụ sở Dòng Tên thuộc Hội An để học tiếng Việt). Khoảng 1626, ông theo bề trên là Linh Mục Pêro Marquez ra truyền giáo ở Đàng Ngoài, hoạt động được chừng 3,4 năm (1627-1630) thì bị chúa Trịnh trục xuất phải trở về Macao. Ôn sống ở Macao được 10 năm (1630-1640) vừa hoạt động truyền giáo, vừa nghiên cứu tiếng Việt. Sau đó, ông được gửi trở lại truyền giáo ở xứ Đàng Trong hoạt động trong vòng 5 năm (1640-1645) thì bị chúa Nguyễn trục xuất. Cuối năm 1645, ông lên tàu đi Âu Châu, đến Roma. Thời gian ở Roma, ông cho xuất bản hai cuốn sách tiếng Việt vào năm 1651 như đã nói trên. Từ 1652-1654, ông sống tại Pháp, sau đó ông theo đoàn truyền giáo đi Ba Tư, ngụ tại Ispahan và qua đời vào năm 1660, hiện còn ngôi mộ của ông tại đây.
Xin lưu ý một điều này, Alexandre de Rhodes sinh tại Avignon là vùng nói tiếng Pháp, nhưng chữ Quốc Ngữ thì lại sử dụng cách chuyển âm của tiếng Bồ Đào Nha, cách đọc 24 chữ cái tiếng Việt bây giờ là cách đọc của tiếng Bồ, không phải tiếng Pháp. Điều đó giúp cho chúng ta hiểu tiếng Việt (chữ Quốc Ngữ) là từ các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha. Alexandre de Rhodes vào tu tại Lisbonne là thủ đô của nước Bồ Đào Nha và đi theo các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha vào Việt Nam (Đàng Trong rồi Đàng Ngoài) vào những thập niên đầu của thế kỷ 17. Cuốn Từ Điển đầu tiên của ông là “Việt-Bồ-La” không dính dáng gì đến tiếng Pháp. Lúc đó, các nhà truyền giáo người Pháp chưa có mặt tại Việt Nam.
Trong sách “Les missionnaires portugais et les débuts de L’Eglise catholique au Viêt-nam” (Các nhà truyền giao Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo Hội Công giáo Việt Nam) do Tiến Sĩ Roland Jacques (một Linh Mục người Pháp sinh 1943 tại Lorraine, Pháp) xuất bản năm 2004, được dịch ra tiếng Việt mà tôi được hân hạnh là người giới thiệu sách này tại Trung Tâm Công Giáo VN giáo phận Orange…đã cho biết các chi tiết về cuộc đời hoạt động của Alexandre de Rhodes, như tôi vừa giới thiệu trên đây…Tác giả Roland Jacques đã cho biết khi mới đến Hội An năm 1624, Alexandre de Rhodes đã học tiếng Việt với một giáo sĩ tên là Di Pina, người Bồ Đào Nha. Di Pina sinh 1585 đến Việt Nam 1617 ở Hội An và Quy Nhơn, bị tai nạn chìm thuyền chết trên biển ngày 15-12-1625 khi mới 40 tuổi, là người rất giỏi tiếng Việt…
Đặt vấn đề: Có phải Alexandre de Rhodes là người đầu tiên đặt ra chữ Quốc Ngữ theo mẫu tự La-tinh hay không? Xin thưa: mặc dù ông là tác giả hai tác phẩm tiếng Việt đầu tiên là cuốn Tự Điển…và cuốn sách “Phép Giảng Tám Ngày…” nhưng việc hình thành chữ Quốc Ngữ không phải là công trình của một cá nhân ông mà do nhiều người và đã trải qua một thời gian dài từ giữa thế kỷ 17 đến giữa thế kỷ 19, khoảng 200 năm mới hoàn chỉnh như ngày hôm nay. Như chúng tôi đã nói ở trên: Linh Mục Di Pina (1685-1625) là người đã dạy cho Alexandre de Rhodes học tiếng Việt, tất nhiên chúng ta phải hiểu rộng ra rằng Di Pina cũng là người đã tham gia vào việc đặt ra chữ quốc ngữ… Ngoài ra còn có nhiều người Việt Nam khác vào thời đó đã cộng tác với các nhà truyền giáo người Bô Đào Nha, và Alaxandre de Rhodes…
II. Tiến trình hình thành chữ Quốc Ngữ theo mẫu tự latinh.
Do nhu cầu truyền giáo, các giáo sĩ phải tìm cách phiên âm tiếng Việt theo mẫu tự latinh để học tiếng Việt, để ghi chép tiếng Việt theo cách phiên âm của họ chứ không thể học thuộc lòng chữ Hán hay chữ Nôm (vì khó nhớ)…Sau khi đã có chữ Quốc ngữ tiếng Việt, họ in kinh sách bằng tiếng Việt (chữ Quốc Ngữ) và truyền bá chữ này cho người Việt (các Linh Mục, các tu sĩ người Việt và giáo dân) để học kinh, học giáo lý, thư từ liên lạc trong nội bộ người Công giáo với nhau. Giữa thế kỷ 19, có một người Việt Nam tên Nguyễn Văn Bỉnh quê ở Thanh Hóa, linh mục thuộc Dòng Tên, đã đến Roma yết kiến Đức Giáo Hoàng… Ông đã sống tại Lisbonne nước Bồ Đào Nha và đã viết lại một quyển sách hồi ký kể lại các hoạt động của ông từ khi còn ở Việt Nam cho đến khi qua làm việc tại Âu Châu. Ông viết bằng tiếng Việt thế kỷ 19 (chưa được hoàn chỉnh như tiếng Việt bây giờ). Khoảng 1965, Đại học Đà Lạt đã cho chụp hình và in lại sách này. Sau khi xứ Nam kỳ bị Pháp chiếm và hoàn tất việc tổ chức cai trị (1868), Pháp cho dạy chữ Quốc Ngữ tại các trường học và cho phát hành sách báo bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Các nhà trí thức Tây học như Trương Vĩnh Ký (1837-1898), Huỳnh Tịnh Của (1834-1907),Trương Minh Ký (1855-1900).v.v. cho phát hành sách báo tiếng Việt, cổ võ học chữ quốc ngữ… Các nhà thờ Công giáo lập nhà in, in sách kinh, sách giáo lý, sách học tiếng Việt…Gia Định Báo (1865-1910) do Trương Vĩnh Ký phụ trách được xem là lâu đời nhất (sau 1865…) Văn chương tiếng Việt, chữ quốc ngữ thịnh hành trong Nam ảnh hưởng tới ngoài Bắc nhất là trong giới Công gíao. Sau Trương Vĩnh Ký phải kể đến nhà văn Hổ Biểu Chánh (1885-1958), vào những năm đầu thế kỷ 20 nổi tiếng về viết tiểu thuyết tiếng Việt tại Nam Kỳ. Năm 1915, sau khi vua Việt Nam tuyên bố bãi bỏ các kỳ thi bằng chữ Hán và chủ trương dạy chữ quốc ngữ trong các trường học tại miền Trung và miền Bắc, lúc đó phong trào viết văn viết báo và truyền bá chữ quốc ngữ mới thịnh hành tại Hà Nội và các tỉnh Miền Bắc. Các nhà Nho chủ trương duy tân lập ra Đông Kinh Nghĩa Thục (1907) vào đầu thế kỷ 20 và các nhà Tây học như Nguyễn Văn Vĩnh (Đông Dương Tạp Chí 1913-1919), Phạm Quỳnh (Nam Phong Tạp Chí 1917-1934) v.v. cho xuất bản các sách, báo tiếng Việt …lúc bấy giờ dân Bắc Kỳ, Trung Kỳ mới chịu bỏ chữ Hán qua học chữ quốc ngữ…Khoảng 1930, nhóm Tự Lực Văn Đoàn (1930-1945) ra đời do Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng,v.v…với lối văn gọn gàng, sáng sủa đã giúp cho tiếng Việt thêm phong phú…So với xứ Nam Kỳ thì phong trào học chữ quốc ngữ tại Miền Bắc và Miền Trung đã đi sau Miền Nam khoảng 50 năm. Sau năm 1945, phong trào học tiếng Việt, phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ , phổ biến từ Nam chí Bắc. Đặc biệt sau, 1954, tại miền Nam, báo chí, sách vở tiếng Việt phát triển rầm rộ… Chỉ trong vòng một thế kỷ sử dụng chữ quốc ngữ mà người Việt Nam bây giờ đã có một kho tàng văn học tiếng Việt gấp trăm, gấp ngàn lần sách vở viết bằng chữ Hán của cả ngàn năm từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn để lại.
Sau 1975, tại hải ngoại cũng có phong trào học chữ quốc ngữ, bảo vệ tiếng Việt, xuất bản sách báo tiếng Việt…đã tạo nên một nên văn học Việt Nam hải ngoại…
Từ giữa thế kỷ thứ 19 trở về trước, Việt Nam cũng như Triều Tiên, Nhật Bản đều dùng chữ Hán để giao thiệp, ghi chép sử sách, học hành, thi cử,v.v…Từ năm 1868, khi Minh Trị Thiên Hoàng lên lãnh đạo nước Nhật, bắt đầu duy tân, cải cách thì mới đặt ra tiếng Nhật để thay thế chữ Hán; nước Triều Tiên (hay Cao Ly) bây giờ là Hàn quốc…cũng vào hậu bán thế kỷ 19 mới có chữ quốc ngữ của mình. Tại nước Tàu (Trung Hoa) mãi đến sau cách mạng Tân Hợi 1911 mới sử dụng bạch thoại, quan thoại hay tiếng phổ thông là tiếng nói của người Bắc Kinh và văn mới (tức văn bạch thoại là ngôn ngữ của giới bình dân) thay thế cho cổ văn (Hán tự) là văn chương của giới thượng lưu trí thức …Chữ Hán vốn là chữ của người Hoa ở Trung nguyên được Tần Thủy Hoàng sử dụng để thống nhất văn tự cho lục quốc sau khi nhà Tần thống nhất Trung Hoa. Cho đến bây giờ, người Hoa mỗi vùng vẫn nói tiếng khác nhau và đọc chữ Hán khác nhau, do đó, sau cách mạng Tân Hợi (1911) thời Tôn Dật Tiên và Tưởng Giới Thạch ra lệnh dạy tiếng Bắc Kinh cho cả nước gọi là tiếng phổ thông hay tiếng quan thoại. Người Việt Nam cũng học chữ Hán và cách đọc chữ Hán của người Việt Nam khác với cách đọc hay nói của người Hoa. Do đó, trong ngôn ngữ Việt Nam có nhiều chữ Hán (chúng ta thường gọi là tiếng Hán Việt vì nó đã thành tiếng Việt như quốc gia, xã hội, gia đình, tổ quốc, dân tộc…là tiếng Việt chúng ta nói thường ngày…) Học chữ Hán rất khó, chữ Nôm lại càng khó hơn…nhưng học chữ quốc ngữ thì quá dễ, một vài tuần là đọc được, viết được…Thời Mao Trạch Đông, đặt ra “đơn giản tự” phổ biến cho toàn nước Tàu…Đơn giản tự là chữ Hán viết tắt, ít nét hơn, dễ học hơn chữ Hán…Nhưng người học đơn giản tự rồi thì không đọc được cả triệu quyển sách văn chương, triết học, khoa học, lịch sử của người xưa để lại (viết bằng chữ Hán). Tiếng phổ thông là tiếng nói của người Hoa bây giờ khác với văn chữ Hán ngày xưa gọi là cổ văn. Trình độ tiểu học, trung học không thể hiểu được cổ văn (văn chương chữ Hán xưa)…Do đó, tiếng Tàu, chữ Tàu còn nhiều điều rắc rối. So với chữ quốc ngữ của Việt Nam chúng ta, ai học cũng được, nói sao thì viết như vậy…Nhờ chữ quốc ngữ, chúng ta học qua tiếng Anh, tiếng Pháp dễ dàng (vì cùng mẫu tự latinh). Nhờ chữ quốc ngữ mà dân tộc Việt Nam chúng ta tiến bộ rất nhanh, từ Nam chí Bắc thông tin với nhau quá dễ dàng chứ không rắc rối như các dân tộc Á Đông. Tại Á Châu, chỉ có người Việt Nam chúng ta có chữ viết theo mẫu tự latinh, người Tàu, người Nhật, ngươi Hàn, người Thái, Lào, Kampuchia, Indonesia…đều dùng chữ riêng của họ, rất khó đọc, rất khó học.
Kết luận: Chúng ta cám ơn người đặt ra chữ Quốc Ngữ, chúng ta cám ơn các nhà truyền giáo với các bệnh viện, trường học, trại mồ côi và những công tác bác ái, từ thiện, rao truyền tình bác ái, huynh đệ trên đất nước chúng ta. Người Pháp xâm lăng chúng ta, cai trị chúng ta… nhưng quân xâm lăng khác với các nhà truyền giáo. Cùng đi trên một chuyến tàu đến nước ta, nhưng mỗi người một mục đích khác nhau. Chúng ta không vì thù ghét quân xâm lăng, quân cướp nước mà thù ghét luôn những nhà truyền giáo, những người đã tặng cho dân tộc chúng ta Chữ Quốc Ngữ…
Bổ túc: Huỳnh Tịnh Của (1834-1897) là tác giả cuốn Đại Nam Quốc Âm Tự Vị xuất bản tại Saigon (1895-1896) và Giám Mục Taberd có xuất bản Tự Điển tên là Nam Việt – Dương Hiệp Tự Vị (tiếng La Tinh dịch ra tiếng Việt viết bằng chữ Nôm và chữ Quốc ngữ theo mẫu tự Latinh)… Giám Mục Jean Louis Taberd (1794-1840) làm Giám Mục tại Saigon (Nam Việt) từ 1830-1840) sách này dựa trên tài liệu của Giám Mục Pigneau de Behaine (thường gọi là Bá Đa Lộc) biên soạn từ 1773 để lại. Giám Mục Jean Louis Taberd là người hoàn tất khi còn ở bên Ấn Độ… Sách này ra đời sau Tự Điền Việt-Bồ-La của Alexandre de Rhodes… Các nhà làm tự điển sau này (thế kỷ 19, 20) đều tham khảo sách của Taberd.
NGUYỄN LÝ TƯỞNG (Westminster CA, Thứ 7 Ngày 7 Tháng 7 Năm 2018)