Sẽ có khoảng 600 bạn trẻ Phi châu đến Lisbon tham dự Ngày Giới trẻ Thế giới diễn ra từ ngày 01 đến 06/8. Những bạn trẻ không thể đi được do khó khăn về tài chính, thị thực, các Giáo hội sẽ tổ chức Đại hội tại chỗ trùng với thời gian sự kiện diễn ra ở Lisbon, với cùng một chủ đề.
Giáo hội Togo: Khi Đại hội được tổ chức ở Panama vào năm 2019, chỉ có cha Dominique Rosario, điều phối viên mục vụ giới trẻ của Hội đồng Giám mục tham gia, nhưng năm nay, Giáo hội Togo chính thức gửi một nhóm 30 người đến Lisbon. Để chuẩn bị cho sự kiện quốc tế, trong thời gian qua, nhóm đã có những buổi gặp nhau tại trụ sở của Hội đồng Giám mục để học hỏi về ý nghĩa của Đại hội, các nền văn hoá. Cha Dominique cho biết nhóm do cha hướng dẫn gồm 6 linh mục, một nữ tu và 20 bạn trẻ đến từ 4 trong 7 Giáo phận của cả nước. Cũng như ở nhiều quốc gia Phi châu khác, số người tham gia Đại hội của Togo hạn chế, nhưng Giáo hội sẽ tổ chức tuần lễ của các Giáo phận tại Tổng Giáo Phận Evora, và sẽ làm cho sự kiện trở nên sống động hơn qua kết nối mạng xã hội.
Tại các Giáo hội Niger và Burkina Faso: Đức Hồng Y Philippe Ouédraogo, Tổng Giám Mục Ouagadougou của Burkina Faso, mời gọi các tín hữu đồng hành với Đại hội Giới trẻ bằng cầu nguyện, tin tưởng rằng đây sẽ nguồn hy vọng. Một linh mục của Giáo phận Niamey của Niger bày tỏ sự hài lòng vì trong những năm qua Sahel phải chịu các cuộc tấn công khủng bố, nhưng với Đại hội Giới trẻ lần này, Burkina Faso và Niger, vốn thường có một phái đoàn chung, đã có thể gửi 75 bạn trẻ tham gia.
Giáo hội Cameroon: Sơ Anne Marie Ekomo, người đồng hành với các bạn trẻ tham dự sự kiện tại Lisbon bày tỏ niềm vui, vì mặc dù là một quốc gia bị các chiến binh thánh chiến đe doạ nhưng Giáo hội vẫn có thể gửi các bạn trẻ đến Đại hội. Sơ hy vọng trong tương lai Phi châu sẽ tổ chức sự kiện này. Bởi vì theo sơ nếu lục địa đã có thể tổ chức một giải bóng đá thế giới, thì cũng có thể tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới.
Maïmouna Baldé, một bạn trẻ đang sống ở quốc gia Guinea cho biết, đất nước đang gặp khủng hoảng từ sau cuộc đảo chính lật đổ tổng thống vào năm 2021, việc xin thị thực rất khó. Không đợi được chọn từ Giáo phận, nhà xã hội học trẻ đã đăng ký trực tuyến và may mắn được nhận. Với khả năng tài chính ổn định và phải trình khoảng 50 loại giấy tờ, cô đã được lãnh sự quán Bồ Đào Nha cấp thị thực.
Giáo hội Marốc và Tunisia sẽ không gửi phái đoàn tham gia sự kiện, nhưng sẽ tổ chức Đại hội cho các bạn trẻ tham gia trực tuyến. Giải thích về điều này, linh mục chính xứ của nhà thờ Chính toà Rabat của Marốc nói: “Từ năm 2000, chúng tôi không gửi phái đoàn tham gia Ngày Giới trẻ Thế giới nữa. Bởi vì thực tế vào năm đó, 20 người trong số 40 đã ở lại Roma và không trở về quê hương. Do đó, các bạn trẻ sẽ tham gia Đại hội Giới trẻ từ xa. (Cath. 12/6/2023)
Ngọc Yến – Vatican News