Thánh Matthew (Matthêu) là một trong mười hai tông đồ, và là tác giả của Tin Mừng thứ nhất. Câu chuyện về ơn kêu gọi của Thánh Mattew được tìm thấy trong Kinh Thánh Tân Ước, Matthêu 9:9: “Bỏ nơi ấy, Ðức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Matthêu đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người”.
Matthew là một người thu thuế gốc Do Thái mà đôi khi cũng được biết đến với tên gọi là Levi người thu thuế. Tham lam và có lẽ là hơi bị điên vì tiền, song Matthew đã từ bỏ hết mọi thứ của cải thế gian mà đi theo con đường thẳng và hẹp khi Chúa Giêsu gọi ông vào sứ vụ trong khi ông đang làm việc tại một trạm thu thuế ở Ca-phác-naum.
Trong bức hoạ này, danh hoạ Caravaggio đã tả thực khoảnh khắc mà Matthew lần đầu tiên nhận ra mình được kêu gọi.
Bức tranh Ơn Kêu Gọi Của Thánh Matthew của danh hoạ Caravaggio đã được vẽ cho một bức tường bên trái của nhà nguyện Contarelli ở trong một nhà thờ Thánh Lui – Pháp ở Rôma. ĐHY Matteo Contarelli đã dành dụm nhiều năm trời để tân trang lại nguyện đường của ngài với những cảnh tượng về cuộc đời của Thánh Matthew.
Danh hoạ tiền nhiệm của Caravaggio, Cavaliere d’Arpino ngay từ đầu đã dành được hợp đồng và đã thực hiện được một vài bức hoạ trên mái vòm nhưng lại không thể hoàn thành công việc do rất nhiều những cam kết khác của ông.
Rất may cho Caravaggio, vào năm 1959 được nhà bảo hộ của mình là ĐHY del Monte đã dùng uy tín của mình để bảo lãnh hợp đồng cho hoạ sĩ trẻ này. Đây là công trình quan trọng đầu tiên của Caravaggio và khi công việc hoàn tất thì ông đã nhận được những lời tán dương cao quý nhất cũng như những lời phê bình chỉ trích nặng nề nhất vì phong cách sáng tạo gây sốc của mình.
Những Gợi Hứng Cho Tác Phẩm Ơn Kêu Gọi Của Thánh Matthew
Trong các tác phẩm khác về chủ đề này, Thánh Matthew được mô tả ở trong một toà nhà, còn Chúa Giêsu thì ở ngoài (theo tinh thần của bản văn Kinh Thánh) mời gọi Thánh Matthew thông qua một cửa sổ. Cả các tác phẩm trước và sau tác phẩm của Caravaggio về chủ đề này đều được sử dụng như là cái cớ cho thể các thể loại tranh mang tính giai thoại.
Việc Caravaggio thực hiện giống giống những bức hoạ trước của người Hà Lan về những người vay mượn tiền hoặc những kẻ đánh bạc đang vây quanh một chiếc bàn như Thánh Mattthew và các trợ tá của mình là một việc có thể.
Trong tác phẩm này Caravaggio đã lấy gợi hứng từ thế giới của riêng mình, đặt bối cảnh Kinh Thánh trong một thực tại hiện đại. Tác phẩm này là một minh chứng cho niềm tin nghệ thuật của Caravaggio. Ông đã không thấy thoải mái với những truyền thống của lịch sử đương đại lý tưởng hoá hội hoạ và vì thế ông đã quay trở về với những chủ đề của tuổi trẻ của mình vốn trước đây đã từng mang lại sự thành công cho ông.
Hơn nữa, trong tác phẩm này có một sự giống nhau giữa cử chỉ của Chúa Giêsu khi chỉ về phía Matthew và cử chỉ của Thiên Chúa khi Ngài đánh thức Adam trong tác phẩm của Michelangelo ở Nguyện Đường Sistine.
Phân Tích Bức Hoạ Ơn Kêu Gọi Của Thánh Matthew
Bố Cục
Bức hoạ Ơn Kêu Gọi Của Thánh Matthew có thể chia thành hai phần. Những chi tiết bên phía phải tạo nên một hình chữ nhật thẳng đứng trong khi các nhân vật bên tay trái tạo nên một khối ngang. Hai cạnh thì được phân biệt xa hơn bởi trang phục của họ và một cách biểu tượng, bởi cánh tay của Đức Kitô.
Các nhân vật xuất hiện trong bức hoạ thì giống giống nếu không muốn nói là rập khuôn theo những con người trong các tác phẩm khác, chẳng hạn như những tay chuyên đánh bài lừa. Dường như là bức hoạ này đặt các vấn đề cho Caravaggio trong kích thước của nó và vì thế mà ông đã dùng bức hoạ này để đi đến một giải pháp cho việc vẽ từ góc nhìn rộng của cuộc sống và những kiểu bố cục phức tạp nhiều đối tượng.
Việc Sử Dụng Ánh Sáng
Cách sử dụng ánh sáng và bóng tối của hoạ sỹ làm tăng nét kịch tính cho bức tranh cũng như là mang lại cho các nhân vật phẩm chất của sự tức thời. Nhiều hoạ sỹ sau này cũng theo cách của Caravaggio và bắt chước kĩ thuật này.
Các nhân vật bị nhận chìm trong bóng tối và chỉ có tia sáng chiếu toả ngang qua bức tường và làm sáng lên hình ảnh Thánh Matthew và nhóm người ngồi nhằm làm bật lên bức tranh toàn cảnh.
Bảng Màu
Caravaggio mang đến cho bức tranh này sức sống với những màu sắc rõ ràng; những gam mầu đỏ tương phản đậm, những sắc vàng và màu xanh và những kết cấu của vải nhung và lông mềm. Ông cũng làm rõ độ tương phản của các cử chỉ và biểu hiện.
Những Tiếp Nhận Quan Trọng Về Bức Hoạ Ơn Kêu Gọi Của Thánh Matthew
Bức hoạ Ơn Kêu Gọi Của Thánh Matthew là một bằng chứng về khả năng của Caravaggio trong việc thể hiện các cảnh tượng Thánh Kinh thực tế và mở ra hơn trong đôi mắt của những người thưởng lãm. Hoạ sỹ không tạo nên một sự mô tả thiên tính nhưng thay vào đó lại tập trung vào thực tại rất con người về cảnh tượng cụ thể này.
Ông đã dựa vào cách tạo nên các nhân vật trong các tác phẩm trước của mình khi tạo nên bức hoạ này và kết quả là Thánh Matthew và các thuộc hạ của mình được mô tả như thể là những nhân vật mà người ta có thể đụng chạm tới được.
Tác phẩm này quá khác biệt so với những bức hoạ theo trường phái Phục Hưng đương đại và bức này thêm vào tính phổ biến của nó. Bức tranh Ơn Kêu Gọi Của Thánh Matthew đã đặc biệt phù hợp vào đúng thời gian và không gian của nó, làm cho Vua Henry Đệ IV, hậu duệ của Thánh Lui, đã hoán cải và thay đổi đời sống đức tin của mình trở về giống như tổ tiên của ông.
Hơn thế nữa, các tác phẩm khác của Caravaggio cho nhà thờ Thánh Lui, một nhà thờ của Pháp tại Rôma đã thực sự đặt nền móng vững chắc cho người hoạ sĩ này như là người lãnh đạo của trào lưu hiện thực ở Rôma.
Một bình luận nói thế này, “Một nét cá tính của trường phái hội hoạ này là sử dụng nguồn ánh sáng tập trung từ trên cao, không có bóng, khi nó chiếu xuyên qua một căn phòng với một cửa sổ đơn và các bức tường thì sơn đen. Theo cách vẽ này thì các vùng sáng và tối thì rất sáng và rất tối và tạo nên một không gian ba chiều rất tuyệt vời cho bức tranh, nhưng trong một cách thế không tự nhiên dù đã được thực hiện hoặc thập chí được tiếp nhận trước đó bởi các hoạ sỹ như là Raphael, Titian, Correggio, hoặc các hoạ sỹ khác”.
Joseph C. Pham (Chuyển ngữ từ Artble)