Người sắc tộc thiểu số ở đâu cũng như nhau, họ đều chịu nhiều thiệt thòi từ thời tiết, khí hậu, phong thổ, địa lý, xã hội và nhiều thứ không thể kể hết được.
Từ thành phố Manila, chúng tôi phải mất hơn 3 tiếng mới tới được chỗ bản làng này. Đường xá gập ghềnh hiểm trở khiến tài xế nhiều lúc bẻ cua gấp làm tôi có cảm tưởng đang được đi hãng hàng không mặt đất.
Người dân ở đây vốn sống ở vùng sâu, vùng xa và ở trên những ngọn núi cao hơn cả ngọn núi mà họ đang cư trú. Nghe nói hơn 30 năm trước, ngọn núi lửa hoạt động trở lại buộc họ phải đi xuống vùng thấp hơn.
Dọc đường đi, tro bụi từ trận phun núi lửa vẫn hiện rõ trên từng luống đất. Người dân ở đây hình như họ quen với cái nghèo, cái khổ lâu rồi nên họ thấy bình thường. Bản thân tôi lên thời gian ngắn mà thấy mệt và đuối.
Cứ nghĩ lên núi cao thì thời tiết mát mẻ không ngờ, ở đây nắng như đổ lửa. Đi ra khỏi lều là nắng nóng bủa vây. Đêm đến thì lại lạnh thấu xương. Các thầy đùa: Bọn em ở đây tối ngủ có điều hòa anh ạ.
Điện thì có nhưng khan hiếm nhất là nước. Mấy thầy lên tiền trạm kể bọn em hai ngày nay mới tắm một lần. Mỗi lần hết nước là phải xách xô đi mua nước, còn không thì xuống suối dưới thung lũng xa kia.
Người dân ở đây nghèo vật chất, nhưng họ rất giàu tình cảm. Đón tiếp chúng tôi là những người xa lạ nhưng họ vẫn như là anh em lâu ngày gặp lại.
Các gia đình trong ảnh là những ‘forster parents’ – những bố mẹ nuôi của các thầy trong những ngày tiền trạm. Nuôi đúng nghĩa lo cho chỗ ngủ, miếng ăn trong những ngày vừa qua. Nhà nào cũng dành cho các thầy chỗ ngủ tươm tất nhất có thể.
Nhà người dân tộc thì bạn biết rồi đó. Gà, vịt sống chung với gia chủ. Tôi hỏi đùa: Thế gà mà không rào lại nó sang nhà hàng xóm thì sao? Họ chỉ cười, không trả lời được. Người dân tộc đơn sơ và hiền lành quá đỗi.
Cả làng nhà nào cũng chỉ làm bằng tre nứa đan lại, duy có ngôi nhà nguyện nhỏ là có vẻ kiên cố nhưng cũng chỉ có hai bức tường đầu và cuối. Có gì tốt đẹp nhất, người ta dành sẵn để lo cho việc nhà Chúa.
Mấy thầy nấu một nồi pancit- một loại miến xào với rau và chút thịt- để làm bữa tiệc liên hoan chia tay với các bố mẹ nuôi. Đơn sơ mà vui. Nhà nào nhà nấy tự vác đĩa, xìa đến chứ các thầy không chuẩn bị đủ.
Vui hơn là khi ăn, trẻ con kéo đến lại càng đông, thế lại chúng tôi lại phải kêu mấy em về nhà mang đĩa, xìa đến đây để ăn cùng. Kệ, có bao nhiêu dùng bấy nhiêu. Người dân tộc họ cũng thoải mái, chẳng câu nệ gì.
Đến khi chia tay về lại xuôi, có mấy đứa nhỏ ôm chặt lấy các thầy, không muốn rời xa khiến bố mẹ phải dỗ dành mãi. Ở cùng các gia đình mấy ngày thôi, nhưng các thầy đã được họ coi như người nhà. Có thầy được gia đình quí mến tặng cho chiếc ngà nhỏ, tôi không rõ là ngà của loại thú rừng nào, nhưng chắc không phải ngà voi vì nhỏ trong lòng bàn tay. Vật đó đối với người dân tộc ắt hẳn là rất đáng quí.
Chia tay bản làng và hẹn tuần thánh, các thầy khác sẽ lên đây để ở cùng với bản làng.
Đi tu có những niềm vui mà thế gian dù có tiền không mua nổi được như vậy đó.
Vũ Đức Trung, C.Ss.R