Bài giảng của Đức Gioan Phaolô II trong ngày tôn phong 117 vị thánh tử đạo tại Việt Nam (19.06.1988)

Chân dung Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II

 

1-“Chúng tôi rao giảng Đức Ki-tô bị đóng đinh” (1Cr 1,23)

Mượn lời ấy của Thánh Phaolô Tông đồ, Giáo Hội Rôma hôm nay xin chào Giáo Hội tại Việt Nam, mà dẫu xa cách về địa lý, vẫn rất ư gần gũi với trái tim chúng tôi; đồng thời cũng xin chào toàn thể đất nước Việt Nam, và với tất cả lòng thương mến, cầu chúc quý quốc được mọi sự lành.

Tư tưởng đầu tiên, thân tình và âu yếm của tôi xin gởi đến hiền đệ quý yêu, Hồng y Giuse Maria Trịnh Văn Căn, Tổng Giám Mục Hà Nội và đến tất cả Giám Mục đoàn của Giáo hội Việt Nam, mà tôi cảm thấy là đang kết hiệp cách thiêng liêng với tôi trong lúc này. Cùng với các ngài, tôi xin chào các linh mục, các tu sĩ nam nữ, các giáo dân đang dấn thân vào hoạt động truyền giáo, mọi Ki-tô hữu của quốc gia mà trong lúc này, tôi cảm thấy gần gũi cách sâu xa và đặc biệt.

Tôi cũng ao ước kính chào các anh em thân yêu trong hàng Giám mục cùng đến với những nhóm tín hữu từ Tây Ban Nha, Pháp và Phi Luật Tân, các xứ sở mà qua họ, đã kết hợp với nhau trong ba thế kỷ phúc âm hóa những vùng đất ấy. Họ đang ở đây để tưởng niệm vô số huynh đệ thừa sai xuất xứ từ các quốc gia của họ.

Ngoài ra tôi cũng gởi lời chào đến các cha Đaminh thuộc tỉnh dòng Đức Mẹ Mân Côi, thành lập cách đây 400 năm, đến Hội Thừa sai Hải ngoại Paris; thuộc về hai gia đình dòng tu này là nhiều vị trong số các Giám mục và Linh mục mà hôm nay chúng ta tôn kính như những vị Tử đạo vì đức tin và vì rao giảng Tin Mừng.

2-Trong đại cộng đoàn Giáo Hội, tôi đặc biệt chào mừng các anh chị em Việt Nam thân yêu đến từ mọi phần của thế giới, từ Mỹ Châu và Á Châu, từ Úc Châu và từ mọi xứ Âu Châu. Tôi biết rằng anh chị em đang được thúc đẩy bởi ước vọng tôn vinh các huynh đệ tử đạo của mình nhưng cũng bởi nhu cầu tái xây dựng -chung quanh ký ức về họ- tình huynh đệ, mối thân hữu, niềm thương mến đang tràn ngập trái tim anh chị em, bởi lẽ tất cả anh chị em đều xuất phát từ cùng một tổ quốc. Trong các kỷ niệm được làm sống lại của mình, quê hương anh chị em đúng là cái mà anh chị em đang hướng về với tình yêu, nhung nhớ, với ước vọng được sống ở đây -nơi anh chị em đang cảnh kiều cư lưu tán-  một giây phút hiệp thông chan chứa niềm hy vọng. Cùng với anh chị em công bố Đức Kitô chịu đóng đinh, hôm nay chúng tôi muốn tạ ơn Thiên Chúa vì chứng tá đặc biệt mà các vị Tử Đạo của Giáo Hội anh chị em đã bày tỏ với Người, dù họ là đông đảo con dân nước Việt hay là các vị thừa sai đến từ những xứ sở trong đó đức tin vào Chúa Kitô đã đâm rễ sâu rồi.

Truyền thống của anh chị em nhắc cho chúng tôi nhớ lại rằng câu chuyện tử đạo của Giáo Hội Việt Nam từ nguồn gốc rất bao quát và phức tạp. Từ năm 1533, nghĩa từ khởi thủy việc rao giảng Ki-tô giáo tại Đông Nam Á, Giáo Hội Việt Nam suốt ba thế kỷ đã chịu nhiều cuộc bách hại khác nhau vốn xảy ra liên tiếp, với một vài lúc ngưng nghỉ, y như những cuộc bách hại từng giáng xuống Giáo Hội tại Tây phương trong ba thế kỷ đầu. Đã có hàng ngàn Ki-tô hữu bị đưa tới pháp trường tử đạo, và nhiều hơn thế là những kẻ đã chết trên núi, trong rừng, nơi những vùng đất độc hại mà họ đã bị đày đến.

Làm sao nhớ tới tất cả họ? Cho dẫu có giới hạn vào những vị được phong thánh hôm nay, chúng ta cũng không thể dừng lại nơi mỗi một trong họ. Họ là 117 vị, trong đó có 8 Giám mục, 50 Linh mục, 59 giáo dân, giữa số này có một phụ nữ, A-nê Lê Thị Thành, mẹ của sáu người con.

Nhắc lại một hay hai khuôn mặt là đủ, như khuôn mặt của cha Vinhsơn Liêm, dòng Đaminh, chịu tử đạo năm 1773; ngài là người đầu tiên trong số 92 vị tử đạo có quốc tịch Việt Nam. Rồi một Linh mục khác, Anrê Dũng Lạc, có cha mẹ rất nghèo khổ và ngoại đạo; ngay từ nhỏ được giao cho một thầy giảng, ngài đã trở thành Linh mục năm 1823, làm quản xứ và thừa sai trong nhiều địa điểm khác nhau của xứ sở. Được cứu khỏi nhà tù hơn một lần, nhờ những món tiền chuộc được các tín hữu quảng đại trả, ngài vẫn nhiệt tâm mong chịu tử đạo. “Ai chết vì Đức tin –ngài nói– thì lên trời; trái lại chúng tôi cứ ẩn náu liên tục, tốn tiền đút lót cho những kẻ bách hại! Tốt hơn nên để cho chúng tôi bị bắt và chết”. Được một lòng nhiệt thành lớn lao và ân sủng Chúa nâng đỡ, ngài đã chịu trảm quyết tử đạo tại Hà Nội ngày 21-12-1839.

3-Bài Tin Mừng hôm nay đã nhắc cho chúng ta nhớ những lời Đức Kitô Giê-su đã dùng để loan báo cho các môn đệ mình về những cuộc bách hại mà họ sẽ chịu:“Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10,17-18). Đức Giê-su đã nói cho các Tông đồ và cho các môn đệ mọi thời; Người đã nói một cách hết sức thẳng thắn! Người đã không làm hiện ra trước mắt họ những hứa hẹn giả trá,  nhưng trong sự toàn vẹn của chân lý vốn luôn đặc trưng cho các lời nói của mình, Người đã chuẩn bị họ đón nhận điều tồi tệ nhất: “Em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu độ” (Mt 10,21-22).

4-Tuy nhiên, Thầy Chí Thánh/Vị Thần Sư đã không để các môn đệ và các tín hữu của mình vô phương bảo vệ trước những cơn bách hại lớn lao:“Khi người ta nộp anh em, thì anh em đừng lo phải nói gì; không phải chính anh em nói, mà là Thần Khí của Cha anh em nói trong anh em” (Mt 10,19-20).

Thần Khí thánh. Thần Khí sự thật. Người sẽ là sức mạnh cho sự yếu đuối của anh em. Với sức mạnh của Người, anh em sẽ nêu chứng tá.

Chính sự kiện anh em nêu chứng tá về Đức Kitô chịu đóng đinh, phải chăng không cần một sự khôn ngoan và một sức mạnh vượt trên các sức mạnh loài người?

Và phải chăng Thánh Tông Đồ đã không viết về Đức Ki-tô rằng Người bị “dân Do Thái coi là ô nhục và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,23?

Đã xảy ra như thế thời các Tông Đồ. Điều ấy cũng đã lặp lại như thế trong các thời đại khác nhau của lịch sử, ở nhiều lúc và nhiều chỗ khác nhau. Cũng đã xảy ra như thế vào những thời kỳ bách hại tôn giáo nhắm đến các Ki-tô hữu Việt Nam.

Thành ra đã cần có sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa để công bố mầu nhiệm tình yêu ấy của Thiên Chúa, nghĩa là việc cứu rỗi thế gian nhờ Thập Giá: mầu nhiệm lớn lao và cùng lúc không thể hiểu được đối với loài người.

“Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1Cr 1,25).

Vì thế Thánh Tông Đồ đã viết: “Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh”: Đấng Kitô -cụ thể trong mầu nhiệm Vượt qua của Người- là “sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,23-24).

5-Chính vì thế hôm nay, chúng ta có trước mắt các vị Tử Đạo Việt Nam như những thợ gặt của Thiên Chúa mà Thánh Vịnh đã ám chỉ: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126[125], 5-6).

Dưới ánh sáng của những lời mầu nhiệm ấy, chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa đích thực của chứng tá lịch sử nơi các vị Tử Đạo của Giáo Hội Việt Nam. Với nước mắt của họ, hạt giống Tin Mừng và ân sủng đã có nơi mà ơn huệ Đức tin trổ sinh dồi dào: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24)

Các vị Tử Đạo Việt Nam khi “gieo trong nước mắt”, thật ra đã khởi sự một cuộc đối thoại sâu xa và mang tính giải thoát với dân chúng và văn hóa của quốc gia họ, bằng cách công bố trước tiên sự thật và tính phổ quát của niềm tin vào Thiên Chúa, ngoài ra còn đề xướng một bậc thang các giá trị và nghĩa vụ đặc biệt thích hợp với nền văn hóa tôn giáo của cả thế giới Đông phương. Dưới sự hướng dẫn của cuốn giáo lý tiếng Việt đầu tiên, các ngài đã làm chứng cho sự kiện là cần phải tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất, như vị Thiên Chúa độc nhất đã tạo dựng đất trời. Đứng trước các quy định cưỡng bức của chính quyền đối với việc thực hành Đức Tin, họ đã quả quyết mình có tự do tin, bằng cách khẳng định với lòng can đảm khiêm tốn rằng Ki-tô giáo là chính nghĩa duy nhất mà họ không thể rời bỏ, vì không thể bất tuân đấng chủ tể tối thượng: Đức Chúa. Ngoài ra các ngài còn mạnh mẽ tuyên bố ý chí của mình là trung thực đối với quyền bính của xứ sở, không chống lại tất cả những gì là công chính và lương thiện; các ngài đã dạy phải tôn trọng và thờ kính Tổ Tiên, theo phong tục của vùng đất mình, dưới ánh sáng mầu nhiệm Phục Sinh. Giáo hội Việt Nam, với các vị Tử đạo của mình và qua chứng tá đặc thù, đã có thể công bố nghĩa vụ riêng và ý chí riêng là không từ khước truyền thống văn hóa và các định chế pháp lý của xứ sở; trái lại, Giáo Hội đã tuyên bố và đã chứng tỏ rằng mình muốn nhập thể vào đó, bằng cách trung tín góp phần vào sự tăng trưởng đích thật của quê hương.

Do đó, những tranh chấp và những căng thẳng chính trị vốn đã nổi lên trong các quan hệ giữa Ki-tô hữu với chính quyền, những mối lợi của các tôn giáo khác, những lý do kinh tế và xã hội, việc không thấu hiểu tính siêu việt và tính phổ quát của đức tin, tất cả đã làm nên hỏa lò trần gian ấy, nơi đã bày tỏ sự thuần khiết và sức mạnh của chứng tá lạ lùng này.

6-Nhưng từ đoàn rước dài các vị Tử Đạo, từ những đau khổ và nước mắt của họ, “mùa gặt của Chúa” đã đến. Chính các ngài, những bậc thầy của chúng ta, đang cho tôi cơ hội thuận lợi lớn lao là được trình bày trước toàn thể Giáo Hội sinh lực và sự vĩ đại của Giáo Hội Việt Nam, sức mạnh, lòng kiên nhẫn và khả năng của Giáo Hội này để đương đầu với các khó khăn đủ loại và để công bố Đức Kitô. Chúng ta cảm tạ Chúa vì những gì mà Thần Khí đã sinh ra cách dồi dào giữa chúng ta!

Một lần nữa, chúng tôi có thể nói rẳng đối với anh chị em, những Ki-tô hữu Việt Nam, máu các Tử Đạo là nguồn ân sủng để tiến lên trong Đức Tin. Trong anh chị em, đức tin của Tổ Tiên chúng ta còn tiếp tục truyền sang các thế hệ mới. Đức Tin này vẫn là nền tảng cho sự kiên trì của tất cả những ai đích thực cảm thấy mình là người Việt Nam, trung thành với đất nước của họ, đồng thời vẫn muốn làm môn đệ chân chính của Đức Kitô. Mọi Ki-tô hữu đều biết rằng Tin Mừng kêu gọi tuân phục các định chế của loài người vì tình yêu đối với Chúa, kêu gọi làm điều thiện, ứng xử như những cá nhân tự do, tôn trọng mọi người, yêu thương anh em, kính sợ Thiên Chúa, tôn trọng chính quyền và và các định chế công cộng (x. 1Pr 2,13-17). Do đó, việc tìm kiếm thiện ích chung của quê hương là một nghĩa vụ chân thành của công dân Ki-tô hữu, trong niềm tự do công bố sự thật của Thiên Chúa, trong sự hiệp thông với các mục tử và các anh em cùng đức tin, trong ước  vọng sống an bình với mọi người khác để thành tâm xây dựng thiện ích cho tất cả.

7-“Máu các Tử Đạo là hạt giống sinh Ki-tô hữu”.

“Hạt giống các Ki-tô hữu”: Ngoài hàng ngàn hàng vạn tín hữu trong các thế kỷ trước đã theo bước chân Đức Ki-tô, hôm nay còn có những người làm việc, đôi khi trong khắc khoải và quên mình, với tham vọng duy nhất là có thể bền gan trong vườn nho của Chúa như những tôi trung nắm được các của cải Nước Trời.

“Hạt giống các Ki-tô hữu”, họ là tất cả những ai mà hôm nay cũng thế, giữa dân tộc họ và vì chính nghĩa Thiên Chúa, đang cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của Tin Mừng Đức Kitô và của thập giá Người, với bổn phận mà điều này bao hàm là làm việc và cầu nguyện cho Nước Cha trị đến trong mọi tâm hồn, và đặc biệt trong xứ sở, nơi mà Chúa đã kêu gọi họ sinh sống. Bổn phận ấy, hoạt động nội tâm thường xuyên và nghiêm ngặt ấy, đòi hỏi sự kiên trì và lòng trung thành chờ đợi của những kẻ biết rằng Thiên Chúa Quan Phòng đang làm việc với họ để khiến cho các nỗ lực và cả những khổ đau của họ nên hữu hiệu.

8-“Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa”. (Kn 3,1)

Sách Khôn ngoan đã công bố sự thật huy hoàng ấy, một sự thật đang tràn ngập với biết bao ánh sáng cái biến cố mà chúng ta cử hành hôm nay.

Phải! “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa và chẳng cực hình nào động tới được nữa”. Xem ra những lời ấy không tương ứng với thực tế lịch sử: thật vậy, các vị Tử Đạo đã chịu những cực hình và cả đến mức khủng khiếp!

Nhưng tác giả được linh ứng đã quảng diễn rộng rãi tư tưởng của mình:

“Bọn ngu si coi họ như đã chết rồi; khi họ ra đi, chúng cho là họ găp phải điều vô phúc. Lúc họ xa rời chúng ta, chúng tưởng là họ bị tiêu diệt, nhưng thực ra họ đang hưởng an bình. Người đời nghĩ rằng họ đã bị trừng phạt, nhưng họ vẫn chứa chan hy vọng được trường sinh bất tử” (Kn 3,2-4).

Hỡi các Thánh Tử Đạo! Hỡi các Tử Đạo Việt Nam! Hỡi các chứng nhân cho chiến thắng của Đức Kitô trên tử thần! Hỡi các chứng nhân cho ơn gọi của con người là được bất tử!

Sách Khôn ngoan tiếp tục: “Sau khi chịu khổ đôi chút, Các Vị sẽ được hưởng ân huệ lớn lao, vì Thiên Chúa đã thử thách Các Vị và thấy Các Vị xứng đáng với Người. Người đã tinh luyện Các Vị như người ta luyện vàng trong lò lửa, và đón nhận Các Vị như của lễ toàn thiêu” (x. Kn 3,5-6)

Phải! Như của lễ toàn thiêu, kết hợp với hy tế Thập Giá của Đức Kitô. Thật thế, quả vậy, hỡi các Tử đạo Việt Nam, Các Vị đã công bố –đến hậu quả cùng cực– Đức Kitô bị đóng đinh, khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Chúng ta hãy hướng về Đức Kitô, Đấng làm cho chúng ta đạt được ơn Thiên Chúa cứu độ.

9-“Những ai trông cậy vào Người – vào Đức Kitô tử nạn và phục sinh – sẽ am tường sự thật; những ai trung thành sẽ được Người yêu thương và cho ở gần Người, vì Người ban ân phúc và xót thương những ai Người tuyển chọn”. (x. Kn 3, 9)

Hỡi Các Vị – những người chịu tuẫn giáo! Hỡi Các Vị – những người được tuyển chọn!

Xin hãy nghe cho hết những gì sách Khôn ngoan nói về Các Vị: “Trong ngày phán xét, họ sẽ rực sáng như những tia lửa bén nhanh khắp rừng sậy” (Kn 3,7).

Như những tia lửa, như những chớp sáng chiếu soi… Xin hãy nghe cho hết những gì sách Khôn ngoan nói về Các Vị: “Họ sẽ xét xử muôn dân và thống trị muôn nước. Và Đức Chúa sẽ là vua của họ đến muôn đời” (Kn 3,17).

Đức Chúa… Đức Kitô tử nạn và phục sinh. Đấng đã đến thế gian – không phải “để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ Người mà được cứu độ” (Ga 3,17)

Đức Kitô ấy! Các Vị đã tham gia vào thống khổ và thập giá của Người, như thế Các Vị đã thông phần vào việc cứu độ trần gian do Người thực hiện.

Ước gì mùa gặt của Các Vị kéo dài mãi trong hân hoan!

Linh mục Phê-rô Phan Văn Lợi dịch từ nguyên văn tiếng Ý

http://w2.vatican.va/content/john-paul-ii/it/homilies/1988/documents/hf_jp-ii_hom_19880619_martiri.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.