Sơ Maria Nirmalini đưa ra những suy tư về tiến trình hiệp hành ở Ấn Độ trước khi tham gia với tư cách là thành viên của Đại hội Thượng Hội đồng Giám mục thứ 16 về tính hiệp hành.
Tin tức về việc được chọn tham gia Thượng Hội đồng về Tính Hiệp hành là một điều hoàn toàn bất ngờ đối với tôi, mặc dù đó là một điều thú vị. “Tôi là ai?” “Tại sao tôi lại được chọn?” hoặc “Tôi không phải là nhà thần học”, những câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi. Tôi nhớ lại cảnh Chúa Giêsu gọi các tông đồ đầu tiên – những người đánh cá đơn thuần: sự khiêm nhường đã xoa dịu nỗi lo lắng của tôi và nỗi sợ hãi nhanh chóng biến thành lời tạ ơn Chúa vì đã cho tôi cơ hội được mời gọi vào mầu nhiệm thánh thiêng của tình yêu Chúa và niềm hy vọng của Người. Tôi coi đó như một lời mời tham gia vào cuộc hành trình đáng kinh ngạc của việc cùng nhau bước đi trong sự hiệp thông, tham gia và sứ vụ với toàn thể dân Chúa.
Kinh nghiệm về Thượng Hội Đồng trong quá khứ
Trước đây khi nghe nói về Thượng Hội đồng, chúng ta hầu như không chú ý nhiều. Nó dường như luôn diễn ra ở một nơi nào đó rất xa, với những người đứng đầu Giáo hội. Chúng ta đọc tài liệu đó trong cộng đồng với những phản ứng nửa vời và chỉ có thế thôi.
Tuy nhiên, khi Đức Thánh Cha Phanxicô công bố tiến trình Hiệp hành cùng nhau bước đi, trong tai chúng ta vang lên một khởi đầu mới và một luồng gió mới. Chúng ta đang tạo nên lịch sử, bởi vì giờ đây mọi người ở mọi cấp độ của Giáo hội đều tham gia. Sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau.
Kinh nghiệm về Thượng Hội đồng Hiệp hành ở Ấn Độ
Theo kinh nghiệm của tôi ở Ấn Độ, việc chuẩn bị cho Thượng Hội đồng là một tiến trình thiêng liêng, mở đường cho một khởi đầu mới. Sự dấn thân của các ban tổ chức thật đáng khen ngợi, một số đã phải thực hiện những chuyến hành trình dài đến những ngôi làng xa xôi để cố gắng hoàn thành đúng thời hạn. Những nỗ lực của các nhóm giáo dân, tu sĩ và linh mục đã chạm đến trái tim của những người họ gặp và ngược lại. Các cuộc tham vấn đã mở mang tầm mắt cho nhiều người không quen với việc được mời lên tiếng một cách cởi mở và tự do.
Trong tiến trình “đồng hành cùng nhau” của Thượng Hội đồng, Giáo hội ở Ấn Độ đã tìm kiếm và cảm nhận được sự hiện diện của Thánh Thần Thiên Chúa. Trong khi một mặt, trải nghiệm của nhiều “ánh sáng” mang lại niềm an ủi và hy vọng cho cộng đồng, mặt khác, nhận thức về “những bóng tối” thách thức Giáo hội vượt qua những điểm đó và “tiến lên phía trước” bằng đức tin.
Phần kết của quá trình đầu tiên như sau: “Theo lời huấn dụ của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thượng Hội đồng, trong đó ngài yêu cầu lắng nghe và học hỏi lẫn nhau, Giáo hội ở Ấn Độ đã cùng nhau nhận ra những thúc giục của Chúa Thánh Thần và tiếng nói của các tín hữu, tu sĩ và linh mục, đưa ra những ước mơ và kế hoạch của mình để hiệp thông, tham gia và truyền giáo hơn. Quá trình này mang lại sự gắn kết và một niềm khao khát mới được làm việc cùng nhau, chia sẻ trách nhiệm và tham gia tích cực hơn vào đời sống của Giáo hội” (Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Độ, Tổng hợp Tham vấn Thượng hội đồng 2023).
Kinh nghiệm Thượng Hội đồng dành cho nữ tu
Là Chủ tịch Hiệp hội Nữ tu (và cả của hiệp hội nam tu sĩ), tôi coi tiến trình này là một thực tế để chia sẻ mà không quá sợ hãi. Thật thú vị khi lắng nghe các nữ tu thuộc nhiều Hội dòng khác nhau cùng nhau suy tư và chia sẻ tài năng của mình cũng như thoải mái nói chuyện về những tổn thương của mình. Một hy vọng tích cực cho tương lai là mối quan hệ được cải thiện giữa hàng giáo phẩm của Giáo hội, giáo sĩ và tu sĩ.
Là một nữ tu và là thành viên Thượng Hội đồng, đại diện cho Liên hiệp Quốc tế các Bề trên Tổng quyền (UISG), tôi rất háo hức và hy vọng mong chờ cuộc hành trình này mà không lo lắng nhiều về kết quả như một số người hoài nghi. Tôi nhìn về phía trước với niềm tin rằng đó là lời mời gọi của Thiên Chúa để trải qua quá trình phân định bằng đối thoại chiêm niệm và lắng nghe sâu sắc hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu nói: “Gió muốn thổi đâu thì thổi, chúng ta không biết gió đến từ đâu và đi đâu”.
Các chủ đề cụ thể của Thượng Hội đồng
Hoàn toàn để Chúa Thánh Thần soi sáng, đây là những vấn đề tôi mong được đề cập đến:
– Sự tham gia của phụ nữ vào tất cả các quá trình lãnh đạo/ra quyết định trong Giáo hội.
– Chú ý đến tiếng nói của giáo dân, nam cũng như nữ. Việc không để họ lên tiếng sẽ tước đi sự đóng góp đáng kể của Giáo hội đối với việc tham gia, hiệp thông và truyền giáo nhiều hơn.
– Giảm bỏ chủ nghĩa giáo sĩ trị trong Giáo hội.
– Cải cách phụng vụ, đặc biệt là Thánh lễ, bớt chú trọng đến tính đồng nhất nhưng quan tâm hơn vào tính sáng tạo để lôi kéo chúng ta đến với Thiên Chúa.
– Đồng trách nhiệm trong việc chăm sóc công trình sáng tạo.
Sự tham gia của phụ nữ bổ sung thêm khía cạnh quan trọng
Đức Thánh Cha đã cho thấy rằng tất cả mọi người đều được tham gia vào cuộc hành trình này. Bằng cách bao gồm cả phụ nữ chúng tôi, ngài mang đến cho chúng tôi cơ hội chia sẻ từ không gian thánh thiêng của mình. Điều làm tôi cảm động sâu sắc trong quá trình tương tác với các tu sĩ từ các hội dòng khác sau khi được chọn làm tham dự viên Thượng Hội đồng, là sự hỗ trợ cầu nguyện chân thành của họ, đồng thời nói thêm rằng “tiếng nói của chúng tôi sẽ hiện diện tại Thượng Hội đồng”.
Để kết luận, tôi muốn diễn giải lại suy tư của Thánh Catarina thành Sienna, người kêu gọi nam giới nhìn nhận sứ mạng Thiên Chúa ban cho phụ nữ, đã được Chúa Giêsu khẳng định, được ghi trong Tin Mừng và được lịch sử của phụ nữ trong Giáo hội xác nhận. Thánh Catarina kêu gọi phụ nữ từ chối sự loại bỏ; đòi sự bình đẳng; nói từ linh đạo của họ; trao tặng những hồng ân Thiên Chúa ban, dù những hồng ân này có được kêu gọi hay không, được coi là thánh thiện hay không, hợp pháp hay không, bởi vì không ai, kể cả Giáo hội, có quyền từ chối những hồng ân của Thiên Chúa hoặc Thiên Chúa, Đấng hoạt động thông qua các tài năng của phụ nữ…
Cầu mong tất cả chúng ta đều sở hữu Chúa Thánh Thần một cách đặc biệt trong Thượng Hội đồng!
Maria Nirmalini A.C.