“VẠN TUẾ CHÚA CỨU THẾ!”
Bài giảng Lễ Chúa Kitô Vua – Bế mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót, của Cha Michael Brehl, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Chúa Cứu Thế, tại nhà thờ Chúa Cứu Thế ở Bangkok, Thái Lan.
Anh chị em thân mến,
Hiện diện với chúng ta hôm nay có Đức Tổng Giám Mục Paul Tschang In-Nam, Khâm Sứ Toà Thánh, Vị Đại diện của Đức Thánh Cha Phanxicô; các anh em tu sĩ linh mục Dòng Chúa Cứu Thế từ khắp nơi trên thế giới; các nữ tu Chúa Cứu Thế; và rất nhiều anh chị em giáo dân thừa sai. Tất cả chúng ta đều được sai đi loan báo Tin Mừng của Lòng Thương Xót cho muôn dân.
Là thừa sai của Chúa Cứu Thế, chúng ta biết rằng Lòng Thương Xót và Ơn Cứu Chuộc là một mầu nhiệm vĩ đại của chính Thiên Chúa. Huy hiệu Dòng của chúng tôi có trích một câu từ Thánh Vịnh 130, nhắc nhớ tất cả chúng ta rằng: Trong Chúa là Lòng Thương Xót và Ơn Cứu Chuộc Chứa Chan. Chúa Giêsu chính là Dung Mạo của Lòng Xót Thương, như Đức Thánh Cha Phanxicô nói với chúng ta trong Tông Sắc Misericordiae Vultus.Hôm nay, trong ngôi thánh đường Chúa Cứu Thế này, chúng ta đang kinh nghiệm cụ thể, chính Chúa đang quy tụ chúng ta trước nhan thánh Ngài. Chúa Giêsu Kitô là Vua vũ trụ. Ngài ngự trị từ ngai thập giá, như chúng ta nghe trong bài Tin Mừng, với quyền năng của lòng thương xót, đang ban ơn cứu chuộc cho tất cả chúng ta và toàn thể tạo thành.
Trong Thánh Lễ mừng Chúa Kitô Vua hôm nay, chúng ta quy tụ về từ hơn 80 quốc gia trên thế giới. Chúng ta muốn làm mới lại cam kết của chúng ta, đó là đi theo Chúa Cứu Thế như nhữngthừa sai của lòng thương xót mà Chúa đã tin tưởng gọi và trao sứ điệp của Ngài cho chúng ta. Quả thật, Năm Thánh là một hồng ân vô cùng lớn lao cho chúng ta và cho toàn thế giới. Năm Thánh này đã chạm đến rất nhiều người, ngay cả những anh chị em chưa tin vào Chúa Kitô. Sứ điệp của Lòng Thương Xót đã mang lại ý nghĩa cho tất cả.
Chúng ta đang cử hành Thánh Lễ trọng thể này trong sự hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô, với tất cả anh chị đang hiện diện nơi đây hay đang xem truyền hình trực tiếp, và với tất cả anh chị em tín hữu trên toàn thế giới. Chúng ta nhận ra rằng, tất cả mọi người không loại trừ một ai đều được mời gọi tham dự vào sứ vụ của Lòng Thương Xót, của chính Chúa Cứu Thế trong thế giới này.
Bài Tin Mừng hôm nay in đậm nét lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Những người đóng đinh Chúa Giêsu đang cười nhạo Ngài. Họ nghĩ rằng Ngài đã thất bại. Đây là cái kết của sứ vụ Ngài. Ngay giây phút ấy, Chúa Giêsu cầu nguyện cùng Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm!” “Lạy Cha xin tha cho!” – Đó là lòng thương xót. Nối tiếp là lời nguyện của tên trộm lành: “Giêsu! Hãy nhớ đến tôi! Đừng quên tôi khi Ngài vào Nước của Ngài!” Chúa liền đáp lại: “Ngay hôm nay, anh sẽ ở với tôi trên thiêng đàng!”
Lời nguyện của tên trộm đang chết trần truồng, cô đơn, bị bỏ rơi đau đớn trên thập giá: “Giêsu! Hãy nhớ đến tôi! Đừng quên tôi!” là một lời yêu cầu rất đơn giản. Nếu chúng ta thật sự lắng nghe tiếng kêu ấy, lời cầu nguyện ấy, thì cuộc sống của chúng ta sẽ được biến đổi, và chúng ta sẽ hiểu được thế nào là một nhà thừa sai của lòng thương xót. Tên trộm ấy đã nhận được nhiều hơn những gì anh ta có thể tưởng tượng hay mơ ước.
Biết bao nhiêu lần chúng ta đã nghe lời yêu cầu này: “Hãy nhớ đến tôi! Đừng quên tôi!” Trong gia đình, cha mẹ nói với con cái: “Hãy nhớ đến bố (mẹ)! Cầu nguyện cho bố (mẹ)! Đừng quên bố (mẹ) nhé!” Hay con cái nói với cha mẹ những lúc chúng có việc cần, hoặc khi đi xa: “Hãy nhớ đến con! Bố (mẹ) cầu nguyện cho con! Đừng quên con nhé!” Chúng ta vẫn nghe những lời này ở mọi ngõ ngách, nẻo đường khắp nơi trong cuộc sống. Chúng ta cách đặc biệt nghe những lời này ở bệnh viện và nhà hưu dưỡng, hay từ những anh chị em đang đau khổ: “Hãy nhớ đến tôi! Đừng quên tôi!” Đây là lời mà chúng ta vẫn thường nói với nhau mỗi khi gặp nhau.
Trong suốt Năm Thánh này, chúng ta rất nhiều lần đã nghe Đức Thánh Cha mời gọi hãy chạm vào vết thương của anh chị em mình, nhờ đó chúng ta có thể chạm vào vết thương của Chúa Giêsu. Như người Samari nhân hậu, anh ta đã không bỏ qua người bị nạn dở sống dở chết, vì anh ta đã thấy. Hay như người chăn chiên nhận ra thiếu mất một con chiên, vì anh ta nhớ tên từng con chiên và biết từng con chiên. Nếu chúng ta thấy với lòng thương xót, thấy bằng đôi mắt của Chúa Giêsu, chúng ta không thể quên, chúng ta sẽ phải nhớ!
Chúa Giêsu, ở bữa tiệc ly, đã trao cho chúng ta chính thân mình Ngài. Ngài cầm lấy bánh, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy!” Lời này của Chúa Giêsu mang lại ý nghĩa và sự sống cho lời cầu nguyện của tên trộm. Nói cách khác, lời cầu nguyện của tên trộm được chính lời nguyện Thánh Thể của Chúa Giêsu ôm lấy. Vì thế, lời nguyện của tên trộm phải là lời nguyện của chúng ta.
Đức Thánh Cha sau khi lên làm giáo hoàng đã giải thích vì sao Ngài chọn tên gọi là “Phanxicô.” Khi thấy số phiếu của ngài caonhất, Đức Hồng Y Hummes, ngồi bên cạnh liền thì thâm vào tai ngài: “Đừng quên người nghèo!” Đức Thánh Cha đã chọn tên gọi là “Phanxicô”, để ngài luôn nhớ đến người nghèo. Và lời đầu tiên của Vị Giáo Hoàng này nói với anh chị em của mình là: “Các con thân mến, đừng quên người nghèo!”
Trong thư mừng gởi Tổng Thư Ký mới của Liên Hiệp Quốc, ngài António Guterres, Đức Thánh Cha nhắn gởi một lời rất đơn sơ: “Xin ngài đừng quên người nghèo, những người ở bên lề xã hội!” Trong Lễ tấn phong các Hồng Y hôm qua tại Rôma, trong đó có một vị là tu sĩ DCCT, Đức Hồng Y Tobin, Đức Thánh Cha với các ngài: “Là Hội Thánh, chúng ta thể hiện chức năng bằng cách mở mắt để nhìn thấy những vết thương của rất nhiều anh chị em, những người đang bị tước mất phẩm giá, hay đang đánh mất phẩm giá của họ. Anh em hãy nhớ! Đừng quên!”
Khai mạc Tổng Công Hội XXV ở Pattaya, Đức Hồng Y Tagle, Tổng Giám Mục Manila, giúp chúng tôi tĩnh tâm hai ngày. Ngài thách đố chúng tôi chạm vào vết thương của Chúa Giêsu, chạm vào vết thương của người nghèo, người bị bỏ rơi. Điều này đã không ngừng được lập lại trong các thảo luận của anh em chúng tôi. Thật vậy, chúng ta được gọi để thấy, để chạm vào, và để nhớngười nghèo.
“Ngay hôm nay, anh sẽ ở với tôi trên thiêng đàng!” Đây quả thật là lời của an ủi, của mừng vui, của hy vọng. Đó là sứ vụ của chúng ta: Ở với những người mà chúng ta đang chạm vào vết thương của họ – chạm vào vết thương của Chúa Giêsu nơi vết thương của họ. Vì Chúa Giêsu đã nói: “Mỗi lần anh em làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Thầy đây, là anh em đang làm cho chính Thầy vậy.”
Tôi xin phép anh chị em cho tôi được nói đôi lời với các Tân Tổng Cố Vấn của nhiệm kỳ sáu năm tới. Trước tiên, xin cho tôi được giới thiệu các ngài với anh chị em.
- Cha Alberto Eseverri, Phó Bề Trên Tổng Quyền (Tây Ban Nha)
- Cha Pedro López Calvo (Tây Ban Nha)
- Thầy Jeffrey Rolle (Caribbean)
- Cha Nicholas Issifi Ayouba Martin (Africa West)
- Cha Sebastian Dato (Indonesia)
- Cha Rogério Gómes (Brazil)
Anh em thân mến,
Trong công việc mục vụ, anh em đã được chạm vào những vết thương của Chúa Giêsu nơi người nghèo, nơi người bị bỏ rơi. Anh em đã làm điều đó khi anh em thi hành sứ vụ như những người rao giảng Tin Mừng, như những mục tử nơi các nhóm và cộng đoàn anh em phục vụ, hay như những người lo công việc đào tạo các tu sĩ thừa sai DCCT tương lai cho Hội Thánh. Anh em đã làm những điều ấy như mục tử và như người anh em giữa anh chị em mình.
Bây giờ anh em được gọi vào một công việc rất đặc biệt. Anh em được gọi để làm tăng sức sống cho anh em trong Dòng và cho các anh chị em giáo dân khắp nơi trên thế giới trong sứ vụ của lòng thương xót. Anh em chỉ có thể làm được điều này khi anh em không quên những nơi chốn mà anh em đã phát xuất, và những ai anh em đã chạm vào, cũng như những ai đã chạm vào cuộc đời anh em. Hãy nhớ với lòng thương xót thì anh em sẽ có thể làm tăng sức sống cho Hội Dòng này, hầu Tin Mừng của Lòng Xót Thương và Ơn Cứu Chuộc Chứa Chan tiếp tục được loan báo. Xin cám ơn anh em đã nói “vâng” và nhận công việc này!
Vạn tuế Chúa Cứu Thế!
Vạn tuế Vua Kitô!
Vạn tuế tất cả những ai đang tiếp tục sứ vụ của Chúa Cứu Thế trên thế giới này!
Bangkok, ngày 20 tháng 11 năm 2016
Phaolô Lưu Quang Bảo Vinh (ghi lại)