Thái Hà (04.12.2016) – Hiện nay, “không có hy vọng nào về tự do hơn cho các tôn giáo” ở Việt Nam – Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên giám mục Giáo phận Kon Tum (Tây Nguyên) nhận định trong một cuộc phỏng vấn với Hãng tin AsiaNews của Học viện Giáo hoàng về Truyền giáo Hải ngoại (PIME).
Đức Cha còn nói rằng cuộc hội kiến gần đây tại Vatican giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Chủ tịch nước Trần Đại Quang nâng “hy vọng cho tự do tôn giáo”. Vậy mà không có cuộc gặp nào “mang lại bất kỳ kết quả mà mọi người đang mong đợi”, không loại trừ tình hình nó còn có thể tồi tệ hơn.
[Asia News phỏng vấn Đức Giám Mục Micae Hoàng Đức Oanh
Chân Phương 03.12.2016]
Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
…………………….
Thưa, Đức Cha có nhận xét gì về cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước Việt Nam với Đức Giáo Hoàng. Hiện đã có năm phiên họp và các chuyến thăm của phái đoàn đại diện hai bên, nhưng chúng ta có thể nói điều gì về sự tiến bộ trong tự do tôn giáo và tự do cho Giáo Hội tại Việt Nam không?
Đức Cha Oanh: Chúng tôi đều hy vọng rằng tự do tôn giáo sẽ được tiến triển mỗi khi có một cuộc gặp cấp cao giữa các nhà lãnh đạo Việt Nam và Vatican. Chúng tôi đang mong muốn nhìn thấy sự tiến bộ. Nhưng từ những kinh nghiệm thì phải nói rằng, dù đã rất nhiều lần lãnh đạo Việt Nam ở các cấp đến hội kiến Đức Giáo Hoàng, cả trong quá khứ và thời điểm hiện tại, nhưng không thấy có lần nào mang lại bất kỳ kết quả thỏa lòng mong đợi cả. Mà tình hình có thể còn trở nên tồi tệ hơn so với trước cuộc gặp.
Luật mới về hoạt động tôn giáo được chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn chỉ vài ngày trước cuộc gặp giữa chủ tịch nước với Đức Giáo Hoàng thì như thế nào?
Đức Cha Oanh: Theo kinh nghiệm của tôi, dưới sự cai trị của cộng sản thì có rất nhiều pháp lệnh về tôn giáo. Nhưng pháp lệnh lần này bị nhiều người coi là tồi tệ nhất. Nó còn tồi tệ hơn cả pháp lệnh ban đầu hồi năm 1946.
Như bạn biết, ở Việt Nam không có những điều kiểu như Tam quyền phân lập (Trias Politica) hoặc Phân quyền chuyên biệt (Separation of Powers) giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp trong chính phủ. Tất cả các bạn có thể thấy rằng, chẳng quan tâm đến chuyện luật đã được soạn thành văn, chính quyền địa phương và các cán bộ đóng vai trò “chính họ là luật”. Đời sống tôn giáo đang bị ảnh hưởng bởi các pháp lệnh thì các tín hữu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Các điều luật, pháp lệnh được tạo ra nhằm phục vụ cho những người tin vào nguyên tắc “kết quả biện minh cho phương tiện”. Họ trở nên dễ bị cám dỗ trong việc hối lộ để có được đặc quyền đối với tôn giáo. Tôi nghĩ rằng một xã hội mà con người nếu được tôn trọng và được bảo vệ tốt thì ai cũng sẽ bình đẳng trước pháp luật; do đó, không cần thiết có một pháp lệnh như vậy dành cho các tín đồ của các tôn giáo.
Đức Cha miêu tả tình hình của Giáo Hội tại Việt Nam như thế nào? Chúng con có ghi nhận về rất nhiều hoạt động trong lĩnh vực bác ái; chúng con cũng biết về các nhà hoạt động Công Giáo bị cầm tù; ngoài ra chúng con còn thấy có vụ khởi kiện về vấn đề ô nhiễm môi trường (Tập đoàn Formosa); đấu tranh cho chủ quyền trên các quần đảo ở Biển Đông, những việc loan báo Tin Mừng trong xã hội Việt Nam?
Đức Cha Oanh: Cảm ơn Asia News và các cơ quan truyền thông quốc tế khác đã lưu tâm và đưa tin về tình hình Giáo Hội tại Việt Nam. Chúng tôi cầu nguyện sao cho những ghi nhận của quý vị sẽ mang đến một bức tranh chuẩn xác về Giáo Hội của chúng tôi và tình hình của đất nước chúng tôi đến cho những người khác được xem thấy.
Các bản thống kê cho biết việc loan báo Tin Mừng trong xã hội Việt Nam đã đi xuống dốc. Nếu xem bản thống kê mới nhất sẽ thấy rằng Giáo Hội tại Việt Nam đang mất dần danh hiệu “Trưởng nữ của Giáo Hội tại Á Châu” và đã tụt xuống thứ 5 sau các quốc gia: Philippines, Nam Hàn, Đông Timor và Lebanon.
Một Giáo Hội được nhận định là không loan báo Tin Mừng hoặc bỏ quên việc truyền giáo là khi Giáo Hội đó không quan tâm đến, cũng như không đứng về phía người nghèo. Đặc biệt, khi Giáo Hội đó bỏ qua những người nghèo, người bị áp bức, người dân bé mọn, như bản thống kê đã lưu ý.
Chính phủ Việt Nam dường như đang ở giữa một bên là cái lối cổ hủ của chủ nghĩa cộng sản (với những đồng chí, như Trung Quốc) còn một bên là nỗ lực để thể hiện tính hiện đại và cởi mở, thu hút đầu tư nước ngoài, làm ăn với những người bạn mới (như Hoa Kỳ). Vậy chính phủ Việt đang đứng ở đâu?
Đức Cha Oanh: Thật không may, Việt Nam là một đất nước nhỏ nằm gần một nước lớn. Chúng ta đều nghe thấy cụm từ “cá lớn nuốt cá bé”. Ngoài ra, trong nhiều năm qua, giới hoạt động chính trị ở Việt Nam đã chọn con đường của chủ nghĩa Mác-Lênin, gây ra cuộc nội chiến giữa miền Bắc và miền Nam trong nhiều năm. Việt Nam đã quá tụt hậu đằng sau, và nay là lúc tồi tệ nhất. Nhiều người nói với tôi rằng chủ nghĩa Mác-Lênin trong tầng lớp lãnh đạo Việt Nam ngày nay là chỉ còn là một bức bình phong. Họ thực sự cũng mệt mỏi với nó. Người ta bây giờ nói rằng khẩu hiệu “vô sản, vô giai cấp” không còn phù hợp nữa. Cán bộ ngày nay trở thành những nhà ‘tư bản đỏ’ giàu có bẩn thỉu và họ có thể còn phong kiến và độc tài hơn bất kỳ phú hộ nào trong thời phong kiến hồi xưa.
Quyết định đi theo hướng chính trị nào là một trong những khó khăn mà các nhà lãnh đạo Việt Nam phải đối diện, gọi là “chính sách đu dây”. Chúng tôi phải cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo Việt Nam được khôn ngoan và sáng suốt trong việc lèo lái đất nước đi đúng hướng trong khi phải tôn trọng, bảo vệ và đứng về phía nhân dân, vì họ không thể thực hiện bất cứ điều gì mà không có nhân dân. Mọi thứ chỉ có thể thực hiện được với sự hỗ trợ của nhân dân. Bá quyền của kẻ thù cũng chẳng là gì nếu đối diện nó với sự hỗ trợ của nhân dân, và sẽ yên tâm rằng chúng tôi có thể giữ được toàn vẹn lãnh thổ và độc lập của chúng tôi, xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu của chúng tôi giàu mạnh hơn, cũng như mang lại hạnh phúc cho mọi người dân Việt Nam.
Với điều kiện là họ phải tôn trọng và sát cánh với người dân, trước hết là tự do tôn giáo phải được công nhận. Trong điều kiện hiện nay, không có hy vọng nào về tự do hơn cho các tôn giáo. (AsiaNews)
Chân Phương
Nguồn: Fb Lm. Lê Ngọc Thanh