Bài Ca Công Bố Phục Sinh “Exsultet”: Cấu Trúc Và Ý Nghĩa
Gary D. Penkala
Bài thánh ca Exsultet vẫn là một trong những bài thơ phụng vụ còn sót lại trong Lễ Nghi Roma. Charlton Walker viết: “Đây là ngôn ngữ phụng vụ vươn lên đến tận trời cao mà khó có thể tìm đâu ra một bài tương tự trong văn chương Kitô giáo. Chúng ta thoát ra ngoài những câu cú tín điều khô cứng để đi vào trong huyền nhiệm sâu thẳm, đến miền đất mà dưới ánh sáng của thiên đường thì ngay cả tội Adong cũng được xem như cần thiết và là tội hồng phúc”.
Theo G. Thomas Ryan: “Mỗi năm một lần, chúng ta hân hoan nghe lại lời loan báo này, một trong những bài hát độc xướng hay nhất đã tồn tại trong lịch sử gần 2000 năm của thánh nhạc Kitô giáo”.
Exsultet hay Lời công bố phục sinh (tiếng Latinh là Præconium Paschale) như được ghi trong sách Nghi thức Bí Tích, đúng ra là do một thầy phó tế hát, cũng như nghi thức thắp nến phục sinh trước đó. Sau khi thắp nến phục sinh từ ngọn lửa mới, thầy phó tế dẫn đầu đoàn rước tiến vào trong ngôi nhà thờ tăm tối, gợi lại cột lửa dẫn đưa dân Israel băng qua sa mạc. Thầy bắt giọng hát “Ánh sáng Chúa Kitô” ba lần, mỗi lần theo một cung giọng cao hơn; cộng đoàn đáp lại “Tạ ơn Chúa”. Đến cung thánh, phó tế đặt cây đèn trên giá cao, mang bình hương đến cho vị chủ tế để chuẩn bị và nhận chúc lành của ngài. Thầy phó tế xông hương sách có bản văn Exsultet và nến phục sinh. Rồi thầy bắt đầu hát bài Công bố Phục Sinh, một bài ca khen độc nhất vô nhị trong thánh ca phụng vụ. Nếu không có thầy phó tế, một linh mục hay giáo dân có thể thay thế với một vài sửa đổi cho phù hợp.
Bài Exsultet gồm ba phần. Phần đầu như tiếng kèn lệnh bằng thơ với ba lời hô hào “Mừng vui lên” (Exsultet trong tiếng Latinh). Tiếp theo là một phần như kinh Tiền Tụng (Preface) tạo nên phần thân của bài thánh ca, so sánh giữa lễ Vượt Qua của Cựu Ước với sự Phục Sinh vui mừng của Đức Kitô. Bài Exsultet kết thúc với lời nguyện xin Chúa Cha toàn năng chấp nhận lễ dâng cây Nến Phục Sinh và “hy lễ dâng chiều hôm” của Giáo Hội.
Xem kỹ lại phần dẫn nhập, chúng ta thấy cấu trúc gồm ba phần. Có ba nhóm được mời gọi “Mừng vui lên!”: các thiên thần cùng với các cơ binh trên trời; trái đất và muôn loài thụ tạo và cuối cùng là Giáo Hội, “Khắp nơi trong cung điện này vang lên. Ngàn muôn tiếng ca reo mừng của nhân trần” (theo bản “Exsultet” của Văn Chi). Chủ đề bóng tối bị ánh sáng vinh quang của Đức Kitô phá vỡ đã sớm xuất hiện trong bài thánh ca: “Ánh huy hoàng chiếu soi … ánh quang vinh Vua muôn đời chói ngời … được ơn thoát ly xa miền tối tăm u sầu … uy nghiêm trong muôn ngàn ánh quang”. Ngay phần nhạc cũng giúp phân biệt được ba phần rõ rệt vì các cung điệu được lập lại ở mỗi phần.
Tiếp theo là kinh Tiền Tụng riêng. Trong Thánh Lễ, kinh Tiền Tụng luôn đi trước kinh Thánh Thánh Thánh lúc bắt đầu Kinh Nguyện Thánh Thể. Kinh Tiền Tụng thường liệt kê ra những ý hướng để chúng ta tạ ơn Chúa, thường là nối kết chúng với ngày lễ đang được cử hành. Trong Lời công bố phục sinh, các biến cố vĩ đại của Thiên Chúa đều được trình bày, bắt đầu bằng biến cố Xuất Ai Cập trong Cựu Ước rồi tiếp tục trải qua những hành động cứu rỗi kỳ diệu của Đức Giêsu, Con Chiên Vượt Qua. Có thể gọi đây là lời kinh cầu, bản văn được dẫn nhập với những khẳng định bắt đầu bằng câu “Đây là đêm…” (Hæc nox est trong tiếng Latinh). Đây là những câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao có đêm đặc biệt này?”, và hiển nhiên câu hỏi này có liên hệ đặc biệt với câu hỏi của trẻ em Do Thái giáo trong bữa ăn Seder[1]. Và đây là những câu trả lời: “Tội lỗi được huỷ bỏ … Kitô hữu được tẩy xoá mọi tội khiên … xiềng xích sự chết bị bẻ tung … sự dữ bị xua tan … mọi vết nhơ được tẩy sạch … người vô tội được phục hồi … người ưu phiền được sướng vui hân hoan … phá tan mọi hận thù oan ghét … mang lại hoà bình yêu thương … khuất phục mọi quyền bính thế gian”
Với thể loại thơ ca đặc sắc của Nghi lễ Roma, Lời công bố phục sinh khiến chúng ta suy nghĩ: “Vì chưng nếu không được cứu chuộc khỏi mọi tội khiên, chúng ta sinh ra nào có ích chi?” “Để cứu chuộc đầy tớ, Chúa Cha đã nộp chính con yêu”. “Ôi! Tội hồng phúc, đã ban cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc rất cao sang!” “Ôi! Đêm hồng phúc, này đêm nối kết trời đất, phối hợp Thiên Chúa với muôn người thế chúng tôi!”.
Bài Exsultet kết với lời nguyện dâng lễ: “Xin hãy nhận cây Nến Phục Sinh này, dù ngọn lửa phân chia nhưng không bao giờ mòn hao, cột lửa thiêng toả ánh vinh quang Thiên Chúa”. Thầy phó tế cầu xin cho ngọn lửa của cây nến hoà hợp với muôn ngàn ánh sáng thiên cung, và ngôi Sao Mai (Đức Kitô) không bao giờ lặn nữa tìm thấy ngọn lửa này luôn cháy sáng. (Flammas eius lucifer matutinus inveniat: ille, inquam, Lucifer, qui nescit occasum).
Nhạc điệu hùng tráng được lấy lại từ các bài thánh ca cổ dùng cho kinh Tiền Tụng. Bản văn tiếng Latinh (Exsultet iam angelica turba cælorum…) có thể được tìm thấy trong Sách Lễ Roma từ năm 1964. Hát bài Exsultet luôn là một kinh nghiệm hân hoan cho các thầy phó tế mới được truyền chức vì bản văn này thật sự dành cho họ. Chính thầy phó tế chứ không phải vị chủ tế, không phải linh mục hay giám mục, cũng không phải Giáo Hoàng được trao ban cơ hội loan báo trước tiên tin vui về sự phục sinh của Chúa. Chính thừa tác viên phục vụ này, bậc thấp nhất trong phẩm trật, đã được tôn vinh khi công bố rằng vũ trụ từ nay đã thay đổi hoàn toàn – Đức Kitô đã sống lại! Thật là một nghịch lý kỳ diệu! Thật là một sự vặn vẹo hồng phúc!
chuyển ngữ
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
[1] Bữa ăn Seder là bữa ăn theo nghi thức của người Do Thái đánh dấu sự bắt đầu của ngày lễ Vượt Qua. Trong bữa ăn này, để khơi dậy sự tò mò của đám trẻ con và giữ chúng tỉnh thức suốt bữa ăn kéo dài cho đến tận đêm khuya, người lớn khuyến khích bọn trẻ đặt câu hỏi để nhân cơ hội kể lại cho chúng câu chuyện về Cuộc Xuất Hành ra khỏi Ai Cập (Exodus). Theo nghi thức thì bọn trẻ hỏi nhiều câu, nhưng câu hỏi quan trọng nhất là câu hỏi Mah Nishtanah – “Tại sao đêm nay khác với những đêm khác?”. Sau khi đặt câu hỏi, phần quan trọng trong bữa ăn Seder chính là phần trả lời Magid, một hình thức trả lời bằng cách kể lại các câu chuyện lịch sử: hành trình đi từ nô lệ tới tự do, tức là câu chuyện Vượt Qua. (chú thích của người dịch)