Sau sáu năm được tự do, nhờ sáng kiến của tổ chức Portes Ouvertes-Những cánh cửa mở rộng, nhiều Kitô hữu Iraq chạy trốn khỏi Daesh đang trở về quê hương.
Từ năm 2014, khi Daesh cố gắng thành lập Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, cộng đoàn Kitô hữu ở Iraq đã bị bách hại nặng nề. Một số người bị đóng đinh và chặt đầu tại quảng trường công cộng, trong khi hầu hết buộc phải chạy trốn khi nhà của họ bị lục soát và phá hủy.
Tổ chức phi chính phủ Portes Ouvertes hiện có mặt ở 70 quốc gia, giúp đỡ những người bị bách hại nặng nề nhất vì đức tin, đã tái xây dựng hơn 2.250 ngôi nhà ở vùng đồng bằng Ninivê.
Ông Guillaume Guennec, nhân viên của Portes Ouvertes cho biết tổ chức đã có mặt ở Iraq trước khi Hồi giáo bách hại các Kitô hữu, bị phân biệt đối xử và bị coi là “công dân hạng hai”. Ngày nay, tổ chức tiếp tục giúp các Kitô hữu trở về quê hương, để họ tiếp tục là muối, ánh sáng và có thể sống đức tin của mình. Việc làm đầu tiên của tổ chức, qua các Giáo hội địa phương là phân phát viện trợ lương thực khẩn cấp. Tiếp theo là chương trình dài hạn để làm sao các Kitô hữu có thể trở về nhà, về làng mạc của mình, về đồng bằng Ninivê, nơi họ đã lớn lên, nơi gia đình họ đã sinh sống qua nhiều thế hệ.
Theo ông Guennec, một điều rất quan trọng là các Kitô hữu phải vượt qua những tổn thương về những gì đã trải qua. Khi trở lại nơi này họ phải chấp nhận thực tế là nhà của mình đã bị phá hủy, bị cướp phá, kinh tế bấp bênh, phải tìm lại việc làm. Điều quan trọng là họ có niềm tin vào tương lai. Ông nói: “Chúng tôi đã thấy điều đó trong các Thánh lễ, khi các nhà thờ được tái xây dựng. Đây là những thời điểm họ có thể tái khám phá tinh thần cộng đoàn. Một ngôi làng không chỉ là gồm các ngôi nhà, nó là một cộng đoàn mà chúng ta thuộc về. Những người trở lại rất biết ơn, nhưng hầu hết không chắc là sự bách hại đã kết thúc. Họ muốn là những công dân thực sự, nhưng họ vẫn tiếp tục cảm thấy bị coi là công dân hạng hai. Đối với những người đã tìm cách tái định cư, những người đã được hưởng lợi từ các khoản tín dụng vi mô của chúng tôi để tìm việc làm, có niềm vui và hy vọng khi trở về nhà. Các Kitô hữu giữ hy vọng và đó cũng là lý do tại sao họ quay trở lại”.
Tổ chức tái khẳng định, Kitô hữu ở Iraq muốn được bình đẳng. Họ muốn được coi là những công dân có quyền, nghĩa vụ như nhau chứ không phải là thành phần thiểu số. Yêu cầu thứ hai của họ là một điều kiện sống xứng nhân phẩm, có nghĩa là họ có thể trở về nhà, được tiếp cận với những nhu yếu phẩm cơ bản, cơ sở hạ tầng tốt, cơ hội việc làm, trẻ em được đi học. Yêu cầu thứ ba của họ là có thể trở thành một tác nhân trong quá trình tái thiết và tương lai của đất nước. Kitô hữu muốn có ảnh hưởng tích cực đến xã hội, họ muốn quê hương được chúc lành.
Ngọc Yến – Vatican News