Giáo hội Úc châu kêu gọi giúp đỡ những người tâm thần

Giáo hội Úc đã chọn “sức khỏe tâm thần” làm chủ đề cho Chủ nhật Công bằng Xã hội mừng vào ngày 30 tháng 8. Theo Giám Mục Phụ Tá Terence Grady ở Sydney thì bệnh tâm thần ảnh hưởng đến tất cả các thành phần của xã hội Úc: người bản địa, và người tị nạn là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Giáo Hội Công Giáo Úc kêu gọi xã hội để ý tới bệnh tâm thần một cách nghiêm túc, vì nó ảnh hưởng đến tất cả mọi người. “Không có một thành phần nào trong xã hội mà không bị bệnh tâm thần tác động tới.” Các cơ sở của Giáo hội, đặc biệt các giáo xứ, có thể giúp một cách tích cực cho những người đang bị căng thẳng về căn bệnh này.

Giám Mục Phụ Tá Terence Grady của Sydney đã đưa ra quan điểm trên, khi phát biểu với đài Vatican, trước ngày Chủ nhật về Công bằng Xã hội, mà Giáo hội Úc sẽ mừng vào Chúa nhật.

Trước ngày Chúa nhật “Công bằng Xã hội”, Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc (ACBC) đã phát hành một tài liệu về Công bằng Xã hội 2020-21 dài 19 trang, xem xét các mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân gây ra bệnh tâm thần trong xã hội Úc và đề ra những hành động giải quyết chúng. Với tiêu đề “Sống trọn vẹn: Sức khỏe tâm thần ở Úc ngày nay”, tuyên bố kêu gọi các cộng đồng tín ngưỡng, chính phủ và cá nhân ưu tiên lo tới sức khỏe tâm thần.

Giám mục Brady, Giám mục đặc trách Ủy ban Công bằng Xã hội, Truyền giáo và Phục vụ của Hội đồng Giám mục Úc, cho biết đại dịch Covid-19 “đã làm cho bệnh tâm thần bục phát mạnh mẽ trong xã hội Úc, và có lẽ ở hầu hết các xã hội phương Tây khác, bệnh tâm thần là một vấn đề rất lớn”.

Các nhóm dễ bị tổn thương

Trong khi cổ súy các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Úc, các giám mục của quốc gia này nói rằng nếu không có nguồn tài trợ đầy đủ cho các dịch vụ y tế cộng đồng, nhiều nhóm thiểu số thấp cổ bé miệng sẽ không có cuộc sống an toàn. Các yếu tố như nghèo đói, điều kiện sống và an ninh cá nhân góp phần vào sức khỏe tâm thần.

Mặc dù vấn đề “xảy ra cho toàn xã hội”, Giám mục Brady nói, nó vẫn nghiêm trọng “đặc biệt trong một số nhóm nhất định”. Đây chắc chắn là một “vấn đề lớn đối với người dân bản địa và giữa những người tị nạn”, nhiều người trong số họ, ngài cho hay, “đa số đã bị giam giữ trong nhiều năm tháng”.

Ngoài ra còn phải kể đến những người vô gia cư và hè phố và những người có thu nhập thấp. “Chúng ta cũng có thể tìm thấy những ảnh hưởng to lớn về sức khỏe tâm thần” ngay cả trong số những hàng ngũ mà Giám mục Grady mô tả là “trung lưu và thượng lưu của xã hội”. Khi còn là một linh mục trẻ, ngài nhớ đã nghe bình luận trên đài phát thanh về một khu vực thương lưu ở Sydney mà lại có tỷ lệ gia đình bị lạm dụng cao nhất.

Trong khi đi thăm các trại tạm trú và nhà tù, Đức cha Brady nói, “chúng ta có thể nhận ra nhiều dấu hiệu của bệnh tâm thần”. “Nhiều trung tâm tạm trú cho người vô gia cư và nhà tù có thể được coi là trung tâm tâm thần”.

Đức cha than thở về một xu hướng đánh bóng muốn dấu nhẹm vấn đề này. Ngài cảnh báo: “Ở nhiều xã hội phương Tây, sức khỏe tâm thần đã là một vấn đề của nhiều thế hệ và nó sẽ tiếp tục như vậy, trừ khi chúng ta giải quyết nó”. Tuy nhiên, ngài nói, tin tốt mà chúng ta biết chắc về vấn đề này là chúng ta có thể thay đổi nó, nếu chúng ta thực sự muốn. Tất nhiên, nguồn lực là cần thiết để thực hiện điều đó.

Mạng lưới của Giáo hội, đặc biệt là các giáo xứ

Về lãnh vực này, Giáo hội Úc đã nỗ lực trong lãnh vực chăm sóc những người tâm thần, Đức cha Brady nói, thông qua hệ thống giáo dục rộng lớn, với các trường đại học, cao đẳng, trung và tiểu học và bệnh viện, Giáo hội có thể giúp “kết nối mọi người và giúp đỡ họ”.

Giám mục Brady cho hay: Các giáo xứ có thể đóng góp một sự thay đổi tuyệt vời, tiếp cận trực tiếp những người mắc bệnh tâm thần. “Nếu chúng ta có một giáo xứ sinh động, vững mạnh với các hạ tầng tốt, thì dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, có thể được nâng đỡ ngay trong cộng đồng giáo xứ”. Đây là lý do tại sao “Giáo hội ở Úc đang củng cố các giáo xứ địa phương, bởi vì giáo xứ có thể làm được rất nhiều điều, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần”.

Giáo hội cần lấy lại uy tín của mình

Giám mục Brady nói rằng Giáo hội Úc đang “gây áp lực nhiều hơn lên các nhà lãnh đạo chính trị, phải chú trọng đến sức khỏe tâm thần hơn nhiều so với trước đây”. Tuy nhiên, “trên nhiều phương diện, Giáo hội đã mất đi tiếng nói của mình”, vì cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục trẻ em, cùng nhiều thứ khác.

Đức cha nói: Giáo hội cần lấy lại niềm tin và uy tín của mình, để có thể lên tiếng bênh vực những người gặp khó khăn và những người bên lề xã hội. Giáo hội cần gây áp lực lên các nhà lãnh đạo chính trị và những người cầm quyền chú ý đến sức khỏe tâm thần cũng như nhiều lĩnh vực khác.

(Tin Vatican – Robin Gomes)
Thanh Quảng sdb
Nguồn: http://www.vietcatholic.net/News/Html/258202.htm