Đối với cụ Giuse Trần Minh Nhu, 94 tuổi, giúp đỡ người dân tộc ở những vùng núi sâu xa miền tây bắc học biết đạo Công giáo là một trong những điều sung sướng nhất trong cuộc đời.
Luôn vui vẻ hài hước, cụ Nhu thường thăm các bản làng ở tỉnh Yên Bái và tặng người làng sách kinh và mời họ tham dự thánh lễ.
“Tôi làm công việc truyền giáo cho người dân tộc trong vùng này trên 50 năm nay rồi”, cụ Nhu cho biết. Cụ nói được cả tiếng Thái và Hmông. “Thao thức truyền giáo đã có từ ngày còn trẻ, nên tôi không bỏ được. Nó ngấm vào máu rồi, thậm chí khi không có tiền, tôi phải đi vay tiền để lấy tiền lộ phí đi xe khách để mời họ và chi trả tiền xe đi về cho họ nữa”.
Mới đây, cụ Nhu bỏ ra nhiều ngày đi thăm và động viên được 14 anh chị em lương dân người Thái, Mường và Kinh tới tham dự thánh lễ đặc biệt mừng Ngày Thế giới truyền giáo tại nhà thờ Vĩnh Quang ở huyện Văn Chấn.
Những người này có tuổi từ 40 đến 75, và nhiều người trong đó sống cách xa nhà thờ đến 50 cây số.
Trong buổi lễ ngày 22-10 có 1.000 người Công giáo tham dự, những người không Công giáo được nghe giới thiệu về đạo Công giáo và nhận quà. Hai bên chia sẻ lòng biết ơn ông Trời và việc tôn kính tổ tiên, bày tỏ những lo ngại trước các vấn đề xã hội, và tạo tình thân thiết.
Cụ Nhu cho biết cụ mời được một số người Thái và Mường tới dự lễ tại nhà thờ để cầu nguyện cho người thân quá cố của họ trong tháng 11. Cụ còn dự định mời người không Công giáo tới thăm nhà thờ dịp lễ Giáng sinh này.
“Tôi cố gắng tạo mối quan hệ tốt với họ, thỉnh thoảng mua cân đường hộp sữa, hay mang thuốc nam do tôi làm sang thăm họ, và tôn trọng tín ngưỡng của họ” – cụ nói. “Điều quan trọng là họ mở lòng ra đón nhận giáo hội”.
Cha của năm người con cho biết ông đã giúp rửa tội trên 100 người Mường và Thái ở những nơi không có linh mục coi sóc. “Tôi thường thăm và động viên họ đi lễ ở nhà thờ khi thấy họ ít đi” – cụ nói.
Từng là trẻ mồ côi được một gia đình Công giáo nuôi dạy
Cụ Nhu di cư từ Thái Bình lên giáo xứ Vĩnh Quang năm 1930. Cụ mồ côi cha mẹ và được một gia đình Công giáo nhận làm con nuôi.
Giáo xứ do các thừa sai Pháp thành lập năm 1909 hiện có 3.400 giáo dân kể cả 900 người Hmong, Mường, Tày và Thái.
Giáo xứ không có linh mục xứ từ năm 2014.
“Tôi lấy cảm hứng từ công cuộc truyền giáo cho người dân tộc của bốn thừa sai người Pháp làm việc ở đây từ 1905-1952”, cụ cho biết. Các thừa sai xây dựng cơ sở vật chất, học ngôn ngữ và văn hóa bản địa, đi bộ hoặc cưỡi ngựa đi làm mục vụ cho dân làng. Các ngài sáng tác kinh nguyện bằng tiếng dân tộc và biên soạn từ điển cho họ.
Ba thừa sai đã chết ở vùng này trong khi vị thứ tư bị trục xuất năm 1952.
“Tôi muốn noi gương các ngài để góp phần nhỏ bé của mình tiếp nối việc truyền giáo cho các dân tộc như một cách nhớ ơn dưỡng dục của các ngài”, cụ nói. Cụ bắt đầu truyền giáo cho người thiểu số trong vùng từ năm 1963, khi vị linh mục người Việt Nam cuối cùng trong vùng là Cha Phêrô Dư Kim Khoa bị cộng sản bỏ tù trong cuộc đàn áp tôn giáo.
Trong nhiều bản làng gần giáo xứ, nhà chức trách cấm các linh mục bên ngoài tới thăm người làng, và cấm người dân theo đạo Công giáo. Chính quyền cũng đe dọa lấy lại đất đai và trợ cấp nếu người nào thực hành đạo.
“Ở vùng Tú Lệ, những người trẻ và đang tuổi lao động không dám đi nhà thờ và thậm chí đem chôn cả tràng hạt đi nữa vì bị chính quyền đe dọa”, cụ nói.
Cụ Nhu cho biết cụ vượt qua những thách thức này bằng cách làm bạn với các cán bộ trong xã. “Tôi vượt qua bằng cách đến tận nhà chủ tịch xã làm quen, kết bạn. Tôi đến thăm hỏi, chia sẻ vui buồn với dân làng vào dịp cưới, dịp tang. Từ hai năm nay tôi sưu tầm những cái đài 500 bài giảng Lòng thương xót Chúa và tặng cho họ nữa”.
Cụ hỏi thăm sức khỏe và công việc của từng gia đình, khuyên giải gia đình bất hòa, và tặng cho người bệnh sữa, đường và thuốc nam. “Tôi thường kể chuyện vui giúp họ khuây khỏa và tìm niềm vui trong cuộc sống”, cụ nói.
Nhiều người dân tộc quý trọng cụ Nhu vì những việc làm bác ái và quan tâm tha nhân.
“Tôi rất nể phục tinh thần của cụ Nhu, dù cao tuổi mà vẫn đến thăm chúng tôi và mời tham dự lễ” – bà Đinh Thị Bướm, 68 tuổi, một người Mường, cho biết.
Bà Bướm nói rằng nhờ cụ Nhu mà bà có cảm tình với đạo Công giáo, giáo lý của đạo dạy người ta ăn ngay ở hiền, nuôi dạy con cái ngoan hiền, biết sống yêu thương và hy sinh cho người khác.
Một phần trong những nỗ lực truyền giáo của cụ là cụ đã mời được một đảng viên 75 tuổi và là một giáo viên đã về hưu tới tham dự thánh lễ tại nhà thờ hồi tháng 10. Cụ đang cố gắng giới thiệu các giá trị Kitô giáo cho những cán bộ và đảng viên hưu trí.
“Tôi tin là con người khi về già họ sẽ kiếm tìm các giá trị tâm linh. Đạo Công giáo có thể làm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của họ” – cụ nói.
Nguồn: vietnam.ucanews.com