Ngày 21/12, với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha, Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành thông tư “Tính đạo đức của việc sử dụng một số vắc-xin ngừa Covid-19”, trong đó khẳng định rằng trong đại dịch này, việc sử dụng các vắc-xin được điều chế bằng cách sử dụng các dòng tế bào lấy từ hai bào thai bị phá thai vào những năm 1960 là có thể chấp nhận về mặt đạo đức.
Bộ Giáo lý Đức tin ban hành tài liệu này sau khi nhận được những yêu cầu xin hướng dẫn về việc sử dụng các vắc xin ngừa Covid-19, cũng như để làm rõ những nghi ngờ và câu hỏi nảy sinh từ những tuyên bố đôi khi mâu thuẫn về vấn đề này.
Tài liệu nhắc lại ba tuyên bố trước đó về cùng một chủ đề: của Hàn Lâm viện Tòa Thánh về Sự sống vào năm 2005; Huấn thị Dignitas Personae – Phẩm giá con người – của Bộ Giáo lý Đức tin vào năm 2008 và cuối cùng là Thông tư mới của Hàn Lâm viện Tòa Thánh về Sự sống vào năm 2017.
Bộ Giáo lý Đức tin khẳng định tài liệu “không có ý định đánh giá tính an toàn và hiệu quả của các vắc xin này, nhưng chỉ xem xét các khía cạnh đạo đức của việc sử dụng chúng.”
Không cộng tác chính thức hay hợp pháp hóa việc phá thai
Theo Bộ Giáo lý Đức tin, khi vì nhiều lý do khác nhau, các vắc-xin ngừa Covid “hoàn toàn không có vấn đề về mặt đạo đức” chưa có sẵn, thì việc tiêm vắc-xin được điều chế bằng việc sử dụng các dòng tế bào từ bào thai bị phá thai là “có thể chấp nhận về mặt đạo đức”.
Tài liệu của Bộ giải thích rằng việc cộng tác vào tội ác phá thai, trong trường hợp này là người tiêm vắc-xin, là tương quan “xa” và nghĩa vụ đạo đức phải tránh cộng tác này “không có tính ràng buộc” nếu chúng ta đang ở trong tình trạng có virus lây lan không ngăn chặn được, như trong đại dịch Covid-19. Do đó, “trong trường hợp này, tất cả các loại vắc xin được công nhận là an toàn và hiệu quả về mặt lâm sàng đều có thể được sử dụng với nhận thức rằng việc sử dụng các loại vắc-xin như vậy không có nghĩa là hợp tác chính thức vào việc phá thai mà từ đó các tế bào được dùng sản xuất vắc-xin được lấy”.
Bộ Giáo lý Đức tin cũng nói rõ rằng việc sử dụng các vắc-xin này không làm cho việc phá thai trở thành hợp pháp và cũng không phải là chấp thuận về mặt đạo đức việc sử dụng các dòng tế bào từ bào thai bị phá.
Tiêm ngừa vì lợi ích chung
Trong khi nhắc rằng dù chủng ngừa Covid không phải là nghĩa vụ đạo đức, Thánh Bộ nhấn mạnh đến việc tiêm chủng vì lợi ích chung, đặc biệt là để bảo vệ những người yếu nhất và dễ bị lây nhiễm nhất. Nếu từ chối tiêm chủng vì lý do lương tâm thì phải cố tránh trở thành tác nhân lây nhiễm. (CSR_9449_2020)
Hồng Thủy – Vatican News