Hình tháng 5 năm 1990: Cha Vũ Khởi Phụng và các cha DCCT tại tòa Tổng Giám Mục Hà Nội tháng 5 năm 1990. Đức Hồng Y Trịnh Văn Căn đang ban phép lành cho các cha DCCT và các cộng tác viên DCCT sau buổi gặp mặt.
Thái Hà (07.03.2016) – Hè năm 1987 tôi được cha già Giuse Vũ Ngọc Bích đón vào tu viện Thái Hà dưới danh nghĩa là cháu đến giúp ông lúc tuổi già[1]. Từ đấy tôi bắt đầu biết cha Mát thêu Vũ Khởi Phụng, vì cha già Bích hay nhờ tôi viết thư cho “chú Phụng”[2] và vì ông bà cố của ngài lại sống ở Hà Nội, số 36 Trần Hưng Đạo, nên hai bên hay qua lại thăm hỏi. Có chuyện gì vui buồn thường chia sẻ.
Một con người vượt trên bi kịch bản thân và gia đình
Mấy năm sau khi cha Phong và tôi được gửi vào Tu viện Kỳ Đồng, thì chính cha Máttthêu Vũ Khởi Phụng là người đón tiếp chúng tôi; từ đó trở đi tôi liên tục sống gần ngài, dưới sự hướng dẫn của ngài, từ Hà Nội đến Sài Gòn. Nhờ vậy tôi mới hiểu hơn về ngài và gia đình ngài mà tôi coi như là một trong những nạn nhân điển hình của chế độ cộng sản.
Cả hai ông bà cố của ngài đều thuộc dòng dõi gia đình quyền quý. Ông quê làng Trung Lao, Nam Định, đạo gốc, tốt nghiệp tú tài bên Pháp và trường Luật Đông Dương. Bà người Huế, gia đình ngoài Kitô giáo, thuộc khuynh hướng tân thời, thích nấu ăn và có năng khiếu nghệ thuật, về sau được phong nghệ nhân. Bà học đạo với các cha Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) Huế và được rửa tội ở Sài Gòn. Cưới nhau xong, hai ông bà về sống ở Thanh Hóa, vì khi ấy ông làm Tri phủ Tĩnh Gia. Vì vậy cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng được sinh ra ở Thanh Hóa.
Ông cố là vị quan thanh liêm, có tài quản trị, được dân yêu mến và kính trọng, có tinh thần dân tộc, vì vậy năm 1945, chính phủ liên hiệp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mời ông tiếp tục làm công chức ở Thanh Hóa. Tuy nhiên, đến năm 1946, phe cộng sản trong chính quyền tiến hành thanh trừng những người quốc gia, trong bối cảnh đó, ông cố bị cộng sản bắt đi tù; họ đưa ông từ Thanh Hòa vào giam ở vùng Đức Thọ, Hà Tĩnh.
Được nhắn tin là ông cố bị đày đọa và sinh bệnh nặng, bà cố mau vào còn kịp nhìn mặt và liệu cách đưa xác về nếu ông qua đời. Thế là bà cố vội vàng phải gửi ngài và các em ngài về quê Trung Lao, để đi tìm chăm sóc ông. Thấy tình hình ông nguy kịch và điều kiện trong tù khó có thể bảo đảm mạng sống, bà quyết định đeo bám theo những vùng nơi ông cố bị cộng sản giam cầm, làm việc, tìm cách cứu giúp ông cố, thỉnh thoảng mới về thăm ngài và các em ngài.
Ở Trung Lao, cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng học tiểu học tại trường của giáo xứ, rồi nhập tiểu chủng viện Trung Linh. Tiếp theo qua các sinh hoạt trong Liên Đoàn Công Giáo, bà cố quen biết Đức ông Trần Ngọc Thụ, bấy giờ là Thư ký riêng của Đức cha Lê Hữu Từ và từ mối quen biết này, cha Mátthêu được gửi vào học ở trường Trần Lục, Phát Diệm, nơi có môi trường học tập hiện đại và an ninh ở Miền Bắc thời bấy giờ. Năm 1952, bà cố từ Miền Trung ra Bắc đưa ngài và các em ngài ra Hà Nội, em ngài được gửi cho người thân, còn ngài thi được gửi vào Đệ tử viện DCCT như mong muốn từ ban đầu của bà cố từ khi đang mang thai ngài.
Năm 1954 cộng sản lên nắm quyền ở miền Bắc, bà cố cho ngài theo các cha DCCT di cư vào Nam. Các em ngài cũng di cư theo người thân theo các em của ông cố. Còn bản thân bà cố ở lại Miền Bắc theo ông đang đi tù cộng sản. Vốn là người đảm đang, tháo vát bà làm được được những việc lạ lùng, nhờ vậy ông mới sống sót và cuối cùng mãi đến năm 1973 ông mới được trả tự do khi hiệp định Paris được ký kết.
Đến năm 1975 cộng sản chiếm Miền Nam, đất nước thống nhất, nhưng như tống thống Thiệu nói “đó là nền hòa bình của nấm mồ”. Gia đình ông bà cố vẫn lâm cảnh phân ly. Cô con gái Triều Nghi cùng gia đình bên Hoa Kỳ; con trai thứ, Chú Giao, cựu sĩ quan cộng hòa, vào trại tập trung, rồi khi mãn hạn lại đi HO. Ở lại Việt Nam còn mình cha Phụng ở Sài Gòn, trong khi ông bà cố ở Hà Nội. Từ năm 1990 các cuộc thăm viếng Bắc-Nam mới thường xuyên hơn và mãi cho đến năm 2008 khi Cha Phụng ra Hà Nội làm bề trên tu viện Thái Hà thì ông bà cố và ngài mới được đoàn tụ ít năm trước khi hai ông bà lần lượt qua đời.
Gia đình lâm vào bi kịch như vậy, nên việc giữ được ơn gọi, quả là khó khăn. Tại Miền Nam, cuộc sống của các em ngài trong hơn 1 thập niên đầu cũng chật vật. Ngài cảm thấy phải có trách nhiệm với các em trong tư cách là anh cả. Từ đó ngài có ý định tạm dừng việc tu của bản thân một thời gian để làm gì đó giúp các em. Suy nghĩ ấy còn bị tác động bởi cuộc chiến Việt Nam và trào lưu xét lại ơn gọi thời hậu công đồng của nhiều tu sĩ. Tuy nhiên, nhờ sự cố gắng của ngài và của các em ngài, nên cuối cùng Chúa cũng giúp ngài cũng vượt qua.
Năm 1970 ngài được thụ phong linh mục. Bà cố của ngài ở Hà Nội cũng biết tin qua ngả Sài Gòn-Canada-Pháp-Hà Nội. Bà cố mừng lắm. Bà kể rằng ngày chịu chức của ngài, bà cố làm con gà mang sang mời Đức cha Khuê và các cha bên Tòa Tổng Giám Mục ăn mừng, rồi xin các ngài dâng lễ tạ ơn. Thế mà vì việc này, sau đó bà cố đã bị công an triệu tập sách nhiễu, hạch hỏi.
Một linh mục thông minh và uyên bác
Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng là người có tư chất thông minh. Hơn nữa, ngài còn rất chịu khó học tập nên kiến thức của ngài rất uyên bác.
Hình ảnh người ta có về ngài là con người khi đi, đứng, khi ăn, khi ngồi dường như lúc nào cũng kè kè bên cạnh là quyển sách hay tờ báo làm bạn, dường như không còn để tâm đến sự gì khác chung quanh. Nhờ thế, ngài có một vốn văn hóa rất sâu rộng về các lĩnh vực khác nhau, đặc biệt trong lãnh vực thần học, lịch sử và văn chương Kitô giáo.
Ngài nghiên cứu rất sâu rộng về thần học. Những tuyển tập thần học kinh điển và quan trọng hàng đầu của thế kỷ XX như Nouvelle Theologie, Unam Sanctam đều được ngài nghiền gẫm, không sót một tập nào. Ngài rất thích lịch sử và văn chương Latin. Những bộ sách lịch sử quan trọng, đồ sộ như của Fliche et Martin vẫn đọc hết. Đọc đi đọc lại. Ngài là một trong số ít người ngay từ hồi trước 1975 ngài đã tìm đọc bộ giáo phụ latin hơn 200 cuốn của cha Jean Paul Migne, mà ngài nói là còn ở Trung tâm Công giáo bên đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn.
Từ những năm 1970, ngài là một trong những linh mục giảng thuyết được yêu mến ở nhà thờ Kỳ Đồng, cùng thời gian ấy, ngài thường xuyên được mời đi giảng tĩnh tâm cho các giáo xứ, các dòng tu và các giáo phận.
Ngài cũng làm giáo sư của các lớp thần học bí mật đây đó tại Sài Gòn, đồng thời làm giáo sư Học viện DCCT và sau này còn dạy tại Học viện Liên Dòng. Ngài dạy thần học nhập môn, Giáo phụ học và cả Lịch sử Giáo hội. Ngài bàn giải các tác giả, các vấn đề rất kỹ lưỡng, rất sâu rộng, rất hệ thống, luôn luôn mới mẻ; nội dung có mật độ suy tư thần học rất cao, rất độc đáo và hấp dẫn. Tôi thấy ngài đáng được gọi là nhà thần học.
Một trong những ơn Chúa ban cho ngài là ơn nói các thứ tiếng. Ngài có thể diễn đạt tư tưởng cách dễ dàng và chuẩn xác bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Latin. Nói cũng như viết. Đặc biệt là dịch thuật. Trong Dòng, ngài thường được mời làm người thông dịch chính thức mỗi khi các đấng bề trên hay anh em ngoại quốc tới Việt Nam. Hồi cách đây mấy năm, Phái đoàn Đức Tổng Giám Mục Đại Diện không thường trú tại Việt Nam đi thăm các giáo phận ở Miền Bắc, ngài cũng được mời đi theo làm người thông dịch.
Liên quan đến việc này, tôi thấy nếu mình cứ nói tiếng Việt đều đều, không cần dừng, thì ngài vừa nghe, vừa có thể dịch trực tiếp ra tiếng Anh, tiếng Pháp, hoặc dịch ngược lại từ tiếng Anh hoặc tiếng Pháp ra tiếng Việt. Dù dịch xuôi hay dịch ngược thì ngài cũng đều diễn tả được cái hồn của nguyên ngữ, khiến người ta có cảm tưởng như đang nghe trình bày bằng trực tiếp bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Từ ta đến tây tôi thấy hiếm người có được khả năng thông dịch kỳ tài như ngài.
Tu viện Thánh Gioacchino Roma, ngày 3 tháng 4 năm 2016
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT
[1] Cha Giuse Vũ Ngọc Bích, DCCT, người sống sót ở Hà Nội là em của bà tôi, lúc ấy tuổi già mắt kém, không còn tự mình đọc sách, viết thư từ được.
[2] Cách gọi của cha Già Bích. Cha Mátthêu Vũ Khởi Phụng lúc đấy ngài đang là cố vấn của Tỉnh Dòng lại phụ trách Dự tập.
(còn tiếp)