Đức Hồng Y Roger Marie Élie Etchegaray được Chúa gọi về ngày 2 tháng 9 năm 2019, thọ 97 tuổi (1922 – 2019)
Mối quan hệ “đóng băng” giữa Vatican và nhà nước Việt Nam sau năm 1975 được chính thức “rã đông” khởi từ năm 1989, khi Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II cử một đặc sứ là Hồng y người Pháp Roger Etchegaray lần đầu tiên đến thăm Việt Nam.
Sau đó, Ngài đến Việt Nam lần thứ hai vào ngày 23/ 5/ 1990 để dự lễ tang của Đức Hồng y Trịnh Văn Căn. Tháng 11/ 1990, Đức Hồng y Etchegaray quay lại Việt Nam lần thứ ba, dẫn đầu phái đoàn Tòa Thánh Vatican sang thăm và làm việc với Chính phủ Việt Nam, khởi đầu cho tiến trình đối thoại giữa hai bên.
Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, ngày 13/ 1/ 2011 đã bổ nhiệm Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli làm Đại diện Tòa Thánh không thường trú đầu tiên tại Việt Nam. Việc bổ nhiệm này là kết quả của những cuộc gặp gỡ bàn về việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Việt Nam khởi sự từ năm 2007, với thỏa thuận về việc sẽ có một đại diện không thường trú của Vatican tại Việt Nam.
Trên trang web của HĐGMVN ngày 16/08/2009 có bài viết nhan đề: “Việt Nam – Con đường hy vọng” trích từ hồi ký của Đức Hồng Y Etchegaray “Tôi đã cảm thấy nhịp đập của trái tim thế giới” (J’ai senti battre le coeur du monde – Conversations avec Bernard Lecomte, Cardinal Roger Etchegaray, Nxb. Fayard, 2007, Tủ sách Chứng nhân Lịch sử, các trang 283-288.
Hồng y Etchegaray là một trong những nhân vật hấp dẫn nhất của Giáo hội Công giáo. Ngài đã từng biết đến tất cả những bước tiến, những khủng hoảng, tất cả các nhân vật chủ chốt, mọi bí mật của Giáo hội. Và bản thân ngài cũng đã có một vai trò nhiều khi có tính cách quyết định. Việc xuất bản tập Hồi ký của ngài là một biến cố có tầm vóc quốc tế.
Là chuyên viên tại Công đồng chung Vatican II, chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục châu Âu, được Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II phong hồng y năm 1979 sau nhiều năm làm Tổng giám mục giáo phận Marseille, trong hơn hai thập niên, Hồng y Etchegaray là một trong những cộng sự và thân cận của vị Giáo hoàng người Ba Lan và là đặc sứ của ngài trên thế giới với những sứ vụ thầm kín nhất và tế nhị nhất.
Trong các cuộc trò chuyện với Bernard Lecomte, lần đầu tiên vị hồng y bộc lộ các cuộc trao đổi với Fidel Castro hay Saddam Hussein, các sứ vụ của ngài tại Rwanda giữa lúc diễn ra cao độ nạn diệt chủng, tại Trung Đông hay tại ngay Trung Quốc theo chế độ cộng sản. Ngài cũng nói nhiều tới các quan hệ riêng của ngài với các Giáo hoàng Phaolô VI, Gioan-Phaolô II và Bênêđictô XVI, cũng như với tất cả những người ở khắp hành tinh đã cùng đi với ngài trong cuộc hành trình mục vụ của ngài.
Tập tư liệu đặc biệt này cho phép chúng ta sống từ bên trong toàn bộ lịch sử thiêng liêng, chính trị và ngoại giao của Giáo hội đương thời.
Bernard Lecomte đã từng đứng đầu bộ phận phụ trách phần nước ngoài của báo La Croix; ký giả lớn của tờ L’Express và tổng biên tập của tờ Figaro Magazine, đồng thời cũng là tác giả của một số tiểu sử trong đó có tiểu sử của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II, nxb. Gallimart.
– Năm 1989 chính là năm chủ nghĩa cộng sản đã rạn nứt tại châu Âu, nhưng hồng y lại được biết đến một quốc gia khác, nước Việt Nam, vốn đang gia cố cái vỏ bảo vệ ý thức hệ của mình.
– Ở Marseille, tôi có nhiều quan hệ với cộng đồng người Việt, đông và năng động. Tại Roma, vào dịp Thượng Hội đồng giám mục năm 1974, tôi được gặp Đức Tổng giám mục phụ tá Hà Nội, Trịnh Văn Căn, vừa mới được phép ra khỏi nước sau hai mươi năm chẳng được phép đi đâu. Tôi đã lấy làm ngạc nhiên trước phát biểu ít nhiều chất phác của ngài: “Ngày chủ nhật, các nhóm người già, thanh niên, trẻ em, đôi khi thức dậy vào nửa đêm và tay cầm đèn, kéo nhau tới nhà thờ có linh mục. Họ đi qua các làng mạc không công giáo và những người ngoài công giáo này tự hỏi không biết họ là ai và họ đi đâu. Những người này có ngay câu trả lời: họ đi lễ, họ thờ ông Giêsu. Một người ngoài công giáo phản ứng: “Mất thời giờ! Nhưng họ lại vui vẻ và hạnh phúc…”
Thời gian trôi qua. Năm 1989, tôi được Hội đồng Giám mục Việt Nam mời – các giám mục phải có một sắc lệnh đặc biệt của nhà nước để mời. Giáo hội Công giáo Việt Nam là một trong ba Giáo hội lớn nhất châu Á (cùng với các Giáo hội Philippines và Hàn quốc).
Giáo hội Việt Nam khi ấy có 6 triệu tín hữu, tức gần 10% dân số. Đây là lần đầu tiên một đại diện của Giáo hoàng tới viếng thăm đất nước này kể từ khi đất nước này được thống nhất do cuộc toàn thắng của lực lượng cộng sản năm 1975.
Việt Nam là một quốc gia do một đảng duy nhất lãnh đạo và đảng này ra sức hạn chế một cách gắt gao số thanh niên vào chủng viện, trục xuất các thừa sai cuối cùng, cấm báo chí công giáo (trừ một tờ báo của người công giáo “yêu nước”), hạn chế hoạt động của các dòng tu, đông đảo ở Việt Nam, và nói chung vi phạm quyền tự do tôn giáo. Không nói đến các linh mục bị tống vào tù: khoảng một trăm linh mục còn ở trong tù, trong đó có một số linh mục từng là tuyên úy quân đội…
Tôi đến Hà Nội ngày 1-7-1989, có đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, một người ở miền Nam Việt Nam đang làm việc tại Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, đi cùng. Tôi nhớ đến cái nóng bức rất khó chịu, nhưng cũng đặc biệt nhớ đến sự đón tiếp nồng nhiệt người dân công giáo và cả không công giáo đã dành cho tôi.
Trong vòng mười ba ngày, tôi đã vượt 2.000 cây số và viếng thăm 11 giáo phận, 4 ở phía Bắc, những giáo phận khốn khổ nhất: Hà Nội, Phát Diệm, Bùi Chu và Hải Phòng. Đâu đâu bổn đạo cũng lũ lượt kéo tới 200.000 người dự lễ tại Bùi Chu, 100.000 người tại Phát Diệm! Rồi tối tới Huế, Đà Nẵng, trước khi đi thăm các giáo phận ở miền Nam, xung quanh thành phố Hồ Chí Minh, Sàigòn xưa, thành phố quan trọng nhất (3,2 triệu dân), không xa châu thổ sông Mêkông. Người ta tính có đến 45.000 tín hữu tới dự thánh lễ tại Vương cung thánh đường, khó khăn lắm tôi mới vào được thánh đường.
Hàng ngày, tôi đều được nghe câu nói: “Chưa bao giờ được thấy cảnh tượng này!” Người ta tính có đến một triệu người đã di chuyển dọc các con đường để hoan hô sứ giả của giáo hoàng. Những sự biểu lộ tình cảm kéo dài không dứt từ Bắc tới Nam, “cuộc toàn thắng của đức tin” hẳn đã làm chính quyền ngạc nhiên và có lẽ tức giận. Đôi khi họ cũng đã tìm cách kềm chế sự nhiệt tình của dân chúng. Tôi viết trong báo cáo gửi Đức Thánh Cha:
“Điều làm con ngạc nhiên hơn hết, chính là lòng sốt sáng nguyên thủy của các Kitô hữu phía Bắc (dưới vỏ bọc chì cộng sản từ năm 1954). Cộng đồng tín hữu không chỉ sống sót mà còn sống một cách toàn vẹn lòng tin của mình. Cộng đồng này đã chỉ sống trong Thần Khí và bởi Thần Khí, gần như không có sự nâng đỡ của thừa tác vụ của Giáo hội, vì thiếu linh mục và thiếu các phương tiện.
Điều cũng làm con ngạc nhiên, chính là sự tương phản, thậm chí tình trạng mất quân bình giữa phía Bắc và phía Nam, trong tất cả mọi lĩnh vực (không chỉ về mặt tôn giáo). Phía Nam, tự do cho tới năm 1975, có một hàng giáo sĩ đông đúc (gia tăng do các linh mục di cư từ Bắc vào năm 1954) và được chuẩn bị kỹ (nhiều đại học châu Âu hay Mỹ), nhiều cộng đoàn tu sĩ lớn (chẳng hạn các nữ tu dòng thánh Phaolô thành Chartres, gồm ba tỉnh dòng và 800 nữ tu) với việc chiêu sinh tương đối dễ dàng và việc tham gia của các nữ tu trong các công trình xã hội của nhà nước. Ở ngoài Bắc, ngược lại, rất ít linh mục, tất cả đều ngập công việc (con có nói chuyện với một linh mục một mình phải lo cho 40.000 bổn đạo tại 9 họ đạo khác nhau, họ đạo xa nhất là 200 cây số và chỉ có chiếc xe đạp làm phương tiện di chuyển!).
Khoảng sáu chục linh mục được truyền chức “chui” và không được phép thi hành chức vụ của mình. Một chủng viện tại Hà Nội, không có người đào tạo chuyên nghiệp. Một vài giám mục, được chỉ định trong thời kỳ khó khăn, chỉ có trình độ của giáo lý viên. Giám mục Lạng Sơn, Đức Cha Phạm Văn Dụ, được phong chức chui, từ 30 năm nay, phải sống trong tình trạng chỉ định cư trú, cách tòa giám mục của mình 100 cây số: giáo phận của ngài, sát biên giới Trung Quốc, chỉ có hai linh mục già và ba nữ tu.
– Các nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam cũng đã dành cho Hồng y một sự tiếp đón cũng nồng hậu như vậy?
– Tại Hà Nội, tôi được mời dự một cuộc gặp gỡ với Tổng bí thư Đỗ Mười, có ông Nguyễn Chính, trưởng Ban tôn giáo chính phủ (tất cả các nước cộng sản đều có bộ phận nổi tiếng này), cùng dự. Cuộc trao đổi được trù tính diễn ra nửa tiếng, nhưng đã kéo dài năm mươi phút. Tôi đã nêu lên trường hợp của Đức Giám mục Phạm Văn Dụ, và trường hợp, phức tạp hơn, của Đức Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, ra khỏi tù năm 1988 sau mười ba năm bị giam giữ, luôn được Đức Giáo hoàng xem như Tổng giám mục phó của thành phố Hồ Chí Minh.
Chính quyền không muốn nghe nói đến ngài khi Đức Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình khi ấy đã 80 tuổi, sắp sửa nghỉ hưu, người đã biết khôn khéo lèo lái con thuyền công giáo trong cơn bão tố vô thần. Tôi đã nói đến tình trạng của Giáo hội không được tự do trong việc chọn các ứng viên cho chức vụ linh mục và giám mục. Tôi đã yêu cầu là để các linh mục miền Nam, gốc miền Bắc, có thể ra Bắc để giúp các linh mục ngoài này, vốn rất ít, và để họ có thể đi du học ở nước ngoài.
Ông Tổng bí thư chú ý lắng nghe và trách Tòa Thánh là đã phong thánh cho 117 “vị tử đạo Việt Nam”, năm trước tại Roma (19-7-1988), mà không bàn hỏi trước với nhà nước. Đối với ông, Vatican ít nhiều có tiếp tay cho thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Nhưng, ông nói “cần phải đối thoại”! Tôi đã xem việc khẳng định ý muốn đối thoại này chính là một sự cởi mở khích lệ.
Cần phải đẩy mạnh lợi điểm này. Ngày 13-7, ngay trước ngày tôi lên đường, ông Nguyễn Chính đã tổ chức một cuộc trao đổi chính trị mới nữa. Ông đã được báo cáo về sự phấn khởi trong dân chúng do cuộc hành trình từ Nam tới Bắc của tôi tạo nên. Ông nói với tôi là ông thích việc tôi nói đến “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tên gọi mới của nước này, chứ không dùng tên gọi có từ thời Bảo Đại. Tôi đã nói với ông ấy rằng đâu đâu tôi cũng kêu gọi: “Hãy yêu mến tổ quốc của các bạn”, và mỗi khi nói như vậy, tôi đều được vỗ tay tán đồng.
Đức Hồng y Trịnh Văn Căn, ít ngày sau khi tôi đi, đã viết cho tôi nói là chuyến viếng thăm này đã là “một lễ Hiện xuống mới”. Khi Đức Hồng y mất, tôi nhảy lên một chiếc máy bay đi Hà Nội để đại diện Đức Giáo hoàng dự đám tang của ngài, ngày 23-5-1990. Tôi là giám mục duy nhất được phép tham dự. Ngày 25-10 tiếp theo đó, 22 giám mục Việt Nam tới Roma viếng ad limina lần đầu tiên. Và từ ngày 6 tới 14-11-1990, tôi trở lại Việt Nam, cầm đầu một phái đoàn chính thức, có giám mục Claudio Celli và đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương cùng đi – lần thứ ba trong vòng 15 tháng!
Lần ấy, tại Hà Nội, tôi đã gặp ông Đỗ Mười, Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mai Chí Thọ từ Thành phố Hồ Chí Minh ra. Nhất là tôi đã có năm buổi làm việc lâu dài với trưởng Ban tôn giáo chính phủ Nguyễn Chính. Cuộc đối thoại thật khó khăn vì hai lý do: ông Chính là một người cộng sản thực sự; và trong mỗi vấn đề, ông đều phải hỏi ý kiến của cấp cao hơn. Cuộc tranh luận của chúng tôi xoay quanh việc chỉ định giám mục cho Hưng Hóa, Thái Bình, Hà Nội, Huế, …
Mọi trường hợp đều là đối tượng của việc trao đổi luận chứng. Đặc biệt là trường hợp của Đức cha Nguyễn Văn Thuận, không có giải pháp. Cũng cần phải nói rằng Đức cha Nguyễn Văn Thuận thuộc về một gia đình danh giá, có một người cậu là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bản thân Đức cha được chỉ định làm giám mục phụ tá Sài Gòn mấy tuần trước khi lực lượng cộng sản tới và bắt ngài vào tù. Từ khi được thả, ngài sống như một nhà ẩn tu dưới mái nhà Tổng giám mục Hà Nội.
Ngài đã kể lại cho tôi nghe khoảng thời gian đầu ngài ở trong tình trạng cư trú bắt buộc và bị canh giữ tại một làng ở phía Bắc:
Một buổi sáng tháng mười năm 1975, tôi ra dấu cho một cậu bé 7 tuổi tên là Quang, đi dự lễ 5 giờ về, khi trời chưa sáng: “Con nói với mẹ mua cho cha mấy bloc lịch cũ!” Chiều tối, khi mặt trời bắt đầu lặn, Quang đem lại cho tôi các cuốn lịch bloc. Từ khi ấy, trong tháng mười và tháng mười một năm 1975, hằng đêm tôi viết cho dân tôi thông điệp từ cảnh tù đầy. Mỗi sáng, đứa bé tới lấy các tờ lịch, đem về nhà cho các anh chị chép lại thông điệp…
Và ngài đã viết cuốn Đường hy vọng của ngài như vậy đó. Hy vọng, đó chính là mật hiệu mà Đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận chuyển cho thuyền nhân (boat people), và sau này cho cả những kẻ bị đắm trong cuộc đời ở mọi ngõ ngách trên thế giới. Cuối cùng, ngài khước từ nhiệm vụ giám mục của ngài, và năm 1994 Đức giáo hoàng Gioan-Phalô II đã mời ngài về Roma để giao cho ngài chức phó chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình, trong khi chờ đợi thay thế tôi vào ngày 24-6-1998.
Cái chết của ngài, ngày 16-9-2002, là cái chết của một ngôn sứ hòa bình cho đất nước của ngài.
Ngày 11-11, trong thánh lễ ở nhà thờ chính tòa Hà Nội (trước đó tôi đã không được phép cử hành) và trước 5000 tín hữu, tôi đã nói: “Hãy hãnh diện làm người công giáo, hãy yêu mến Giáo hội của anh chị em, hãy hãnh diện làm người Việt Nam, hãy yêu mến tổ quốc của anh chị em!”. Đó là bước đầu của một tiến trình, chậm chạp, nhưng không thể kìm hãm, tới một chút tự do hơn…
(Nguồn http://hdgmvietnam.com/chi…/viet-nam-con-duong-hy-vong-22367