Ngày 24/1/2023, lễ thánh Phanxicô đệ Salê, bổn mạng của giới báo chí Công giáo, Vatican đã công bố Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 57, sẽ được cử hành vào Chúa Nhật ngày 21/5, lễ Chúa Thăng Thiên. Sứ điệp có tựa đề “Nói cách chân thành. ‘Theo sự thật và trong tình bác ái'” (Ep 4,15), trong đó Đức Thánh Cha mạnh mẽ kêu gọi đi ngược dòng với khuynh hướng xã hội để ủng hộ những khát vọng hòa bình theo gương của Thánh Phanxicô đệ Salê.
Đức Thánh Cha viết: “Trong bối cảnh bi kịch của cuộc xung đột toàn cầu mà chúng ta đang trải qua, việc khẳng định một truyền thông không thù địch là điều cấp thiết. Chúng ta cần những nhà truyền thông tham gia vào việc thúc đẩy giải trừ quân bị hoàn toàn và dấn thân xoá bỏ chứng ám ảnh gây chiến tranh đang ẩn nấp trong trái tim chúng ta.”
Nói cách chân thành
Chủ đề Sứ điệp năm 2023 được kết nối với chủ đề năm 2022, là chủ đề mời gọi lắng nghe và với chủ đề năm 2021, trong đó khuyến khích “hãy đi và xem”, những điều kiện để làm truyền thông tốt. Lần này Đức Thánh Cha muốn nhấn mạnh đến việc “nói bằng trái tim”, nghĩa là nói cách chân thành. Thật vậy, trái tim là điều thúc đẩy chúng ta đi đến một cách truyền thông cởi mở, chào đón, đối thoại và chia sẻ, khởi động một động lực mà Đức Thánh Cha định nghĩa là động lực “truyền thông thân tình”. Việc đón nhận người khác là điều cho phép, sau khi lắng nghe người khác với tâm hồn trong sáng, chúng ta sẽ có thể “nói theo sự thật trong tình yêu”.
Đức Thánh Cha viết: “Chúng ta đừng sợ công bố sự thật, cho dù đôi khi không thoải mái, nhưng hãy sợ nói sự thật cách không bác ái, không có trái tim. Bởi vì “chương trình của người Kitô hữu – như Đức Biển Đức XVI đã viết – là ‘con tim biết nhìn'”. Một trái tim với nhịp đập của nó tiết lộ sự thật về con người chúng ta và vì lý do này, chúng ta phải lắng nghe. Điều này khiến người nghe điều chỉnh theo cùng một bước sóng, đến mức thậm chí có thể cảm nhận được nhịp tim của người kia trong trái tim của chính mình. Sau đó, điều kỳ diệu của sự gặp gỡ có thể xảy ra, điều khiến chúng ta nhìn nhau với lòng trắc ẩn, tôn trọng đón nhận những yếu đuối của nhau thay vì phán xét bằng tin đồn và gieo rắc bất hòa và chia rẽ.”
Cần trái tim trong sáng
Để thông truyền sự thật trong tình bác ái thì cần có trái tim trong sáng. Đức Thánh Cha nhận định: “Chỉ bằng cách lắng nghe và nói với một trái tim trong sáng, chúng ta mới có thể nhìn xa hơn vẻ bề ngoài và vượt qua sự mơ hồ điều mà, cả trong lĩnh vực thông tin, không giúp chúng ta phân định trong thế giới phức tạp mà chúng ta đang sống. Lời kêu gọi nói cách chân thành thách thức triệt để thời đại mà chúng ta đang sống, thời đại quá nghiêng về sự thờ ơ và phẫn nộ, thậm chí đôi khi còn dựa trên nền tảng của thông tin sai lệch, điều làm sai lệch và lợi dụng sự thật.”
Đức Thánh Cha giải thích rằng việc truyền thông cách thành thật có nghĩa là những người đọc hay lắng nghe chúng ta sẽ tiến đến việc chào đón chúng ta tham dự “vào những niềm vui và nỗi sợ hãi, hy vọng và đau khổ của những người nam nữ trong thời đại chúng ta. Những người nói theo cách này yêu thương người khác bởi vì họ quan tâm và bảo vệ quyền tự do của hngười khác mà không xâm phạm nó.”
Chúa Giêsu, gương mẫu của việc truyền thông chân thành
Gương mẫu của việc truyền thông chân thành chính là Chúa Giêsu khi Người đồng hành cùng hai môn đệ trên đường Emmaus. “Người nói với họ bằng con tim, đồng hành với cuộc hành trình đau khổ của họ cách tôn trọng, giới thiệu chính mình chứ không áp đặt, yêu thương mở lòng trí họ để hiểu ý nghĩa sâu xa của những gì đã xảy ra. Thật vậy, họ có thể vui mừng thốt lên rằng tâm hồn họ bừng cháy khi Người nói chuyện với họ trên đường và giải thích Kinh Thánh cho họ (x. Lc 24,32).”
Kitô hữu được kêu gọi tìm kiếm và nói sự thật và hành động cách bác ái
Và Đức Thánh Cha nhận định: “Trong một giai đoạn lịch sử được đánh dấu bởi những phân cực và tương phản – mà thật không may, ngay cả cộng đoàn Giáo hội cũng không tránh khỏi – cam kết truyền thông “từ trái tim và với vòng tay rộng mở” không chỉ liên quan đến những người trong ngành truyền thông, nhưng là trách nhiệm của mọi người. Tất cả chúng ta được mời gọi để tìm kiếm và nói lên sự thật và làm điều đó với lòng bác ái.”
Theo Đức Thánh Cha, “lòng tốt không chỉ là vấn đề ‘phép xã giao’, nhưng còn là liều thuốc giải thực sự cho sự tàn ác, điều không may có thể đầu độc trái tim và khiến các mối quan hệ trở nên độc hại.” Vì thế, “chúng ta cần lòng tốt trong lĩnh vực truyền thông, để truyền thông không gây ra sự gay gắt gây bực tức, tạo ra sự giận dữ và dẫn đến xung đột, mà giúp mọi người suy tư và giải thích một cách hòa bình với tinh thần phê phán nhưng luôn tôn trọng thực tế mà họ đang sống.”
Các Kitô hữu được kêu gọi cách đặc biệt tìm kiếm và nói sự thật và hành động cách bác ái. Đức Thánh Cha nói: “Đặc biệt là các Kitô hữu chúng ta liên tục được khuyến khích canh giữ miệng lưỡi mình đừng nói những lời gian ác điêu ngoa (x. Tv 34,13), bởi vì như Kinh Thánh dạy chúng ta, với cùng miệng lưỡi đó, chúng ta có thể chúc tụng Chúa đồng thời nguyền rủa những con người được dựng nên giống Thiên Chúa. (x. Gc 3,9). Chúng ta đừng bao giờ thốt ra lời độc địa, nhưng tốt hơn là ‘chỉ nói những lời tốt đẹp để xây dựng và mang lại ân sủng cho những người nghe” (Ep 4,29).
Truyền thông là “sự phản chiếu của tâm hồn” và là biểu hiện của tình yêu
Một trong những ví dụ sống động và hấp dẫn nhất về việc “nói bằng trái tim” là Thánh Phanxicô đệ Salê, Tiến sĩ Hội Thánh, được Đức Piô XI tuyên bố là bổn mạng của các nhà báo Công giáo. Ngài là Giám mục Genève trong những năm được đánh dấu bởi những tranh chấp gay gắt với những người theo Calvin. Đức Thánh Cha nói rằng “thái độ nhu mì, lòng nhân đạo của thánh nhân, sự sẵn sàng kiên nhẫn đối thoại với mọi người và đặc biệt với những người chống đối ngài, đã làm cho ngài trở thành chứng nhân phi thường về tình yêu thương xót của Thiên Chúa”. Đối với thánh nhân, truyền thông là “sự phản chiếu của tâm hồn” và là biểu hiện của tình yêu. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta “là những gì chúng ta truyền thông”. Đức Thánh Cha nhận xét rằng giáo huấn của thánh nhân dường như “ngược dòng” trong thời đại mà truyền thông thường bị lợi dụng. Đức Thánh Cha trích dẫn những lời của Thánh Phaolô VI nói rằng các tác phẩm của thánh nhân mời gọi một cách đọc “rất thú vị, mang tính giáo dục, khích lệ”.
Đức Thánh Cha nhận định thêm: “Nếu chúng ta nhìn vào bức tranh toàn cảnh về truyền thông ngày nay, chẳng phải đây chính xác là những đặc điểm mà một bài báo, một phóng sự, một dịch vụ phát thanh và truyền hình hay một bài đăng trên mạng xã hội phải đáp ứng sao? Xin cho những người trong ngành truyền thông cảm thấy được truyền cảm hứng từ vị thánh dịu dàng này, tìm kiếm và nói lên sự thật với lòng can đảm và tự do, đồng thời từ chối cám dỗ sử dụng những cách diễn đạt giật gân và gây chiến.
Nói cách chân thành trong tiến trình hiệp hành
Đức Thánh Cha cũng nối kết chủ đề của Sứ điệp năm nay “nói cách chân thành” với tiến trình hiệp hành mà Giáo hội hoàn vũ đang thực hiện trong những năm này. Trong Sứ điệp cho Ngày Thế giới Truyền thông năm 2021 Đức Thánh Cha viết: “Trong Giáo hội cũng vậy, rất cần phải lắng nghe và lắng nghe nhau. Đó là món quà quý giá nhất và mang lại sự sống mà chúng ta có thể trao cho nhau”. Đức Thánh Cha giải thích thêm: “Lắng nghe không thành kiến, chú ý và cởi mở, đưa đến việc nói theo phong cách của Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bằng sự gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Trong Giáo hội, chúng ta có một nhu cầu cấp thiết về sự truyền thông để xoa dịu những trái tim, xoa dịu những vết thương và soi sáng hành trình của anh chị em chúng ta.
Ước mơ của Đức Thánh Cha về truyền thông của Giáo hội
Và ước mơ của Đức Thánh Cha là: “Tôi mơ ước về một nền truyền thông của Giáo hội biết để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn, dịu dàng và đồng thời có tính ngôn sứ, biết tìm ra những phương cách và phương tiện mới cho việc loan báo tuyệt vời mà nó được mời gọi để thực hiện trong thiên niên kỷ thứ ba. Một truyền thông đặt mối tương quan với Thiên Chúa và tha nhân, nhất là với những người khốn khổ nhất, vào trung tâm và biết cách thắp lên ngọn lửa đức tin hơn là giữ lại đống tro tàn của một căn tính tự quy chiếu. Một hình thức giao tiếp dựa trên sự khiêm tốn trong việc lắng nghe và thẳng thắn trong lời nói, không bao giờ tách rời sự thật khỏi lòng bác ái.
“Truyền thông không hận thù”
Một lần nữa Đức Thánh Cha nhìn vào bối cảnh của cuộc xung đột toàn cầu mà chúng ta đang trải qua và nhắc lại tầm quan trọng của “truyền thông không hận thù” để thúc đẩy một “nền văn hóa hòa bình” có khả năng “vượt qua hận thù và thù địch”. Đức Thánh Cha viết rằng sự leo thang chiến tranh mà nhân loại lo sợ ngày nay “phải được ngăn chặn càng sớm càng tốt, ngay cả ở cấp độ truyền thông bởi vì lời nói thường biến thành hành động hiếu chiến của bạo lực tàn bạo.” Ngài khẳng định: “Chúng ta cần những nhà truyền thông sẵn sàng đối thoại, tham gia vào việc thúc đẩy giải trừ quân bị hoàn toàn và cam kết phá bỏ chứng ám ảnh gây chiến tranh đang ẩn nấp trong trái tim chúng ta. (…) Phải bác bỏ mọi luận điệu hiếu chiến, cũng như mọi hình thức tuyên truyền bóp méo sự thật, xuyên tạc sự thật vì mục đích ý thức hệ. Thay vào đó, phải thúc đẩy truyền thông ở tất cả các cấp để giúp tạo điều kiện giải quyết các tranh chấp giữa các dân tộc.”
Sứ điệp của Đức Thánh Cha kết thúc bằng cách nhấn mạnh rằng mọi người được yêu cầu nỗ lực “tìm ra những từ thích hợp” để xây dựng “một nền văn minh tốt đẹp hơn”, nhưng đặc biệt đó là trách nhiệm được giao phó cho những người làm truyền thông để họ thực hiện nghề nghiệp của mình như một sứ mạng.
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nhà truyền thông:
Xin Chúa Giêsu, Lời tinh tuyền tuôn trào từ trái tim Chúa Cha, giúp chúng ta thực hiện việc truyền thông một cách rõ ràng, cởi mở và chân thành.
Xin Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể, giúp chúng ta lắng nghe nhịp đập của con tim, để tái khám phá ra mình là anh chị em, và giải trừ sự thù địch gây chia rẽ.
Xin Chúa Giêsu, Ngôi Lời của sự thật và tình yêu, giúp chúng ta nói lên sự thật trong bác ái, để chúng ta cảm thấy như những người bảo vệ lẫn nhau.
Hồng Thủy – Vatican News