Trong hai bản văn hộ giáo được viết bằng tiếng Hy Lạp tại Rome vào khoảng thời gian 148–161, Justin Martyr (khoảng 100–khoảng 165) đã đưa ra một sự bảo vệ mạnh mẽ cho Kitô giáo, trong đó ông tìm cách chỉ ra cách tin mừng liên kết với các khái niệm thế tục về trí tuệ. Justin có một mối quan tâm đặc biệt là liên hệ tin mừng Kitô giáo với các hình thức khác nhau của tư tưởng Platonism, vốn có ảnh hưởng ở khu vực phía đông Địa Trung Hải vào thời điểm này, và do đó nhấn mạnh sự tương đồng của Kitô giáo và triết học của Plato tại một số điểm quan trọng. Cụ thể, Justin bị thu hút bởi khái niệm trung tâm về logos (thuật ngữ Hy Lạp này có nghĩa là “lời”), đóng vai trò quan trọng trong cả triết học Plato và thần học Kitô giáo – ví dụ, Gio-an 1: 14, khẳng định rằng “Lời đã trở thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta.” Một chủ đề trung tâm trong sự bảo vệ đức tin Kitô giáo của Justin là ý tưởng cho rằng Thiên Chúa đã gieo vãi “những hạt giống [spermata] của Logos” khắp thế giới trước khi Đức Kitô đến, để cho thấy rằng trí tuệ và chân lý thế tục có thể chỉ dẫn hướng đến Chúa Kitô, dù không hoàn hảo. xem thêm mục 1.2, 1.3, 1.4
Chúng ta đã được dạy rằng Chúa Kitô là con đầu lòng của Thiên Chúa, và chúng ta đã tuyên bố rằng Ngài là Logos, nơi ngài mọi chủng tộc của nhân loại đều được hiệp thông. Và những người sống theo Logos là Kitô hữu, ngay cả khi họ có thể được coi là những người vô thần – chẳng hạn như Socrates và Heraclitus, và những người khác như họ, trong số những người Hy Lạp. […] Bất cứ điều gì mà các luật sư hoặc triết gia đã nói tốt đẹp đều được nói ra bằng cách tìm kiếm và suy ngẫm về một khía cạnh nào đó của Logos. Tuy nhiên, vì họ không biết Logos – vốn là Đức Kitô – một cách trọn vẹn, nên họ thường tự mâu thuẫn với chính mình. […] Bất cứ điều gì mà tất cả mọi người đã nói tốt [kalos] đều thuộc về chúng ta, những người Kitô hữu. Vì chúng ta thờ phượng và yêu mến, bên cạnh Thiên Chúa, Logos, Đấng đến từ Thiên Chúa vô hình và tự hữu -không được sinh ra (begotten)- , bởi chính vì chúng ta mà Ngài đã trở thành con người, để Ngài có thể chia sẻ nỗi khổ đau của chúng ta và mang lại sự chữa lành cho chúng ta. Vì tất cả các tác giả đều có thể nhìn thấy chân lý một cách mơ hồ, vì [1] hạt giống của Logos được gieo cấy vào họ. Bây giờ, hạt giống và sự bắt chước [mimema] của một cái gì đó được ban cho trên cơ sở khả năng tiếp nhận của một người thì hoàn toàn khác với chính cái đó, mà sự giao tiếp và bắt chước được lãnh nhận theo ân sủng của Thiên Chúa.
Bình luận
Justin Martyr lập luận rằng Chúa Giê-su Kitô là Logos. Nói cách khác, theo Justin, nguyên tắc triết học nền tảng của hệ thống triết học Plato không phải là một ý tưởng trừu tượng cần được khám phá bằng lý trí con người mà là một thứ đã được tiết lộ cho nhân loại dưới một hình thức cụ thể. Điều mà các nhà triết học đang tìm kiếm đã được tiết lộ trong Chúa Kitô. Do đó, tất cả sự khôn ngoan thực sự của con người đều bắt nguồn từ Logos này, cho dù điều này có được công nhận rõ ràng hay không. Justin lập luận rằng các mâu thuẫn và căng thẳng triết học phát sinh do không có quyền truy cập trọn vẹn vào Logos. Tuy nhiên, quyền truy cập trọn vẹn vào Logos hiện có thể đạt được thông qua Chúa Kitô. Justin sau đó khẳng định rằng tất cả những ai hành động trung thực và chân thành theo những gì họ biết về Logos đều có thể được coi là Kitô hữu, bao gồm cả Socrates. Do đó, tất cả những gì tốt và đúng trong triết học thế tục có thể được Kitô hữu chấp nhận và tôn trọng, vì nó cuối cùng bắt nguồn từ Logos, cho dù điều này có được công nhận rõ ràng hay không.
Câu hỏi
1. Tại sao bạn nghĩ Justin muốn nhấn mạnh sự hợp nhất của Kitô giáo và triết học Plato?
2. Thái độ của Kitô giáo đối với triết học thế tục phát sinh từ sự hiểu biết của Justin về Logos là gì?
3. Những khó khăn nào phát sinh từ khẳng định rằng các nhà triết học dân ngoại như Socrates và Heraclitus có thể được coi là Kitô hữu?
Duc Trung Vu, CSsR chuyển ngữ