Người Công giáo nào cũng biết điều răn đứng hàng đầu, căn bản và bao trùm hết mọi điều răn là phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa duy nhất hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực, và điều răn thứ hai là, phải yêu người thân cận như chính mình (x.Mc 12,29-31).
Yêu mến Thiên Chúa lên trên hết mọi sự và yêu thương người thân cận như bản thân mình, là thực thi lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với những người anh chị em cùng khổ bên cạnh mình (x.Lc 10,29-37).
Vấn đề là khó có thể yêu mến Thiên Chúa, khi họ đặt Thiên Chúa lên trên hết mọi sự, và cũng thật khó để yêu thương người thân cận như yêu chính bản thân mình.
Giáo hội luôn bị thách đố về điều này và buộc phải bày tỏ lập trường dứt khoát.
Giáo hội là của Thiên Chúa, Giáo hội thuộc về Chúa Kitô chứ không thuộc về bất cứ thể chế chính trị, xã hội hoặc bất cứ phe nhóm nào, dù các thể chế ấy có ưu ái Giáo hội thế nào đi nữa. Nhưng Giáo Hội cũng cũng phải dấn thân vào các vấn đề xã hội, dù Giáo Hội không có chức năng làm chính trị.
Việc Giáo hội không vô cảm trước những bất công, những sự áp bức con người mà các thể chế chính trị, xã hội hay phe nhóm gây ra, là một lựa chọn đứng về phía người dân, nhất là những người cùng khổ, là điều cần thiết khi ứng dụng các giá trị tin mừng, góp phần giảm thiểu những tiêu cực trong xã hội và để xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.
Đức Tổng Giám mục Desmond Tutu, người được giải Nobel Hòa bình năm 1984 đã nói thật chí lý: “Trong trường hợp có bất công mà bạn không chọn phe nào, thì thực chất bạn đã đứng về phe áp bức.”
Nếu có một người công giáo dửng dưng trước những bất công, bách hại từ bất kỳ phía nào gây ra cho con người, nhất là cho những người thân cận, thì đó là bằng cứ cho thấy họ chưa là người Kitô hữu đích thật, chưa thật sự là anh chị em với nhau trong Chúa Kitô, chưa thuộc về Chúa Kitô – vì Người đã từng bị ghét bỏ và bị giết chết, chưa trọn vẹn thuộc về Giáo hội của Chúa Kitô – vì Giáo hội ấy luôn bị ghét.
Đức tin Kitô giáo không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà thờ, với cách sinh hoạt như thể tách biệt khỏi những thăng trầm của xã hội, những tang thương của cuộc sống. Nhưng trong những ngày xáo trộn xã hội, người dân hoang mang trước việc phong toả – giãn cách, trước nạn dịch Covid 19 hoành hành, đức tin ấy đã trở nên “cơm bánh hằng ngày” qua việc chia sẻ những bữa ăn nhân ái, những đồ dùng thiết yếu với anh chị em nghèo khổ của mình, những nạn nhân của thiên tai và của cả nhân tai nữa.
Đó là việc đem Tin Mừng đến cho người thân cận, là việc tin mừng hóa tất cả những vấn đề của họ, của dân tộc và của thế giới. Vì mọi: “tội lỗi chống lại tự nhiên cũng là tội lỗi chống lại con người và là tội lỗi chống lại chính Thiên Chúa”.
Trong tác phẩm “Muối cho đời”, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI khi còn là Hồng y Ratzinger có viết: “Giáo hội phải cật vấn những thói hư và những nguy cơ của thời đại, phải nói với lương tâm của những kẻ có quyền hành và cả với những nhà tri thức, cả với những người bằng con tim hẹp hòi và thản nhiên, muốn sống lãnh đạm trước những nỗi khốn cùng của thời đại. Với tư cách là Giám mục, tôi cảm thấy bó buộc phải chu toàn sứ mạng này.
Ngoài ra, những mất mát lúc ấy là quá hiển nhiên: sự chán nản trong đức tin, sa sút trong ơn gọi, xuống cấp các giá trị đạo đức giữa những người của Giáo hội, khuynh hướng bạo lực ngày càng tăng và bao điều khác nữa.
Tôi nghe vang vọng bên tai những lời của Thánh kinh và của các Giáo phụ kết án một cách nghiêm khắc những mục tử mà giống như những con chó câm, và nhằm tránh xung đột, để cho sự độc hại lan tràn. Sự yên ổn không phải là bổn phận đầu tiên của người công dân, và một Giám mục chỉ tránh những phiền toái của mọi thứ xung đột và ngụy trang chừng nào có thể, đối với tôi là một hình ảnh ghê tởm”
(Ratzinger, Muối cho Đời, Cerf 1997, tr. 95)
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT