Đất nước Myanmar đã lâm vào cuộc nội chiến kéo dài nhiều thập kỷ, Giáo Hội Công Giáo đã đi tiên phong kêu mời thống nhất đất nước bằng đối thoại, bằng thương lượng, chứ không phải vũ lực.
Đức Hồng Y Bo khẳng khái: “Giải đáp cho đất nước Myanmar là con đường đối thoại, chứ không còn con đường nào khác!” Đức Hồng Y Charles Bo, Tổng giám mục Yangon, cho biết như trên trong một công bố đề ra trong khuôn khổ phiên họp đàm phán về Hòa bình của thế kỷ 21, lần thứ 4 của Liên quân, sẽ diễn ra ở Naypyitaw, thủ phủ của Myanmar từ ngày 19 đến 21 tháng 8.
Đức Hồng Y, chủ tịch Liên đoàn Hội đồng các Giám mục Á Châu (FABC), nói: “Tất cả chúng ta đã bị chiến tranh vùi dập. Không ai chiến thắng cả. Con đường duy nhất là hòa bình. Với hòa bình, nhân loại sẽ chiến thắng!”
Hòa đàm Panglong
Bà Aung San Suu Kyi, Tham vấn của Nhà nước Myanmar, Lực lượng vũ trang (Tatmadaw) và các nhà lãnh đạo của các nhóm dân tộc vũ trang khác nhau sẽ tham gia các cuộc đàm phán Hòa bình (UPC) sắp tới với hy vọng chấm dứt các cuộc xung đột giữa các sắc tộc trong đất nước này cả mấy thập kỷ qua…
Chính phủ cho Quân đội Arakan (AA), lực lượng đang chiến đấu với quân đội Tatmadaw ở các bang Rakhine và Chin, là một tổ chức khủng bố. Do đó, họ bị loại ra khỏi cuộc đàm phán Panglong. Các nhà phân tích cho hay nếu tổ chức AA này bị loại thì e khó có thể qui tụ các nhóm khác về tham dự, cho thấy cuộc đàm phán đã thất bại vì các vấn đề của của hai miền Rakhine và Chin sẽ không được giải quyết.
Đàm phán Panglong lần thứ nhất đã diễn ra vào năm 1947 tại một đất nước khi đó còn được gọi là Miến Điện do Anh cai trị, đã đặt nền móng cho sự ra đời của quốc gia Myanmar sau này. Ba của bà Suu Kyi là Tướng Aung San đã có công nối kết bốn sắc tộc chính là Bamar, Chin, Kachin và Shan ngồi lại với nhau.
Viễn kiến của người sáng lập
Trong thông điệp của mình, Đức Hồng Y Bo cam kết những tâm tình cầu nguyện cho sự thành công của hội nghị được bắt đầu vào thứ Tư tuần này. ĐHY mơ ước rằng các nhà lãnh đạo đất nước đã mơ về một quốc gia thống nhất, sau những tàn phá của cuộc xâm lược và chủ nghĩa thực dân Nhật Bản. Họ đã chiến đấu “để xây dựng dựa trên những khác biệt văn hóa, ngôn ngữ, mầu da chủng tộc để cùng nhau chung sống, dựng xây một đất nước giầu mạnh và một dân tộc đại đoàn kết!”
ĐHY lấy làm tiếc trước vụ ám sát ông Aung San một cách dã man vào năm 1947, đã dẫn đến những xung đột, chiến tranh triền miên cho người dân Myanmar.
Con đường hòa bình là thống nhất và đối thoại
Vị Hồng Y 71 tuổi này, vừa là Chủ tịch của Liên Hội Đồng Giám mục Á Châu và Tổ chức Tôn giáo vì Hòa bình Quốc tế, cầu mong rằng những người tham dự các cuộc đàm phán bây giờ sẽ đảo ngược được các trang sử bi thương chết chóc và đau khổ của đất nước, đặc biệt trong cơn đại dịch này!
Về vấn đề này, ĐHY nhắc lại lời kêu gọi ngưng chiến toàn cầu ngay lập tức của ông Tổng thư ký Liên hợp quốc, Antonio Guterres và của Đức Thánh Cha Phanxicô. Đức Hồng Y nói: “Virus sẽ chỉ được khắc phục thông qua sự hiệp nhất. “Chính qua sự hiệp nhất, chúng ta sẽ xây dựng lại quốc gia của mình sau những năm bị tàn phá về kinh tế – xã hội, môi trường và y tế của cơn dịch toàn cầu”.
Với những hệ lụy của cơn đại dịch Covid-19 và trước những xung đột dài đằng đẵng, Đức Hồng Y nói, “Không có con đường nào khác để giải thoát đất nước chúng ta khỏi những rối reng hiện này ngoài đối thoại.” “Đối thoại chân thành phát xuất từ trái tim và khối óc rộng mở, từ nỗi niềm đam mê yêu mến chân lý, nối kết xã hội chúng ta và ban cho nó “sức sống”, chính đối thoại sẽ giải đáp được những khác biệt.”
Quân đội dưới một chính phủ dân chủ
Đức Hồng Y kêu gọi xây dựng một đất nước liên hiệp thực sự được điều động bởi một chính phủ biết quan tâm đến mọi công dân của mình, một con đường đưa Myanmar bước vào thể chế dân chủ.
ĐHY cảnh báo rằng các giải pháp quân sự nhằm giải quyết sự khác biệt là phản tác dụng và phải được loại bỏ và thay thế bằng sự hợp tác, văn minh và khôn ngoan.
ĐHY thúc giục kiến tạo một quân đội bao trùm tất cả các nhóm sắc tộc, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào, quân đội này phải nằm dưới quyền điều khiển của một tổng thống do dân bầu và có trách nhiệm dân chủ.
ĐHY lưu ý rằng vũ khí lớn nhất của nền dân chủ là hòa giải và công lý, Đức Hồng Y cám ơn tất cả những ai đi theo con đường này thông qua việc đối thoại và tôn trọng những hiệp ước.
Đức Hồng Y Bo tin rằng hòa bình, nghĩa là phát triển, là có thể xảy ra cho Myanmar. Ngài mong muốn rằng “đàm phán Panglong” sẽ đem đến cho nhân dân Myanmar “”một tầm nhìn, một lòng dũng cảm và một trái tim quyết tâm đưa đất nước bước vào con đường dẫn đến hòa bình”.
(Tin Vatican – Robin Gomes)
http://www.vietcatholic.net/News/Html/257961.htm