Như một điều hiển nhiên, con người luôn sống trong một hoàn cảnh nhất định với các biến cố cụ thể. Không thể có con người tách biệt ra khỏi hoàn cảnh với các biến cố. Do đó, tương quan giữa con người và Thiên Chúa luôn luôn được cụ thể hoá trong hoàn cảnh và biến cố.
- Chủ nghĩa vô thần
Chủ nghĩa vô thần loại bỏ Thiên Chúa ra khỏi tương quan với con người. Như vậy, con người chỉ còn đối diện với các biến cố. Thế giới là tập hợp toàn bộ những sức mạnh hoạt động một cách chính xác và độc lập hoàn toàn theo các định luật của vật lý, sinh học, hóa học… Trong tự nhiên, tất cả đều hoạt động ngẫu nhiên theo sự tự do của các lực tác động, nghĩa là không do một ý thức hay tinh thần nào sắp xếp. Khi đó, chúng sẽ dẫn đến các kết quả tất yếu đúng theo các định luật sẵn có. Ngay cả con người cũng là tập hợp của các chuỗi phản ứng sinh-lý-hóa để tạo nên suy nghĩ, tư duy và tinh thần.
Như vậy, không có một Ý Nghĩa phổ quát nào, một Tư Tưởng nào điều khiển toàn thể, nhưng chỉ là hoạt động ngẫu nhiên và tự do. Tất cả đều vô nghĩa! Ý nghĩa duy nhất đó là những gì con người áp đặt lên các hoạt động, tư tưởng, mối quan hệ tuỳ theo suy nghĩ của con người. Người ta tạo ra những ý nghĩa nơi gia đình, nơi các tập thể, tổ chức hay giai cấp. Nhưng cuối cùng, biến cố mạnh hơn con người nên sẽ đè bẹp con người trong cái chết. Khi đó, sự vô nghĩa càng trở nên rõ ràng cụ thể hơn bao giờ hết. Các triết gia hiện sinh vô thần đã phân tích cho thấy sự vô nghĩa và phi lý tột cùng này.
- Tôn giáo
Trong tôn giáo, Thiên Chúa luôn hiện diện trong các biến cố mà con người trải qua. Người theo tôn giáo tin rằng khi họ làm những công việc theo lề luật dạy, khi cử hành các nghi thức tế tự, họ tác động lên Thiên Chúa và họ hy vọng Thiên Chúa sẽ đáp ứng lại một cách thuận lợi và tích cực qua các biến cố. Trong tất cả các biến cố cho dù thành công hay thất bại, niềm vui hay nỗi buồn, gặp gỡ hay chia ly, bệnh tật hay chữa lành, đều là hoạt động của Thiên Chúa. Các biến cố không có tính tự lập, nhưng chứa đựng sức mạnh, sự khôn ngoan, chương trình của Thiên Chúa.
Thiên Chúa ở trong biến cố giống như người thợ mộc cầm búa đóng đinh vào tường để treo bức tranh. Tất cả mọi sự đều xảy ra theo đúng ý của người thợ mộc, và tuỳ thuộc hoàn toàn vào sức mạnh, sự khéo léo, tính thẩm mĩ và ý tưởng có sẵn của ông ta. Do đó, khi có bất cứ sự dữ nào xảy ra, việc đầu tiên người tôn giáo làm là quy ngay trách nhiệm cho Thiên Chúa: Thiên Chúa ở đâu? Tại sao Chúa để cho những điều này xảy ra? Tại sao Chúa không ra tay cứu giúp? Và rất dễ hiểu, khi những vấn đề và sự hoài nghi này đạt đến một mức độ nào đó, người ta đành phủ nhận Thiên Chúa ra khỏi các biến cố, và trở nên người vô thần.
- Thiên Chúa cai quản thế giới
Từ muôn đời, Thiên Chúa đã làm chủ toàn bộ thời gian và không gian, từ tận cùng này đến tận cùng kia. Ngài biết mọi sự và mọi sự luôn là hiện tại đối với Ngài. Ngài cai quản mọi sự và điều hành mọi biến cố theo chương trình đã được thiết lập cho từng chi tiết nhỏ nhất (virus, vi khuẩn…) cho toàn bộ vũ trụ và toàn bộ lịch sử. Ngài trường tồn, vĩnh cửu, và biết rõ tất cả mọi sự. Mọi sự đều ở trong sự cai quản của Ngài theo các định luật tự nhiên. Riêng con người, vì có tự do, được Ngài thông ban những ân ban siêu vượt (được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa) để cộng tác với Thiên Chúa trong việc cai quản thế giới.
Trong điều kiện đó, con người có tự do để làm ra những sự dữ về mặt đạo đức, nghĩa là tội lỗi, vốn dĩ không nằm trong chương trình của Thiên Chúa. Điều cốt yếu trong tội lỗi đó là con người dùng tự do mà chối bỏ Thiên Chúa để sống theo những gì mình mong muốn. Câu chuyện về nguyên tội (tội đầu tiên) minh hoạ cho sự sa ngã này. Bên cạnh đó, bệnh tật, đau khổ, tật nguyền, và cái chết là sự dữ về mặt thể lý, cũng không nằm trong chương trình ban đầu của Thiên Chúa. Sự dữ về thể lý là kết quả của sự dữ về mặt đạo đức, nghĩa là hậu quả của tội lỗi.
Những sự dữ này không do Thiên Chúa tạo ra, nhưng chúng xảy ra và nằm trong chương trình của Ngài. Với quyền năng vô biên, Thiên Chúa làm cho các sự dữ này trở nên hữu ích cho con người bằng sự an bài của Ngài.
- Thiên Chúa an bài các biến cố và con người
Với tự do của mình, con người có thể trở thành người lành khi phục tùng Thiên Chúa hoặc kẻ dữ khi chống lại Thiên Chúa. Kẻ dữ dù có giàu sang, phú quý, thành công, mạnh khoẻ nhưng không tài nào thoát khỏi sự cai quản của Thiên Chúa. Có thể họ vẫn đang ung dung, nhưng những quy luật (tự nhiên và siêu nhiên) mà Thiên Chúa đã thiết lập sẽ sớm được thể hiện xứng đáng với những gì họ đã làm.
Người lành tìm kiếm Thiên Chúa trong mọi sự để nhận ra sự quan phòng với những chương trình và kế hoạch mà Thiên Chúa dành sẵn cho họ ngang qua các biến cố của đời sống. Các biến cố có vai trò như những bảng chỉ đường để họ tiến bước. Khi người lành gặp gian nan khốn khó, họ tin rằng đó là một thử thách để họ trưởng thành trong đức tin khi vâng phục. Họ tin rằng những điều tốt lành đích thực sẽ đến sau đó.
Như vậy, có một ý nghĩa tuyệt đối và hoàn hảo ngự trị trong toàn bộ thế giới này, đó là ý nghĩa mà Thiên Chúa, Đấng Khôn Ngoan và Toàn Năng, đã xác định. Chính trong sự khôn ngoan và quyền năng tuyệt đối ấy, Thiên Chúa cai quản và an bài mọi sự trong thế giới theo ý định của Ngài, bất chấp những sự dữ do những kẻ phản nghịch gây ra.
Với cái nhìn về Thiên Chúa là Đấng cai quản và an bài thế giới như thế, chúng ta thấy Thiên Chúa vừa có mặt nhiều nhất và vắng mặt nhiều nhất, được tìm kiếm nhiều nhất nhưng lại không thể hiểu được, vô cùng quan trọng nhưng xem ra lại vô ích. Đó mới chính là Thiên Chúa đích thực: Thiên Chúa khác với suy nghĩ của con người. Theo cái nhìn đó, ngôn sứ Isaia đã gọi Ngài là “Thiên Chúa Đấng ẩn mình”. Như vậy, Thiên Chúa không phải hoàn toàn vắng mặt theo học thuyết vô thần, cũng không hoàn toàn hiện diện theo những người theo tôn giáo.
Cao Viết Tuấn, CM
(Viết lại theo Francois Varone, Vấn đề từ Thiên Chúa vắng mặt)
Nguồn: vinhson.net