Vào lúc 12 giờ trưa tại Thư viện Dinh Tông tòa, Đức Thanh Cha chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin. Và cũng như mọi lần, trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha có bài giáo lý ngắn. Năm nay, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, vì đại dịch Covid-19, Đức Thánh Cha Phanxicô không cử hành thánh lễ và ban Bí tích rửa tội cho các trẻ em tại nhà nguyện Sistine như những năm trước đây. Vào năm ngoái, Đức Thánh Cha đã ban Bí tích rửa tội cho một nhóm 32 em gồm 17 nam và 12 nữ, phần lớn là con của các nhân viên làm việc tại Vatican.
Sự vĩ đại của đời sống thường ngày
“Hôm nay, chúng ta cử hành việc Chúa chịu phép rửa. Một vài ngày trước, Hài Nhi Giêsu được các Đạo sĩ viếng thăm; giờ đây chúng ta thấy Chúa Giêsu đã trưởng thành ở bờ sông Giođan. Phụng vụ cho chúng ta có một bước nhảy vọt trong khoảng 30 năm. Trong 30 năm này chúng ta biết một điều: Đó là những năm tháng sống ẩn dật của Chúa trong gia đình; trước tiên ở Ai Cập như một người di cư để trốn khỏi sự bách hại của Hêrôđê, học nghề của Thánh Giuse, và trong gia đình vâng lời cha mẹ, học hành và làm việc. Điều đáng chú ý là phần lớn thời gian sống cuộc đời trần thế, Chúa đã trải qua như vậy, Chúa sống một cuộc sống bình thường, không có gì nổi bật. Đây là một sứ điệp tuyệt vời cho chúng ta: chỉ cho thấy sự vĩ đại của cuộc sống hàng ngày, đối với Chúa mỗi cử chỉ và mỗi khoảnh khắc của cuộc sống, ngay cả những cử chỉ đơn giản và âm thầm đều quan trọng”.
Thánh tẩy có nghĩa là “dìm mình”
Đức Thánh Cha giải thích về việc Chúa chịu phép rửa: “Sau 30 năm sống ẩn dật này, Chúa bắt đầu cuộc sống công khai. Và chính xác Chúa bắt đầu với việc chịu phép rửa ở sông Giođan. Nhưng tại sao Chúa Giêsu lại chịu phép rửa? Trong phép rửa của Gioan có nghi thức sám hối, là một dấu chỉ của ý muốn hoán cải, xin tha tội. Chắc chắn Chúa Giêsu không cần phép rửa này. Thực tế, Gioan Tẩy Giả cố gắng ngăn cản, nhưng Chúa Giêsu nhất quyết. Tại sao? Bởi vì Chúa muốn ở với người tội lỗi: vì điều này Chúa đã xếp hàng với họ và làm điều tương tự như họ. Và Chúa làm như vậy với thái độ của dân chúng. Chúa bước xuống sông để dìm mình trong chính tình trạng của chúng ta. Thực tế, Thánh Tẩy có nghĩa là ‘dìm mình’. Trong ngày đầu tiên của sứ vụ, Chúa Giêsu ban tặng cho chúng ta ‘bản tuyên ngôn có kế hoạch’ của Người. Chúa nói với chúng ta rằng, Người không cứu chúng ta từ trên cao, với một quyết định tối cao hay bằng một hành động của sức mạnh, nhưng bằng cách đến gặp chúng ta và gánh lấy tội lỗi chúng ta”.
Chúa thắng sự dữ thế gian bằng cách hạ mình
Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Đây là cách Chúa thắng sự dữ thế gian: hạ mình và gánh lấy tội thế gian. Đây cũng là cách chúng ta có thể nâng người khác lên: không phải bằng việc phán xét, không đề nghị phải làm gì, nhưng gần gũi, chia sẻ tình yêu Chúa với người khác”.
Sau cử chỉ trắc ẩn này của Chúa Giêsu, một điều lạ xảy ra: các tầng trời mở ra và Ba Ngôi tỏ hiện. Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên Người (Mc 1,10) và Chúa Cha nói với Chúa Giêsu : “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1, 11). Thiên Chúa tỏ mình ra khi lòng thương xót xuất hiện, bởi vì đó là khuôn mặt của Người. Chúa Giêsu làm cho mình trở thành tôi tớ của những người tội lỗi và được tuyên bố là Con; Chúa hạ mình xuống với chúng ta và Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Người. Tình yêu mời gọi tình yêu. Điều này cũng được áp dụng cho chúng ta: trong mỗi cử chỉ phục vụ, trong mỗi việc làm của lòng thương xót mà chúng ta thực hiện, Thiên Chúa tỏ mình và đoái nhìn đến thế giới.
Ngày lãnh Thánh tẩy là ngày đón nhận lòng thương xót
Nhưng theo Đức Thánh Cha, Thiên Chúa không chỉ đến với chúng ta khi chúng ta làm việc tốt. Ngay cả khi chúng ta chưa làm gì, cuộc sống của chúng ta đã được ghi dấu bởi lòng thương xót ngự xuống trên chúng ta. Chúng ta đã được cứu độ một cách nhưng không. Điều này diễn ra trong ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa tội. Và cả những người chưa được rửa tội, họ vẫn luôn nhận được lòng thương xót của Chúa, bởi vì Thiên Chúa luôn chờ đợi họ. Chúa chờ những cánh cửa tâm hồn mở ra. Chúa đến gần bên, âu yếm chúng ta bằng lòng thương xót của Chúa.
Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ với lời cầu xin Đức Mẹ giúp chúng ta gìn giữ căn tính của chúng ta, căn tính được thương xót, nền tảng đức tin và đời sống.
Ngọc Yến – Vatican News