Ngay từ buổi đầu của Hội Thánh, người ta tin rằng cuộc đời thánh thiện của Đức Maria đã kết thúc một cách tốt đẹp. Thật vậy, từ thời các Giáo phụ (cuối thế kỷ V), các Giáo Hội bên Đông cũng như Tây Phương dành ngày 15/08 để cử hành ngày tạ thế của Đức Mẹ; tuy nhiên, ý nghĩa của nó được giải thích khác nhau.[1] Bên cạnh đó, có nhiều lập trường khác nhau khi nói đến Đức Maria hồn xác lên trời. Chẳng hạn, vào thời Trung cổ, đan sĩ Usuardo cho rằng chuyện Đức Mẹ lên trời không đáng tin vì dựa vào ngụy thư. Đến ngày 01/05/1964, Đức Piô XII đã viết Thông điệp Deiparae Virginis gửi cho hàng giám mục trên thế giới để thỉnh ý các ngài về hai điểm: thứ nhất, đây có phải là chân lý mạc khải hay không? Thứ hai, có nên tuyên bố thành tín điều hay không? Kết quả: 98,2% các giám mục đồng ý về cả hai điểm; 1,8% tỏ ra dè đặt về câu hỏi thứ hai; 0,4% tỏ vẻ hoài nghi về câu hỏi thứ nhất. Sau khi đã hội ý hàng giám mục, Đức Piô XII đã ban hành Tông Hiến Munificentissimus Deus vào ngày 01/11/1950 công bố tín điều Đức Maria được Hồn Xác về Trời:
Để tôn vinh Thiên Chúa toàn năng, Đấng ưu ái Đức Maria cách đặc biệt; để tôn kính Con của Người, Đức Vua vĩnh cửu đã chiến thắng tội lỗi và sự chết; để làm vinh hiển Thân Mẫu của Ngài và để Hội Thánh được hoan hỉ (…) Chúng tôi tuyên bố điều sau đây như là tín điều mặc khải của Thiên Chúa: Đức Maria vô nhiễm, trọn đời đồng trinh là Mẹ Thiên Chúa, sau khi chấm dứt cuộc đời trần thế, đã được Thiên Chúa đưa vào vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác.[2]
Và Công Đồng Vaticanô II tái xác nhận: “Sau cùng, được gìn giữ tinh sạch khỏi mọi vết nhơ nguyên tội, và sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác.”[3]
Vậy, tại sao Đức Maria được hưởng đặc ân này?
Trước tiên, vì Đức Maria đã được gìn giữ khỏi nguyên tội nhờ ơn Vô nhiễm Nguyên Tội, và vì Mẹ đã được Thiên Chúa ban cho đầy tràn ân sủng, nên Mẹ không phải chịu những hậu quả do nguyên tội. Vì thế, với đặc ân hồn xác lên trời vinh quang, Đức Maria cũng hiển thắng sự hư hoại của thân xác vì cái chết.[4] Đó cũng là điều mà Thánh Anphongsô đã viết: “Chúa Giêsu đã không muốn để cho thân xác của Đức Maria hư nát sau khi chết, vì việc để cho thân xác khiết trinh của Mẹ, thân xác của chính Người đã nhận lấy huyết nhục, hủy hoại thành cát bụi, sẽ là mối nhục cho Người.”[5]
Hơn nữa, theo Kinh tiền tụng của Thánh lễ “Mẹ hồn xác lên trời,” thì “Cha không muốn Người (Đức Maria) chịu cảnh hư nát trong mồ, vì Người đã sinh hạ Con Cha yêu quý, là Đấng ban sự sống cho mọi loài.”[6]
Ngoài ra, vì đó chính là một ân sủng, chính Thiên Chúa đã đưa, đã ban cho Mẹ “được hồn xác về trời.”[7]
Ý Nghĩa Thần Học Tín Điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời
Ta không nên coi chân lý Đức Maria hồn xác lên trời như là một hồng ân lẻ loi, nhưng cần phải lồng nó trong toàn thể chương trình cứu chuộc của Đức Kitô.
Trước hết, trong tương quan với Đức Kitô. Tín điều Mẹ hồn xác lên trời phản ánh hậu quả của cuộc cứu chuộc, phản ánh tia sáng huy hoàng mà Chúa Kitô đã mang lại cho nhân loại từ cuộc phục sinh khải hoàn: sự lên trời tiên vàn nói lên việc thông dự vào hồng ân cứu chuộc. Mẹ là người đi theo Đức Kitô trong cuộc chiến thắng tội lỗi và sự chết. Mặt khác, việc thông dự vào sự sống lại với Đức Kitô là cao điểm của một chuỗi dài những liên kết giữa Đức Maria và Chúa Cứu Thế, khởi đầu từ khi chấp nhận lời sứ thần: Đức Maria thuận nhận làm mẹ Chúa Giêsu, dâng trót cả đời mình để chu toàn sứ mạng ấy. Tình yêu dâng hiến đã làm thay đổi trọn cả kiếp sống của Người; và ta có thể nói rằng tình yêu mà Chúa Giêsu dành cho Mẹ lại càng có sức biến đổi cuộc sống của Mẹ hơn. Sự biến đổi ấy không những chỉ ảnh hưởng tới linh hồn, mà còn biến đổi cả thân xác của mẹ, thân xác không bị tan rữa ra tro bụi.[8] Cho nên, cuộc lên trời của Đức Trinh Nữ là sự tham dự độc nhất vô nhị vào sự Phục Sinh của Con mình, để Mẹ đồng hình đồng dạng cách sung mãn hơn với Con mình[9] và là việc thể hiện trước sự Phục Sinh của tất cả các chi thể của Thân Thể Người.[10]
Bên cạnh đó, trong tương quan với Hội Thánh. Đức Maria được sống lại như là con người đầu tiên lãnh nhận ơn cứu chuộc của Đức Kitô, ơn cứu chuộc vượt thắng cái chết. Nơi Đức Maria, Hội Thánh chiêm ngắm phần tử đầu tiên của mình được cứu rỗi, tiên báo số phận mà một ngày kia tất cả các phần tử cũng sẽ được lãnh nhận. Vì vậy, tín điều Mẹ Hồn Xác Lên Trời là một dấu chỉ hy vọng cho toàn thể dân Chúa, thấy trước được sự thành toàn của ơn cứu độ. Hội Thánh không những hy vọng cũng sẽ được hưởng vinh quang như Đức Maria, Người đang thi hành chức phận làm mẹ của các tín hữu,[11] mà còn tin chắc rằng xác loài người ngày sau sẽ được sống lại và chúng ta sẽ được hưởng sự sống đời đời.[12] Và hơn ai hết, Mẹ chính là “hình ảnh của Hội Thánh phải được hoàn thành.” “Hôm nay, Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, được đưa về trời. Người là khởi đầu, là hình ảnh của Hội Thánh viên mãn, là niềm an ủi và hy vọng tràn trề cho dân thánh trong cuộc lữ hành trần thế.”[13] Đó cũng là điều mà Công Đồng Vaticanô II khẳng định: “Ngày nay Mẹ Chúa Giêsu đã được vinh hiển hồn xác trên trời, là hình ảnh và khởi thủy của Giáo Hội sẽ hoàn thành đời sau; cũng thế, dưới đất này, cho tới ngày Chúa đến (x. 2 Pr 3,10), Ngài chiếu sáng như dấu chỉ lòng cậy trông vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành.”[14]
Ngoài ra, Tín Điều Đức Mẹ Hồn Xác lên trời đã soi sáng mầu nhiệm của hy vọng tương lai và mầu nhiệm trong đời sống vĩnh cửu nhưng không bỏ qua mầu nhiệm hiệp thông giữa các thánh:[15]
Đức Maria hồn xác lên trời (…) là một phần của chân lý căn bản về cánh chung, không hiểu như là một tương lai xa vời mà ta trông ngóng, nhưng như là một đức tin đã mang lấy tương lai trong hiện tại, bởi vì phần nào đã nắm được bảo chứng của nó (2 Cr 1, 22).[16]
Mẹ hiển vinh trên cõi vĩnh hằng nhưng không dửng dưng xa cách với cuộc sống của chúng ta, với những đau khổ của nhân loại, những gian truân của Giáo Hội và của thế giới. Mẹ ở trên trời và trở thành niềm hy vọng cho những người dưới thế cho đến thời Con của Mẹ đến (parousia). Như thế, Đức Maria là dấu chỉ trung thành và hiển hiện giữa trời và đất, giữa tương lai cánh chung và hiện tại lữ hành trong dòng lịch sử. Mẹ là hình ảnh của niềm hy vọng đã được thực hiện, là chiếc neo[17] móc nối và liên kết toàn bộ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Cùng với các thánh trên trời, Mẹ chuyển cầu cùng Con Mẹ và củng cố sự hiệp nhất Hội Thánh: “Cho tới khi mọi gia đình dân tộc hoặc đã mang danh hiệu Kitô hữu, hoặc chưa biết Ðấng Cứu Chuộc mình, đều hân hoan đoàn tụ trong an bình và hòa thuận, hợp thành một dân Thiên Chúa duy nhất, hầu vinh danh Ba Ngôi Thiên Chúa rất thánh và không phân chia.”[18]
Jos. Nguyễn Văn Sơn, C.Ss.R
[1] x. Giuse Phan Tấn Thành, Magnificat (Học Viện Đaminh, 2010), 187-188.
[2] Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Thánh Mẫu Học (Sài Gòn, 2016), 297; x. DS, # 3903; x. MD, # 44.
[3] LG, # 59; x. RM, # 41.
[4] x. Lm. Giuse Tạ Huy Hoàng, Thánh Mẫu Học Về Các Tín Điều (Đại Chủng Viện Thánh Giuse, 2007), 204.
[5] x. Thánh Anphong, Vinh Quang Đức Maria, Phạm Duy Lễ chuyển dịch (Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, 2006), 472.
[6] Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Thánh Mẫu Học, 299.
[7] Ibid.
[8] x. Giuse Phan Tấn Thành, Magnificat, 194-195.
[9] x. LG, # 59.
[10] x. GLHTCG, # 966, 974.
[11] x. Giuse Phan Tấn Thành, Magnificat, 195.
[12] x. Karl Rahner, Maria – Kẻ Đã Tin (Cao Đăng Minh chuyển dịch. Trao Đổi Xuất Bản, Sài gòn -1966), 123.
[13] Lm. Augustinô Nguyễn Văn Trinh, Thánh Mẫu Học, 300.
[14] LG, # 68.
[15] x. Krzystof Charamsa, “Đức Maria: Dấu Chỉ của Hy Vọng”, Thời sự Thần học số 69 (Trung Tâm Học Vấn Đa Minh, 08/2015): 147.
[16] Ibid.
[17] x. ĐGH Benedict XVI, Diễn Từ cho Hội Nghị Thánh Mẫu Học Lần Thứ 23, Castel Gandolfo, 8-9-2012 trích trong Charamsa, “Đức Maria: Dấu Chỉ của Hy Vọng,” 148.
[18] LG, # 69.