Bạn muốn Chúa Kitô đến với thế giới, nhưng bạn không biết bạn có đang đi đúng đường không? Theo Đức Phanxicô, các người đi truyền giáo có những đặc tính riêng của mình.
Trong bài diễn văn cảm động nhân ngày Các Hội Giáo hoàng Truyền Giáo ngày 21 tháng 5-2020, Đức Phanxicô đã nhắc lại một vài điểm chính trong Tông huấn Niềm vui Tin Mừng Evangelii gaudium để chúng ta có thể phân biệt được cỏ tốt cỏ xấu.
Theo ngài, người đi truyền giáo có thể được nhận ra qua các đức tính tốt…
Họ vui vẻ
Đức Phanxicô giải thích: “Nếu chúng ta theo Chúa Giêsu, chúng ta hạnh phúc được Ngài thu hút thì người khác sẽ nhận thấy và họ không thể nào không ngạc nhiên.” Biết bao nhiêu lần, chúng ta có kinh nghiệm này: một khuôn mặt tươi cười thì thuyết phục hơn là một bài diễn văn dài! “Niềm vui thể hiện nơi những người được Chúa Kitô và Thần Khí thu hút làm cho mọi sáng kiến truyền giáo được phong phú và sinh hoa kết trái.” Đức Phanxicô đưa ra ở đây một nguyên tắc đơn giản, dường như đây là một trong các điểm chính triều giáo hoàng của ngài: chính nhờ sức thu hút mà một tâm hồn mới trở lại. Mầu nhiệm Cứu chuộc có thể thu hút người khác vì “Chúa Kitô mạc khải cho chúng ta bằng cách thu hút chúng ta,” ngài trích câu nói của Thánh Âugutinô để dẫn chứng. Thật đẹp khi thấy Chúa Giêsu không chỉ thuyết phục ý chí chúng ta mà còn thu hút niềm thích thú của chúng ta!
Nuôi dưỡng lòng biết ơn và tinh thần nhưng không
Đức Phanxicô nói tiếp: “Niềm vui loan báo Tin Mừng luôn tỏa sáng trên nền tảng của lòng biết ơn.” Các môn đệ không bao giờ quên giây phút Chúa Kitô chạm đến tâm hồn họ mỗi người chúng ta đều nhớ đến giây phút gặp gỡ Ngài và tạ ơn về ơn này. Và thật vậy, lựa chọn đi theo con đường truyền giáo là “phản ánh lòng biết ơn” mình đã biết Chúa Kitô, đó là hệ quả. Đức Phanxicô giải thích: “Đó là đáp trả của một người qua lòng biết ơn, đã tỏ ra dễ bảo với Chúa Thánh Thần, và vì thế họ tự do.” Từ lòng biết ơn này nảy sinh ra phép lạ của sự nhưng không, ơn hiến mình nhưng không. Tuy vậy Đức Phanxicô cảnh báo: “Ngược lại, sẽ là vô ích hoặc không thích ứng nếu giới thiệu truyền giáo và loan báo Tin Mừng như một bổn phận bắt buộc, một loại nghĩa vụ làm vì mình đã được rửa tội”. Vì thế chúng ta phải biết cám ơn cho cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, tinh thần truyền giáo của chúng ta sẽ được đổi mới!
Họ khiêm tốn
Đức Phanxicô cảnh báo: “Chúng ta không bao giờ phục vụ Giáo hội bằng lối kiêu ngạo, xem bí tích và lời nói của đức tin kitô giáo là chiến lợi phẩm vì xứng công.” Bởi vì sự thật, đức tin, hạnh phúc, cứu rỗi không phải là “tài sản của chúng ta”, Tin Mừng Chúa Kitô chỉ có thể được loan báo trong tinh thần khiêm tốn. Đức Phanxicô nhắn nhủ: “Đức tính này rất khó để có, chúng ta chỉ có được khi theo Chúa Kitô, nhận lời giáo huấn của Ngài với các môn đệ, ‘Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.’ (Mt 11, 29). Khi nhìn vào Ngài, tất cả các quan niệm sai lầm của chúng ta về đức khiêm tốn sẽ bị gạt bỏ.
Họ không làm cho Tin Mừng trở nên phức tạp, nhưng làm cho thành dễ dàng
Archiwum prywatne
Đức Phanxicô xin chúng ta: “Đừng đặt trở ngại cho ước mong của Chúa Kitô, Đấng cầu nguyện cho chúng ta và muốn chữa lành cho thế giới.” Đây là điểm thiết yếu của Đức Phanxicô. Ngài nói: “Một trái tim truyền giáo nhận ra tình trạng thực tế của người dân, với các giới hạn, tội lỗi, yếu đuối của họ và họ yếu với người yếu.” Vì thế, theo Đức Phanxicô, đi truyền giáo đôi khi phải đi chậm để “tháp tùng những người còn ở bên lề đường.” Giáo hội không phải là “sở thuế” và bất cứ ai tham dự vào công việc của Giáo hội đều phải “không được làm thêm gánh nặng vô ích cho những người đã vất vả trong cuộc sống, không áp đặt những con đường đào tạo rắc rối nhiêu khê, cực nhọc để được hưởng những gì đã được Chúa ban cho một cách dễ dàng.”
Gần gũi với mọi người
Đức Phanxicô hài hước nói: “Chúa Giêsu không gặp các môn đệ trong một cuộc hội thảo, một buổi đào tạo hay trong ngôi đền, Ngài gặp họ bên bờ hồ Galilê khi họ đang bận làm việc. Và khi nào “việc loan báo ơn cứu rỗi Chúa Giêsu cũng là nơi người dân đang ở, trong đời sống cụ thể của họ.”
Người đi truyền giáo luôn tìm gặp người dân trong đời sống bình thường của họ, “tham dự vào các nhu cầu, các hy vọng, vào các vấn đề của họ.” Thay vì phát minh ra đủ kiểu để đào tạo, tạo ra các buổi họp dành riêng, các mô hình song song trong đó chúng ta lặp lại các khẩu hiệu của chính mình, thì người đi truyền giáo nên tìm nơi chốn và thì giờ để đi gặp người anh em. Một chiến thuật mời gọi chúng ta đi ra khỏi các vòng khép kín.
Ưu tiên cho người nghèo
Đức Phanxicô nhắc lại, tất cả những ai đi truyền giáo, nếu họ có Chúa Thánh Thần trong lòng, họ sẽ đặt ưu tiên cho người nghèo, người thấp bé, như dấu chỉ và phản ánh quan tâm của Chúa với những người này. Và ngài nói thêm: “Những người trực tiếp tham dự trong các sáng kiến và cấu trúc truyền giáo của Giáo hội không bao giờ nên biện minh cho sự vô tâm của mình, – rất phổ biến trong một số môi trường giáo sĩ – với lý do họ phải tập trung năng lực vào các công việc ưu tiên khác của truyền giáo. Không, ưu tiên cho người nghèo không phải là một lựa chọn tùy tiện của Giáo hội”. Làm thế nào để gần những người khốn cùng nhất trong thời đại dịch Covid-19 này?
Họ cùng ở với Chúa Thánh Thần
Đức Phanxicô giải thích, tất cả các đức tính trên sẽ không có ý nghĩa nếu chúng ta quên điều thiết yếu: ngoài Chúa Thánh Thần, không có gì là có thể. Mỗi môn đệ truyền giáo phải ghi nằm lòng, “chính Chúa Thánh Thần thổi lửa và giữ đức tin trong tâm hồn”. Trong thực tế, Chúa Kitô “đã nói lời chứng của Ngài qua qua các việc Ngài đã thực hiện trong chúng ta và cùng với chúng ta.” Các người đi truyền giáo phải tin, Chúa Kitô đã có trái tim của họ trong quyền lực của Ngài.” Nếu chúng ta chỉ tin vào việc cầu nguyện, Chúa thực sự không thể ban cho chúng ta Thánh Linh của Ngài, “những lời cầu nguyện này không xác thực mà chỉ là các công thức trống rỗng, những lối nói, những tùy nghi được được áp đặt để tuân thủ theo Giáo hội.” Chúng ta có thực sự tin Chúa Kitô có thể thay đổi trái tim của chúng ta không?
Marta An Nguyễn dịch
Nguồn: http://phanxico.vn/